Ứng dụng các công cụ điều tra kĩ thuật số trong phát hiện các hành vi phi chuẩn mực trong học thuật

Nghiên cứu của nhóm tác giả Clare Johnson và cộng sự tìm hiểu các công cụ và kĩ thuật chính được sử dụng trong lĩnh vực thực thi pháp luật và điều tra kĩ thuật số nhằm xác định liệu những phương pháp này có thể được thiết kế lại nhằm sử dụng trong môi trường học thuật hay không.

Các hành vi phi chuẩn mực trong học thuật là thách thức mà tất cả các tổ chức, cơ sở đào tạo có đánh giá học sinh, sinh viên đều phải đối mặt. Trong đó, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của nhóm hành vi này là đạo văn, được định nghĩa là hành vi “trình bày các ý tưởng/thành quả nghiên cứu từ các nguồn khác mà không có sự ghi công phù hợp”. Mặc dù phương pháp lý tưởng nhất để giải quyết tình trạng này và dự đoán, khuyến khích hoặc thậm chí là ngăn chặn các hành vi đó; tuy nhiên phương pháp này vẫn gặp vô vàn thách thức trong việc triển khai, khiến cho việc ngăn chặn các hành vi phi chuẩn mực trong học thuật đến nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc chủ động phát hiện. Nghiên cứu này có mục tiêu thảo luận về các công cụ và kĩ thuật đang sẵn có và ví dụ về cách chúng được ứng dụng trong thực tế, nhằm khảo sát xem liệu các công cụ này có thể được ứng dụng trong môi trường học thuật hay không, cũng như có những hạn chế gì.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một số thử nghiệm đơn giản sử dụng các phần mềm điều tra kĩ thuật số để xem những phần mềm này có thể hỗ trợ một cách hữu hiệu trong viẹc phát hiện các hành vi phi chuẩn mực trong học thuật hay không. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tạo ra ba tập tin sử dụng những thủ thuật thường được sinh viên sử dụng nhằm che giấu hành vi gian lận của mình, sau đó chuyển chúng vào ổ đĩa USB để phân tích. Các tài liệu này bao gồm:

- Một tập tin tài liệu thử nghiệm có tên “Text document.docx”, chỉ bao gồm văn bản thuần để làm file mẫu (tham chiếu).

- Một tập tin có tên ‘Cropped images.docx” có chá một bức ảnh đã được cắt bỏ một phần để xem các phần mềm có phát hiện và đưa ra cảnh báo về những hình ảnh bị cắt xén (so với ảnh gốc) trong tài liệu hay không.

- Một tập tin có tên “Random white space.docx” chứa những đoạn văn bản được sao chép trực tiếp trên mạng Internet, cố ý đánh lừa các phần mềm nhận dạng đạo văn bằng cách chèn ngẫu nhiên các ký tự “x” nhưng được định dạng thành màu trắng (để khiến người đọc thông thường không thể phát hiện ra). USB chứa những tập tin trên được tạo ảnh đĩa bằng cách sử dụng phần mềm FTK Imager của hãng Access Data (ảnh đĩa là một bản sao chính xác nội dung trên một ổ đĩa, có thể sử dụng để phân tích chi tiết mà không làm hư hại nội dung gốc). Cuối cùng, ảnh đĩa được xử lý bằng phần mềm FTK v7.1.0.290, một bộ phần mềm điều tra kĩ thuật số có bản quyền, được nhiều sở cảnh sát trên khắp thế giới sử dụng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù tính năng trích xuất hình ảnh gốc (chưa bị cắt xén) đóng vai trò rất hữu ích trong việc xác định hành vi cắt xén hình ảnh có bản quyền từ một công trình khác, nhưng các phần mềm điều tra kĩ thuật số hiện tại chưa thể xác định được những trường hợp này. Các công cụ hiện tại có thể cung cấp chi tiết các hoạt động theo thời gian được một sinh viên thực hiện đối với một tập tin văn bản hay trang web, v.v.. nhưng những thông tin này không có nhiều giá trị trong việc đánh giá một bài tập đơn lẻ mà sinh viên nộp. Các công cụ cũng cung cấp cho người kiểm tra giá trị hash của những bức ảnh, cung cấp bằng chứng xác thực không thể chối cãi về việc ảnh có bị cắt xén từ một nơi khác hay không. Tuy nhiên, những phần mềm điều tra số hiện tại không thể phân tích dữ liệu xml nhúng trong các tập tin mẫu. Kỹ thuật đảo ngược (reverse-engineering) các tập tin văn bản là một trong những ứng dụng hữu ích của các kỹ thuật điều tra số, và khả năng trích xuất dữ liệu thành một “báo cáo” trực quan là một trong những tính năng cần thiết, nhất là khi người sử dụng phần mềm không phải là một chuyên gia về phân tích văn bản. Bên cạnh đó, tính năng so sánh trực tiếp hai văn bản cũng là một sự bổ sung đáng giá mà các nhà nghiên cứu đánh giá là rất cần thiết.

Vân An lược dịch

Nguồn

Johnson, C., Davies, R., & Reddy, M. (2022). Using digital forensics in higher education to detect academic misconduct. International Journal for Educational Integrity, 18(1). https://doi.org/10.1007/s40979-022-00104-1

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng các công cụ điều tra kĩ thuật số trong phát hiện các hành vi phi chuẩn mực trong học thuật tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19