Ai được trích dẫn nhiều nhất?
Từ lâu các học giả đã lưu ý đến bản chất không đồng đều của sự công nhận và tín nhiệm trong giới học thuật. "Hiệu ứng Matthew", phổ biến vào những năm 1960, mô tả hiệu ứng quả cầu tuyết trong khoa học: các học giả đã thành công càng dễ được tiếp tục trích dẫn và công nhận hơn. Sau đó vào những năm 1990, "hiệu ứng Matilda" mô tả tình trạng những đóng góp của phụ nữ bị đánh giá thấp hoặc được quy cho nam giới.
Trong hơn một thập kỷ qua, các đánh giá trắc lượng khoa học cho thấy tỷ lệ trích dẫn trung bình ở nam giới cao hơn so với phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế học, thiên văn học, khoa học thần kinh và vật lý học - ngay cả khi đã loại trừ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ trích dẫn, chẳng hạn như thâm niên của tác giả, thời điểm và nơi xuất bản. Có khoảng cách tương tự giữa các chủng tộc và sắc tộc, các học giả da trắng được trích dẫn với tỷ lệ cao hơn học giả da màu trong một số lĩnh vực.
Những bất lợi này tích lũy theo thời gian. Một nghiên cứu đầu năm nay của Viện Công nghệ Georgia phân tích các trích dẫn trong hơn 5 triệu bài báo từ năm 2008 đến năm 2019 có tác giả đầu tiên thuộc các tổ chức nghiên cứu của Mỹ. Kết quả, các tác giả thuộc các nhóm thiểu số, chẳng hạn như phụ nữ, người da đen hoặc người Latin có xu hướng xuất bản về các chủ đề ít được trích dẫn hơn - chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, bạo lực trên cơ sở giới và người nhập cư. Ngay cả trong các chủ đề đó, bài báo của họ cũng ít có khả năng được dẫn tài liệu tham khảo hơn so với bài báo của các tác giả khác. Các tác giả da trắng và châu Á có tỷ lệ trích dẫn trên mỗi học giả quá cao, trong khi các tác giả da đen và Latin có tỷ lệ thấp. Trong tất cả các nhóm chủng tộc, phụ nữ ít được trích dẫn hơn nam giới.
Theo các tác giả, sự phân tầng này phản ánh thành kiến lịch sử ở Mỹ. Kể từ đó, nhóm đã khởi chạy một trang web để nâng cao nhận thức hơn nữa về những bất bình đẳng này (https://sciencebias.uni.lu/app).
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania phân tích danh sách tài liệu tham khảo trong các bài báo được xuất bản từ năm 1995 đến năm 2018 trong năm tạp chí hàng đầu về khoa học thần kinh, tỷ lệ các bài báo có tác giả nữ đang tăng dần, nhưng khoảng cách trích dẫn thì ngày càng lớn.
Có bằng chứng cho thấy những chênh lệch về trích dẫn này không liên quan đến chất lượng của nghiên cứu. Trong một phân tích năm 2018, Béatrice Milard, nhà xã hội học tại Đại học Toulouse ở Pháp và đồng nghiệp của cô là Ludovic Tanguy, nhà ngôn ngữ học tính toán, đã báo cáo rằng các tác giả có xu hướng trích dẫn những người họ biết, chẳng hạn như đồng nghiệp hoặc những người mà họ đã có tương tác. Ngoài ra, nam giới thường có xu hướng trích dẫn những người đàn ông khác và các tác giả da trắng thường trích dẫn các tác giả da trắng khác.
Các học giả cũng có tâm lý "thuận tiện" khi tìm các nguồn để trích dẫn, chẳng hạn như ngôn ngữ phổ biến, tổ chức nghiên cứu hoặc tạp chí danh tiếng và quen thuộc. Những thực hành như vậy có thể vô tình đẩy một số nhóm học giả ra bên lề.
Địa lý cũng có thể đóng một vai trò nào đó: thành kiến trích dẫn có thể góp phần làm cho các bài báo của các tác giả ở một số quốc gia nhất định bị đánh giá thấp, "ngay cả các học giả ở Úc, Nhật Bản và một số khu vực của châu Âu cũng cảm thấy rằng các học giả ở Mỹ được trích dẫn nhiều hơn họ", theo Neha Kumar, nhà nghiên cứu phát triển toàn cầu tại Viện Công nghệ Georgia.
