Tại sao ít nữ sinh lựa chọn lĩnh vực STEM?

Với những phát hiện trong nghiên cứu với quy mô sử dụng dữ liệu của hơn 70.000 học sinh trung học ở Hy Lạp, hai tác giả Silvia Griselda (đại học Melbourne) và Rigissa Megalokonomou (đại học Queensland) cho thấy lý do tại sao các nữ sinh ít chọn nghề nghiệp liên quan đến nhóm ngành khoa học và toán học hơn các nam sinh.

Viện Hàn lâm Khoa học Úc đã công bố báo cáo đề cập tới ảnh hưởng của COVID-19 đến phụ nữ làm trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học).

Báo cáo này ghi nhận trước đại dịch COVID-19, khoảng 7500 phụ nữ đã được tuyển dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu STEM ở Úc năm 2017, so với khoảng 18.400 nam giới.

Nữ giới ít đăng ký ngành khoa học và toán học hơn nam giới. Ở Úc, chỉ có 35% bằng đại học STEM được trao cho nữ giới. Số liệu này duy trì ổn định trong 5 năm qua.

Một số nghiên cứu vào những năm 1990 cho thấy học sinh nữ học toán và khoa học không giỏi bằng các học sinh nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy các nữ sinh đạt điểm tương đương hoặc cao hơn so với các nam sinh trong môn toán và khoa học.

Nghiên cứu của hai tác giả Silvia Griselda (đại học Melbourne) và Rigissa Megalokonomou (đại học Queensland) cho thấy mặc dù nữ giới có thành tích ngang bằng nam giới trong lĩnh vực toán học và khoa học, nhưng thành tích của họ trong các ngành nhân văn (humanities) lại tốt hơn rõ rệt. Đây có thể là lý do khiến nữ giới không lựa chọn không theo đuổi các ngành STEM.

Nữ sinh giỏi toán và khoa học

Với giả thiết nghiên cứu rằng “nữ sinh giỏi toán và khoa học” nghiên cứu của nhóm tác giả đưa ra câu hỏi nghiên cứu rằng: liệu có sự khác biệt về giới tính trong kết quả học tập ở trường về khoa học và toán học hay không và liệu yếu tố đó có ảnh hưởng đến việc đăng ký nhóm ngành vào các đại học của học sinh không.

Trong nghiên cứu này, hai tác giả đã sử dụng dữ liệu của hơn 70.000 học sinh trung học ở Hy Lạp trong hơn mười năm.

Nghiên cứu nhận thấy điểm số của các nữ sinh trong môn toán và khoa học cao hơn khoảng 4% so với các nam sinh. Nhưng điểm trong các môn nhân văn (văn học, ngôn ngữ, lịch sử và triết học) lại cao hơn khoảng 13%.

Nghiên cứu cũng nhận thấy có 34% nữ sinh ít lựa chọn chuyên ngành liên quan đến STEM hơn trong những năm cuối trung học.

Những kết quả này có thể được dịch chuyển sang Úc. Theo kết quả mới từ Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD, các nữ sinh ở Úc có thành tích tương đương với các nam sinh về toán và khoa học, nhưng cao hơn đối với môn đọc hiểu.

Sự khác biệt giữa thành tích đọc hiểu của học sinh nữ và học sinh nam là 6% ở Úc và 9% ở Hy Lạp.

Nhưng khi nói đến toán học và khoa học, không có nhiều khác biệt giữa thành tích của nam và nữ ở cả hai quốc gia.

Lợi thế tương đối của các nữ sinh trong STEM

Nghiên cứu nhận định rằng học sinh quyết định lĩnh vực muốn theo đuổi chuyên sâu bằng cách so sánh ưu, nhược điểm trong học tập của học sinh giữa các môn học và với bạn học.

