Một số phương pháp khuyến khích học sinh học Toán một cách hiệu quả

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, học sinh thường cảm thấy bớt lo lắng và hào hứng hơn khi khám phá các khái niệm Toán học nếu có thể kết nối những bài học với các tình huống thực tế trong đời sống.

Dạy toán bậc trung học không phải là một công việc dễ dàng. Các yếu tố gây căng thẳng như chứng bệnh “sợ Toán” và cảm giác lo lắng của học sinh đối với môn học này, lỗ hổng trong kỹ năng toán học và căng thẳng liên quan đến việc thích ứng với các công nghệ mới đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của cả học sinh và giáo viên.

Suy nghĩ về quá trình dạy Toán cho các học sinh của mình, tác giả Ranjani Iyer tập trung vào câu hỏi "Tại sao tôi muốn dạy môn học này?" để truyền cảm hứng và thúc đẩy học sinh chia sẻ niềm đam mê toán học với mình. Dưới đây là năm chiến lược đã được tác giả đã sử dụng để khuyến khích học sinh học toán hiệu quả hơn trong lớp học.

Dạy học chuyển đổi

Việc giảng dạy có khả năng góp phần thay đổi cuộc sống của học sinh, khi các em tìm kiếm cơ hội để phát triển. Sự chuyển đổi này xảy ra trong lớp học của tác giả khi học sinh cảm thấy ít lo lắng hơn đối với môn toán và hào hứng hơn khi khám phá các khái niệm bằng cách liên hệ với những tình huống xảy ra thực tế. Sử dụng các hoạt động thực hành và học tập trải nghiệm để tương tác với học sinh, tác giả khuyến khích các em cộng tác với các bạn cùng lứa tuổi, xây dựng các kỹ năng toán học và suy nghĩ chín chắn hơn về những gì đã học được.

Chẳng hạn, khi các học sinh học về tài chính, lãi suất và tỷ lệ phần trăm, tác giả đã thiết kế một dự án để các “doanh nhân tương lai” thực hiện một dự án mơ ước, chẳng hạn như mở một gara ô tô, một nhà hàng hoặc một phòng tập thể dục. Đầu tiên, các học sinh được yêu cầu viết đề xuất dự án để xem xét khoản vay mà các em cần, lãi suất phải trả và thời gian thu được lợi nhuận trong bao lâu.

Tương tác và khuyến khích

Học sinh luôn mong muốn được truyền cảm hứng để phát huy hết tiềm năng và đạt được mục tiêu học tập của mình. Do đó, tác giả sử dụng các công cụ và hoạt động trực quan để tìm hiểu nhu cầu của từng học sinh và khuyến khích các lựa chọn của từng em nhằm thể hiện sự hiểu biết của họ. Tác giả sử dụng các công cụ đồ họa như biểu đồ KWL để tạo dựng các hình ảnh trực quan về những gì học sinh chuẩn bị được học, tạo mối liên hệ với các kiến thức đã học trước đó với bài học hiện tại. Học sinh cũng sử dụng Mô hình Frayer để củng cố các ý tưởng chính về một khái niệm, chẳng hạn như độ dốc, bằng cách xác định nó và tìm phương pháp tính toán.

Tác giả đã tổ chức các cuộc thảo luận trên lớp để tìm hiểu các khái niệm toán học và hiểu sở thích của học sinh. Trong một lần trò chuyện đó, tác giả đã bắt gặp một nhóm học sinh có chung sở thích về bóng chày. Với sự giúp đỡ của bạn bè, tác giả đã có thể sắp xếp một chuyến đi dã ngoại cho các học sinh của mình để xem một trận đấu bóng chày. Trong “Ngày Toán học” đặc biệt hôm đó, một số diễn giả trong ngành thể thao đã được mời để thuyết trình về cách toán học được sử dụng ở mọi nơi trong khuôn khổ môn bóng chày chuyên nghiệp, từ việc tính điểm trung bình của người ném bóng, số liệu thống kê về chất lượng của người ném bóng, đến kích thước của sân.

