Sử dụng thơ ca trong giảng dạy bộ môn Sinh học ở đại học

Nghiên cứu của nhóm tác giả Natalia Calderón Moya‑Méndez và Hub Zwart trình bày kết quả giảng dạy một hợp phần Sinh học ở bậc cử nhân cho sinh viên chuyên ngành Luật và Khoa học Xã hội tại Lima, Peru. Mục tiêu của thử nghiệm là khơi dậy tư duy phản biện của sinh viên về các khái niệm liên quan đến tự nhiên (chiều cạnh nhận thức) và đánh giá việc sử dụng thơ ca trong giảng dạy hỗ trợ như thế nào đối với việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành khoa học tự nhiên của sinh viên khoa học xã hội.

Nhìn chung, sinh viên tại Đại học Peru phải học các môn về sinh học (hoặc sinh thái học) có thể được chia làm ba trường hợp: (a) sinh viên đang theo học để trở thành một nhà sinh vật học; (b) môn học liên quan đến Sinh học là môn tiên quyết của các môn học khoa học ứng dụng khác, chẳng hạn như trong các chương trình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật / y học; (c) sinh viên theo học chuyên ngành khoa học xã hội nhưng được đào tạo theo chương trình giáo dục đại học toàn diện. Nghiên cứu này xét đến các sinh viên thuộc trường hợp thứ ba.

Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Công giáo Peru (Pontificia Universidad Católica del Perú), một trường đại học tư thục nằm ở thủ đô Lima, trong hai kỳ học mùa xuân năm 2017 và 2018. Sinh viên tham gia nghiên cứu đang theo học các môn đại cương về sinh học (2017) hoặc sinh thái học (2018) do tác giả đầu tiên của nghiên cứu này (thuộc Khoa Nghiên cứu Đại cương về Khoa học Nhân văn) đứng lớp, trước khi học các môn chuyên ngành về Nhân văn, Luật hoặc các chương trình đào tạo Khoa học Xã hội khác.

Khoảng 50% số sinh viên tham gia nghiên cứu đang theo học chuyên ngành Luật. Về đặc trưng nhân khẩu học, độ tuổi của đa số sinh viên tham gia nghiên cứu là khoảng 17 - 19 tuổi; 80% trong số đó là nữ sinh, còn lại là các nam sinh. Mặc dù đa số sinh viên tham gia khảo sát đều có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi, song đây không phải là một lớp học có sự đồng nhất hoàn toàn về hoàn cảnh văn hóa - sinh viên đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau ở Peru.

Nghiên cứu dựa trên một module học phần được phát triển cho các sinh viên chuyên ngành Triết học ở Hà Lan từ năm 2014 với ý tưởng tương tự, song có chỉnh sửa phù hợp với bối cảnh của trường đại học tại Peru. Mục đích của module này là khơi gợi tư duy phản biện của sinh viên trong đọc hiểu và đánh giá giá trị của tự nhiên. Và câu hỏi nghiên cứu đặt ra là liệu thơ cả có thể giúp làm sâu sắc thêm hiểu biết của sinh viên về thế giới tự nhiên, mối quan hệ của họ với tự nhiên và việc học tập từ tự nhiên hay không; nếu có thì bằng cách nào.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thơ ca về chủ đề tự nhiên giúp gây dựng một góc nhìn toàn diện về tự nhiên, cho phép sinh viên kết hợp tri thức với các mối quan tâm về giá trị của tự nhiên, giữa nhận thức và các chiều cạnh của cảm xúc. Ngoài ra, thơ ca còn cho phép sinh viên kết nối hoặc đối chiếu thông tin khoa học với các tri thức bản địa truyền thống. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhận thấy thơ ca tạo điều kiện cho phép sinh viên tự do trình bày và thảo luận về các trải nghiệm cá nhân của họ với thiên nhiên. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng module học phần này có thể được sử dụng với tư cách một công cụ giáo dục bổ sung trong các môn học liên quan đến sinh học; và công cụ này có thể được sử dụng để truyền cảm hứng cho các hành động thực tiễn và nhận thức của sinh viên trước những thách thức môi trường toàn cầu.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Calderón Moya-Méndez, N., & Zwart, H. (2022, May 24). Science and poetry: poems as an educational tool for biology teaching. Cultural Studies of Science Education, 17(3), 727–743. https://doi.org/10.1007/s11422-022-10118-3

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng thơ ca trong giảng dạy bộ môn Sinh học ở đại học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19