Các nhà nghiên cứu nghi ngờ hệ thống “trả tiền để xuất bản” nhưng không muốn dừng lại

Nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang trả tiền cho các nhà khoa học khi công bố bài báo. Tuy nhiên, khảo sát gần đây về chính sách mới của Nam Phi cho thấy một thực tiễn đáng báo động về cơ chế này.

Chương trình khuyến khích xuất bản (thưởng tiền khi các nhà nghiên cứu xuất bản các bài báo trên tạp chí, kỷ yếu hội thảo và các chương sách) là nguồn tài trợ nghiên cứu lớn nhất mà đất nước này từng công bố, trị giá ước tính 2,4 tỷ rand Nam Phi (160 triệu USD) mỗi năm. Theo chương trình này, các nhà nghiên cứu có thể nhận được khoảng 120.000 rand (8 nghìn USD) cho mỗi bài báo được xuất bản. Các khoản trợ cấp ban đầu được đưa ra vào năm 2005 để thúc đẩy sản lượng học thuật, và đúng là nó đã phát huy tác dụng: tổng số lượng nghiên cứu của Nam Phi đã tăng từ 4.063 bài báo trong năm 2005 lên 25.371 vào năm 2018.

Tuy vậy, chương trình này cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Một số nhà nghiên cứu nói rằng nó góp phần thúc đẩy việc xuất bản trên các tạp chí săn mồi có tính phí nhưng thường không cung cấp phản biện hoặc kiểm tra chất lượng, và nó khuyến khích việc chia nhỏ nghiên cứu để xuất bản nhiều bài báo từ một nghiên cứu, thay vì tập trung vào một bài báo chất lượng cao. Kế hoạch thưởng tiền này đã bị buộc phải cân nhắc lại sau khi một nghiên cứu năm 2017 phát hiện ra rằng, từ năm 2005 đến năm 2014, chính phủ đã trả tới 300 triệu rand trợ cấp cho các bài báo được xuất bản trên các tạp chí săn mồi, bằng cách nào đó đã tìm được đường vào danh sách các công bố được chính phủ phê duyệt.

Lyn Horn là nhà đạo đức sinh học và giám đốc văn phòng liêm chính khoa học tại Đại học Cape Town. Cô là một phần của nhóm thực hiện cuộc khảo sát mới nhất, và nhận ra có vấn đề với trợ cấp nghiên cứu khi nói chuyện với các nhà nghiên cứu mới vào nghề. Dựa trên khảo sát và phỏng vấn với gần 1000 học giả từ bảy trường đại học Nam Phi, nghiên cứu của Horn và các đồng nghiệp đã lần ra những mặt trái của các hình thức khích lệ này.

Chạy theo số lượng và hi sinh chất lượng

Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc số lượng bài báo khoa học của Nam Phi tăng mạnh từ 7,230 vào năm 2005 lên 18,872 vào năm 2015 chính là kết quả của chế tài thưởng tiền này. Ngoại lệ có hai trường Đại học Rhodes và Đại học Cape Town tuy không áp dụng ưu đãi trực tiếp cho cán bộ nhưng cũng có số lượng công bố tăng mạnh.

Khi số lượng công bố  được quy đổi ra thành tiền bạc hay sự thăng tiến, giá trị sử dụng - tức là đóng góp về mặt kiến thức - sẽ bị coi nhẹ. Mục đích ban đầu của chia sẻ nghiên cứu để bồi đắp một lĩnh vực kiến thức hoặc để giải quyết một vấn đề bị đặt sang một bên nữa khi mà các công bố bị đóng khung như một phương tiện để trao đổi các lợi ích cá nhân.

Khi số lượng công bố  được quy đổi ra thành tiền bạc hay sự thăng tiến, giá trị sử dụng - tức đóng góp về mặt kiến thức - sẽ bị coi nhẹ

Khi được phỏng vấn, nhiều nhà khoa học coi “việc xuất bản trên một tạp chí uy tín” là thước đo giá trị của một bài báo chứ không phải liệu nó có đóng góp về mặt kiến thức hay không. Nhưng cũng có những người quan ngại rằng nội dung cũng như độc giả của nghiên cứu dường như bị xem nhẹ, dẫn đến hậu quả không mong muốn là thời gian và nguồn lực đang bị lãng phí cho những nghiên cứu vô nghĩa.

Điều này đã dẫn đến việc tràn ngập các bản thảo kém chất lượng được nộp tới các nhà xuất bản để thẩm duyệt bằng một mánh khóe gọi là “thái lát salami”. Hiểu đơn giản là, phát hiện mới có giá trị đáng lý chỉ gói gọn trong một công bố lại được chia nhỏ một cách tinh vi để có thể xuất bản nhiều bài khác nhau. Ngân sách quốc gia đang phải chi cho những mánh khóe như vậy vì tiêu chí đánh giá rất thiển cận: yêu cầu duy nhất là tạp chí phải nằm trong danh mục được công nhận. 