Các học sinh đã rất hứng thú với trải nghiệm này và cảm nhận được cách thức các em có thể kết nối việc học toán của mình với môn bóng chày. Học sinh xây dựng các mối quan hệ tích cực thông qua các hoạt động mà các em quan tâm và giúp chúng cộng tác, cảm thấy được tôn trọng và tham gia mà không sợ bị thất bại.

Thấu hiểu và luôn tỉnh táo

Khuyến khích điểm mạnh của học sinh và khắc phục điểm yếu giúp tạo ra nhận thức cho các em về khả năng của chính mình và những gì cần làm để cải thiện bản thân. Tác giả chú trọng tới việc học hỏi từ những sai lầm và tiến lên phía trước. Khi giảng bài về một khái niệm mới, tác giả luôn giải thích rằng phạm sai lầm là một cột mốc quan trọng để hiểu sâu hơn. Tác giả hệ thống hoá và hướng dẫn cho học sinh về giá trị của việc mắc sai lầm và tạo ra môi trường thảo luận mang tính xây dựng  về nó. Với tư cách là những nhà giáo dục, điều quan trọng đối với các giáo viên là phải cho học sinh thấy rằng, khi chúng ta học một điều gì đó mới, thì có thể phải trải qua các giai đoạn từ đấu tranh, thất bại, thử lại, thất bại lần nữa và sau đó thành công. Tác giả chú trọng đưa ra phản hồi tích cực, khen ngợi để khuyến khích học sinh của mình thử một điều gì đó mới nhưng khó khăn.

Cộng tác và kết nối

Tác giả sử dụng các công cụ học tập hợp tác để thúc đẩy sự kiên trì, phát triển kỹ năng giao tiếp và thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn ở các em học sinh, chẳng hạn như tạo các nhóm học tập bằng cách trộn ngẫu nhiên các thành viên trong lớp. Tác giả đặc biệt chú ý khi thành lập nhóm và hướng dẫn học sinh hiểu được trách nhiệm của mình, học hỏi từ các bạn và đối xử với các bạn cùng nhóm một cách tôn trọng và công bằng.

Tôi đã sử dụng chiến lược được gọi là “Thử đi, Nói đi, Hãy tô màu rồi kiểm tra lại” (Try It, Talk It, Color It, Check It) cho tiết ôn tập, trong đó ban đầu học sinh sẽ thử tự làm một số bài toán, rồi thảo luận về chúng trong giờ nghỉ, sau đó sử dụng Padlet để chia sẻ bài làm của mình. Học sinh đã tham gia và làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề.

Khen ngợi và ghi công học sinh khi các em thành công

Trong bối cảnh hiện tại, sự tự giác và trách nhiệm của học sinh càng trở nên quan trọng hơn khi các em phải học tập từ xa qua mạng, bởi học sinh phải tự tạo động lực cho bản thân và chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Tác giả tập trung vào việc xây dựng các công cụ xã hội và cảm xúc trong lớp học của mình bằng cách sử dụng cách tiếp cận “Trái tim” để tạo ra một văn hoá lớp học tin cậy và tích cực. Những công cụ này giúp phát triển lòng tự trọng và sự tự tin của học sinh, đồng thời chuẩn bị cho các em tâm lý chấp nhận rủi ro khi giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Mỗi tuần, học sinh nhận được một danh sách dạng “checklist” gồm những kỳ vọng và mục tiêu học tập rõ ràng. Tác giả khảo sát học sinh để nhận phản hồi và tìm hiểu cách hỗ trợ tốt nhất các nhu cầu đa dạng của từng em. Học sinh tự đánh giá sự tiến bộ của mình, đánh giá quá trình học và tìm kiếm các công cụ hỗ trợ để nâng cao kiến thức của bản thân là một hoạt động rất có ý nghĩa và cần thiết.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Ranjani Iyer (2022). 5 Ways to Motivate Students to Learn Math Effectively. Edutopia. 

Bạn đang đọc bài viết Một số phương pháp khuyến khích học sinh học Toán một cách hiệu quả tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19