Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư cho đổi mới giáo dục cần đúng thời điểm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác phối hợp, sự hô ứng giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách, chỉ đạo các công việc liên quan đến giáo dục. Với địa bàn khu vực miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc như Tuyên Quang, sự phối hợp này càng quan trọng, bởi giải quyết vấn đề giáo dục cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
Đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng nhìn nhận, kết quả giáo dục Tuyên Quang đạt được thời gian qua là rất đáng ghi nhận, đặc biệt lại trong bối cảnh của một địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với vai trò quyết định từ các địa phương là một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh với tỉnh Tuyên Quang. Theo Bộ trưởng, lần đổi mới này như một “cuộc cách mạng” trong giáo dục với những thay đổi toàn diện và sâu sắc; ở đó, lấy phát triển con người làm cơ sở để phát triển những yếu tố khác.
“Từ nền tảng tạo lập con người nói chung, sẽ tạo lập tầng thứ nhân lực và cao nhất là nhân tài. Lấy phát triển con người làm gốc rễ, nếu không có nền tảng ấy sẽ không có nhân lực, nhân tài”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho rằng, nếu lãnh đạo địa phương có sự chia sẻ, thấu hiểu với những đổi mới rất sâu ấy, thành công sẽ sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, Bộ trưởng đề cập đến ý nghĩa của sự đầu tư đúng thời điểm và mong tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung cao độ cho đầu tư trong 2-3 năm tới. Trong đó, tập trung trong chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
“Đổi mới với cả nước nơi nào cũng nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với Tuyên Quang, thách thức gấp 2-3 lần. Đổi mới cần đội ngũ giáo viên hùng hậu, cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi chúng ta phải “gồng mình” làm việc lớn, việc mới, việc khó trong điều kiện nhiều khó khăn”, Bộ trưởng nói và bày tỏ sự chia sẻ với địa phương khi bắt tay thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc
làm việc
Cho rằng giáo dục Tuyên Quang vừa phải thực hiện những nhiệm vụ chung của cả nước, nhưng cũng phải thực hiện những yêu cầu mang tính đặc thù của địa phương, Bộ trưởng đã chỉ ra một số “từ khóa” với giáo dục Tuyên Quang như: Đẩy mạnh xã hội hóa một cách phù hợp; đẩy mạnh kiên cố hóa trường học; hợp lý hóa về mạng lưới; chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; hiện đại hóa, số hóa trong phương pháp giáo dục...
Riêng về nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp trong điều kiện còn 40% trường lớp chưa kiên cố hóa, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Tuyên Quang cần có quyết tâm chiến lược, ban hành được nghị quyết riêng cho vấn đề này, từ đó thực hiện tổng thể, có lộ trình. Là địa phương có đông học sinh dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cũng lưu ý tới việc phát triển hệ thống trường nội trú, đi cùng với đổi mới mô hình trường này, tạo môi trường học tập hài hòa, bình đẳng cho học sinh.
Với giáo dục mũi nhọn, theo Bộ trưởng, mục tiêu của Tuyên Quang không phải là có nhiêu học sinh thi quốc gia, quốc tế mà cần đặt vấn đề đáp ứng nhân lực tốt nhất cho tỉnh, đem lại giá trị chung cho số đông. “Cái riêng của giáo dục Tuyên Quang là cố gắng nâng “sàn”, giải quyết khó khăn của địa phương, giáo dục con người giữ được bản sắc văn hóa.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, nhiều đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang về giáo dục và đào tạo cũng được Bộ trưởng trao đổi, giải đáp. Bộ trưởng đồng thời cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm trước thềm năm học 2022-2023 - năm trọng tâm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm cần tiếp tục tập trung bù đắp cho học sinh sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Quan tâm tỷ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số
Đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Tuyên Quang với ngành Giáo dục, cũng như kết quả giáo dục và đào tạo của địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra một số khó khăn của giáo dục Tuyên Quang hiện nay như thiếu giáo viên, khó thu hút giáo viên giỏi, thầy cô còn khó khăn trong điều kiện để học tập nâng cao trình độ; khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại cuộc làm việc
Nêu ra một số nội dung địa phương cần quan tâm, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh đến việc chú trọng quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, làm sao đúng với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng giáo dục, theo ông Nguyễn Đắc Vinh là khung chương trình, tài liệu học tập, cùng với đó là yếu tố đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Từ đó, mong tỉnh tiếp tục quan tâm cho các điều kiện bảo đảm chất lượng cốt lõi này.