Phân tích những dữ liệu đã thu thập được, nhóm tác giả so sánh điểm số của học sinh trong các môn học STEM và các môn nhân văn. Nếu một học sinh có điểm môn STEM cao hơn môn đọc và viết, thì tác giả nghiên cứu xác định học sinh này có lợi thế về STEM. Nếu lợi thế STEM này lớn hơn bạn học trong lớp, thì học sinh được kết luận có điểm mạnh về STEM.

Vì các học sinh nam thường giỏi khoa học và toán học hơn các môn nhân văn, nên nam sinh có lợi thế về STEM cao hơn. So với các môn nhân văn, các nữ sinh chỉ giỏi một chút về khoa học và toán học nên lợi thế STEM là thấp hơn.

Đối với nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu xem xét khách thể là các cặp nữ sinh có điểm số giống nhau trong các môn học STEM và nhân văn khi bắt đầu học trung học, những khách thể này được phân bố ngẫu nhiên trong các lớp học khác nhau. Sau đó quan sát quyết định đăng ký chuyên ngành đại học của họ từ một đến ba năm sau.

Cụ thể, hai nữ sinh có có thành tích ngang bằng nhau trong môn STEM và nhân văn (cùng có lợi thế STEM) được phân vào các lớp học khác nhau.

Một nữ sinh được chỉ định vào lớp học với các bạn cùng lớp có lợi thế về STEM (điểm môn STEM cao hơn môn nhân văn). Nữ sinh còn lại vào lớp với các bạn học có điểm số tương đương trong môn STEM và nhân văn (không có lợi thế về STEM).

Sau khi quan sát, nhóm đã phát hiện rằng dù trung bình hai nữ sinh có điểm số bằng nhau về STEM và nhân văn, đã chọn các lĩnh vực khác nhau ở cuối cấp trung học. Nữ sinh thứ nhất (có bạn cùng lớp mang lợi thế về STEM) ít khả năng lựa chọn lĩnh vực liên quan đến STEM.

Nghiên cứu chỉ ra hai nữ sinh có thành tích giống hệt nhau những cuối cùng lại chọn ngành học khác nhau, dựa trên việc các em ngồi cùng lớp với ai.

Đồng thời, điều này giải thích con số 12% về khoảng cách giới trong tuyển sinh STEM ở giáo dục đại học.

Tương tự, Silvia Griselda và Rigissa Megalokonomou cũng làm áp dụng cách thực hiện trên với nam sinh. Phân tích các cặp nam sinh có cùng điểm số nhưng khác lớp, nhóm tác giả không nhận thấy có sự khác biệt nào trong quyết định lựa chọn ngành của các em.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Kết quả cho thấy các nữ sinh bị ảnh hưởng bởi sự thành công so với các bạn cùng trang lứa, trong khi điều này không đúng với các nam sinh.

Và, nữ sinh bị ảnh hưởng bởi điểm số tiêu cực hơn so với các nam sinh, đặc biệt là trong STEM, khi đưa ra quyết định về tương lai của bản thân.

Vì vậy, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên trong việc công nhận và khuyến khích thế mạnh học tập của từng cá nhân, không kể giới tính.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra định kiến giới của giáo viên về khả năng của các nữ sinh trong STEM ảnh hưởng tiêu cực đến cách các em nhìn nhận bản thân.

Do đó, giáo viên phải thúc đẩy sự tự tin ở các nữ sinh khi nói đến các môn khoa học và toán học, ngay cả khi các em có thế mạnh ở môn đọc và viết.

Toán học và khoa học hướng đến các ngành nghề như kỹ thuật, vật lý, khoa học dữ liệu và lập trình máy tính, những nghề đang có nhu cầu lớn và thường có mức lương cao. Nhóm nghiên cứu nhận định rằng việc “quay lưng lại” với STEM có thể có tác động lâu dài đến mức thu nhập của nữ giới sau này.

Bạn đang đọc bài viết Tại sao ít nữ sinh lựa chọn lĩnh vực STEM? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19