Cụm thi đua số 1, gồm các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.
Quang cảnh Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2021-2022 là năm thứ ba, ngành GDĐT tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những tác động không nhỏ tới công tác dạy và học. Với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng internet trong công việc để phù hợp với tình hình thực tế đã đảm bảo công việc được thông suốt, không bị gián đoạn và đạt được những kết quả nhất định.
Các Sở GDĐT đã tham mưu, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình Covid-19 tại địa phương. Trong đó triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Về Giáo dục mầm non, trong thời gian trẻ mầm non nghỉ học vì dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến mà duy trì kết nối nhóm, trao đổi thông tin qua mạng giữa giáo viên và cha mẹ trẻ để tư vấn những nội dung cần thiết, phù hợp trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với với ngành y tế và chính quyền địa phương triển khai, tổ chức tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non (không phân biệt trẻ công lập và ngoài công lập).
Về Giáo dục phổ thông, các Sở GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch bài dạy theo quy định. Chỉ đạo các trường điều chỉnh kế hoạch và tổ chức dạy học một cách linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức dạy học bao gồm trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, tùy từng thời điểm diễn biến dịch.
Hầu hết giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, giáo dục kĩ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường được đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và dạy học trực tuyến.
Song song với đó, các Sở GDĐT cũng đã chỉ đạo các trường tổ chức tốt công tác đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì, xét hoàn thành chương trình, tổng kết, bế giảng năm học, tuyên dương khen thưởng học sinh. Sở GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về Giáo dục thường xuyên, Cụm thi đua số 1 đã đổi mới công tác quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục thường xuyên. Tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, các Sở GDĐT cũng đã nỗ lực, chủ động, đề xuất, sáng tạo nhằm mang lại các kết quả cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia trong ngành Giáo dục, việc lựa chọn sách giáo khoa.
Năm học 2022-2023, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực GDĐT; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội; Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi; Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục…
Tại Hội nghị, các Sở GDĐT đã trình bày các tham luận, trao đổi, nêu các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ GDĐT xung quanh các vấn đề như: hướng dẫn cụ thể việc phân loại trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục năm 2019; chính sách đào tạo, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cấp học; ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; triển khai, thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại các địa phương...
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo của Cụm thi đua số 1 với những đặc thù riêng tại từng địa phương, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT đã có những lưu ý với các Sở GDĐT về số liệu, tiêu chí đánh giá, thang điểm cụ thể, thẩm định đánh giá về thi đua khen thưởng trong chính sách giáo dục; chuyển đổi số; triển khai giáo dục các cấp; giáo dục thường xuyên; giáo dục thể chất; dạy trực tuyến và trực tiếp; tuyển sinh; học phí; giáo dục đại trà; giáo dục mũi nhọn...