Mâu thuẫn nội bộ

Dữ liệu của nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc các trường ĐH tập trung tăng nguồn thu nhập qua công bố khoa học còn gây nên sự bằng mặt không bằng lòng giữa các nhà nghiên cứu. Một số giảng viên, nghiên cứu viên kỳ cựu được tạo điều kiện giảng dạy nhàn hơn vì các công bố của họ tạo ra thu nhập đáng kể cho nhà trường. Nghĩa là họ vừa được giảm tải số lượng giờ giảng vừa có tiền thưởng thêm. Các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ hơn cảm thấy khó phát triển năng lực nghiên cứu của mình trong hoàn cảnh như vậy. Từ năm 2015 Bộ đã cảnh báo các trường ĐH không khuyến khích trực tiếp các nhà khoa học ở cấp độ cá nhân để tránh những hành vi không đáng có như vậy.

Một đánh giá độc lập mới đây về trường hợp của Đại học Fort Hare cho thấy hàng triệu rand (đơn vị tiền tệ của Nam Phi) đã được chi trả riêng cho cá nhân các nhà nghiên cứu - một cảnh báo nhãn tiền về nguy cơ tăng lượng giảm chất. Để thúc đẩy các quốc gia châu Phi tham gia sâu rộng vào nền kinh tế tri thức, một hệ thống cơ chế quản lý khôn khéo đề cao giá trị thiết thực của nghiên cứu khoa học là rất cần thiết. Chỉ bằng cách cố gắng hướng đến chất lượng học thuật tiêu chuẩn quốc tế ở giới hạn cao nhất của lĩnh vực, thì các nhà nghiên cứu mới tạo ra những đóng góp có giá trị. Đáng tiếc là nhiều cơ sở ĐH đang cản trở quá trình này bằng việc reo rắc tư tưởng tiền thưởng là cái đích của công bố khoa học.

Kết quả mâu thuẫn

Horn đã trình bày kết quả khảo sát trên 967 học giả Nam Phi vào ngày 24 tháng 11 tại một hội nghị do Hội đồng Nghiên cứu Toàn cầu (một tổ chức gồm các cơ quan tài trợ khoa học và kỹ thuật điều hành) tổ chức. Kết quả cho thấy hơn 2/3 số người được hỏi đồng ý rằng các biện pháp thưởng tiền đã lôi kéo các nhà nghiên cứu chẻ nhỏ nghiên cứu của họ và hơn một nửa đồng ý rằng chúng dẫn đến việc ghi nhận sự đóng góp của tác giả không đúng với sự thật.

Nhưng có tới 68% số người được hỏi cho rằng Nam Phi nên duy trì hệ thống khuyến khích của mình.

David Hedding, một nhà địa chất học tại Đại học Nam Phi (Pretoria), người cũng đang nghiên cứu xu hướng công bố nghiên cứu ở Nam Phi, cho biết, một lý do dẫn đến mâu thuẫn rõ ràng này là sự thiếu hụt kinh phí. Ông nói: “Với tình trạng khó khăn trong tài trợ nghiên cứu hiện nay, chương trình thưởng tiền sẽ càng trở nên quan trọng hơn đối với các nhà nghiên cứu”. Bộ Khoa học và Đổi mới, cơ quan tài trợ nghiên cứu lớn của đất nước, đã chứng kiến ​​ngân sách của mình cắt giảm 16% trong năm nay. Sau cuộc suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch, cơ quan này sẽ tiếp tục siết chặt tài trợ trong thời gian dài.

Hedding và những người khác cho rằng chương trình này cần có quy định chặt chẽ hơn. Cách thức phân phối trợ cấp khiến hệ thống bị lợi dụng kẽ hở: chính phủ cấp tiền cho các trường đại học của các tác giả, các trường này có các chính sách khác nhau để phân bổ tiền. Một số trường biến phần tiền trợ cấp thành một cuộc thi đua (để giành được), trong khi có những  cơ quan khác sử dụng 70% để hỗ trợ cho các cá nhân nhà nghiên cứu. Trong số các nhà nghiên cứu được thăm dò ý kiến, 59% đồng ý rằng các khoản thanh toán trực tiếp cho tác giả có thể khuyến khích hành vi phi đạo đức.

Nguồn

Nature (2020). Researchers decry “pay to publish” system— but don’t want it to stop. Nature.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Các nhà nghiên cứu nghi ngờ hệ thống “trả tiền để xuất bản” nhưng không muốn dừng lại tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19