Đa dạng hóa trích dẫn
Trong vài năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực nâng cao nhận thức về thiên vị trích dẫn và cố làm giảm thiểu chúng. Một số tạp chí học thuật đã hành động. Bassett nói: Một trong những điều thú vị về công lý trích dẫn là “mọi nhà nghiên cứu đều có cơ hội đóng góp”.
Sau khi nhóm nghiên cứu ở Đại học Pennsylvania xuất bản nghiên cứu vào năm 2020, họ đã phát triển một phần mềm giúp các nhà nghiên cứu kiểm tra thiên kiến trong danh mục tài liệu tham khảo của chính mình. Phần mềm này đọc tên họ của các học giả trong danh mục, và dựa trên dữ liệu dân số để đánh giá xem tên họ này có bao nhiêu phần trăm khả năng thuộc về nam, nữ, hay chủng tộc nào; tổng chỉ số phần trăm nam, nữ, dân tộc sẽ cho người viết bài biết mình có đang trích dẫn công bằng hay không. Họ cũng phát triển một công cụ dự đoán giới tính tương tự, áp dụng được cho kết quả tìm kiếm trên Google Scholar hoặc PubMed.
Những người ủng hộ "công bằng trích dẫn" kêu gọi đưa tuyên bố đa dạng trích dẫn vào các bài báo học thuật để nâng cao nhận thức về bất bình đẳng, đồng thời các bài báo nên chỉ rõ các trích dẫn trong bài có bao nhiêu phần trăm thuộc về nam, nữ và các chủng tộc khác nhau. Trang tin Nature cho biết 91 bài báo trong hơn 50 tạp chí và máy chủ trong hai năm qua đã thực hành biện pháp này.
Nhiều nhà xuất bản đã hoặc đang có kế hoạch yêu cầu các nhà nghiên cứu cung cấp thông tin về các đặc điểm cá nhân, chẳng hạn như giới tính, chủng tộc hoặc dân tộc khi gửi hoặc bình duyệt các bản thảo. Mục đích là để đảm bảo sự đa dạng trong số các tác giả, người đánh giá và biên tập viên - và có thể giúp phát hiện các thành kiến đang tồn tại trong quy trình xuất bản.
Có một số tạp chí bắt đầu có hành động cụ thể tập trung vào trích dẫn. Năm 2021, Journal of Cognitive Neuroscience đã giới thiệu chỉ số cân bằng giới tính trong trích dẫn, sử dụng phần mềm để phát hiện chênh lệch giữa tỷ lệ giới tính trong danh sách trích dẫn của mỗi bài báo với tỷ lệ giới tính của các học giả trong lĩnh vực.
Các tạp chí khác đã xuất bản các bài xã luận cảnh báo về sự thiên vị trong trích dẫn và kêu gọi các học giả đọc tài liệu một cách đa dạng hơn để có tỷ lệ giới và chủng tộc cân bằng hơn trong trích dẫn.
Nhà xuất bản Wiley cho biết đang thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về sự thiên lệch trích dẫn, chẳng hạn như khuyến nghị các tạp chí đánh giá cả tính đa dạng, trong đó có đa dạng trích dẫn, khi bình duyệt các bài báo. Các nhà xuất bản khác, bao gồm Springer Nature và Sage nói đang xem xét thực hiện các biện pháp tương tự.
Công bằng cho trích dẫn không chỉ nằm trong danh sách tài liệu tham khảo, mà "vấn đề nằm ở sự thừa nhận, sự tương tác, đánh giá công bằng các ý tưởng khác nhau," Christen Smith, nhà nhân chủng học tại Đại học Texas và là người thành lập nhóm vận động Cite Black Women (Hãy trích dẫn phụ nữ da đen), nói. “Nếu bạn chỉ đưa phụ nữ da đen vào danh sách trích dẫn, nhưng không thực sự cho phép những ý tưởng đó ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ và nhìn thế giới, thì đó chỉ là đa dạng hóa hời hợt và không phải thay đổi cơ bản."
Nguồn:
Diana Kwon (2022). The rise of citational justice: how scholars are making references fairer. Nature.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.