Chia sẻ với khó khăn của giáo dục Tuyên Quang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng thời đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong thực hiện các chính sách nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho học sinh. Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp THCS-THPT được tỉnh Tuyên Quang triển khai là giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số tiếp tục được học hết THPT. Mô hình này của Tuyên Quang, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh có thể được nghiên cứu để nhân rộng.
Nhấn mạnh vai trò của Trường Đại học Tân Trào như “cơ hội” của tỉnh Tuyên Quang và của cả vùng về phát triền nguồn nhân lực, ông Hầu A Lềnh cho rằng, ngoài các ngành đào tạo giáo viên, Trường Đại học Tân Trào cần mở rộng đào tạo các ngành, lĩnh vực khác địa phương cần như du lịch, dịch vụ... “Tỉnh Tuyên Quang cần tạo điều kiện cho Trường Đại học Tân Trào nhưng nhà trường cũng phải có chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh tốt hơn”, ông Hầu A Lềnh nói.
Trước một số khó khăn hiện nay của tỉnh Tuyên Quang như tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp thấp, còn 40% chưa kiên cố, thiếu giáo viên, ông Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh sẽ dành nguồn lực để quyết tâm hoàn thành việc kiên cố hóa trường lớp; đồng thời cho biết, sẽ hỗ trợ cao nhất cho tỉnh trong khả năng có thể. Với vấn đề giáo viên, theo ông Hầu A Lềnh, tỉnh cần quan tâm tới tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số, bởi ngoài dạy kiến thức, việc dạy kỹ năng, dạy phong tục tập quán cho học sinh dân tộc thiểu số là rất quan trọng.
Nhiều giải pháp đồng bộ phát triển giáo dục nhưng còn nhiều khó khăn
Báo cáo tình hình, kết quả phát triển giáo dục và đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm phát triển giáo dục và đào tạo, những giải pháp này đã mang nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn báo cáo tại cuộc làm việc
Cụ thể, hệ thống mạng lưới trường mầm non, phổ thông cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh ở 138/138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Năm học 2021-2022, tỉ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 41% (cao hơn bình quân cả nước); tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 99,9%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây đều đạt trên 98%, đặc biệt năm 2022, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh/thành phố (tăng 13 bậc so với năm 2021), trong đó điểm thi khối B (Toán, Hóa, Sinh) cao nhất cả nước. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 163/400 học sinh dự thi đạt giải quốc gia, trong đó có 4 giải nhất.
Giai đoạn 2016-2022, thực hiện việc sắp xếp giảm 15 trường công lập và 378 điểm trường lẻ, tạo điều kiện để học sinh có môi trường học tập tốt hơn, góp phần quan trọng tiết kiệm biên chế giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đầu tư cơ ở vật chất. Cũng trong giai đoạn này, toàn ngành thu hút được 106 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, người có trình độ cao về công tác tại tỉnh.
Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục thường xuyên tiếp tục được quan tâm đầu tư. Công tác xã hội hóa giáo dục được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Giáo dục ngoài công lập bước đầu được khuyến khích phát triển, đặc biệt là đối với cấp mầm non.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu tại cuộc làm việc
Bên cạnh những kết quả đạt được, do đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, do đó giáo dục và đào tạo của tỉnh Tuyên Quang cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Do dịa hình đồi núi, chia cắt nên còn nhiểu điểm trường lẻ (807 điểm), tỉ lệ phòng học kiên cố thấp so với bình quân cả nước. Toàn tỉnh hiện chỉ có 4 trường mầm non và 1 trường tiểu học ngoài công lập.
Số lượng người làm việc được giao ở cấp học trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với nhu cầu và định mức quy định của Bộ GDĐT. Năm học 2022-2023, số lượng người còn thiếu so với định mức quy định là 5.491. Ở nhiều môn học vừa thiểu chỉ tiêu biên chế, vừa thiếu nguồn tuyển. Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học thấp nên việc thực hiện 2 buổi/ngày từ năm học 2022-2023 được xác định rất khó khăn.
Trong giai đoạn tiếp theo, giáo dục Tuyên Quang sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục củng cố, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, giảm tối đa các điểm trường lẻ. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chất lượng giáo dục mũi nhọn, phấn đấu có học sinh dự thi Olympic quốc tế. Tăng cường xã hội hóa để phát triển giáo dục và đào tạo...
Với những mục tiêu, phương hướng đặt ra nhằm phát triển giáo dục và đào tạo, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm mong muốn, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ GDĐT, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, các Bộ, ngành liên quan, qua đó từng bước phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh.
Nhân dịp này, Bộ GDĐT đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và những cá nhân có đóng góp cho ngành Giáo dục.