140 tạp chí khoa học tại Australia đình bản trong thập niên 2010

Ít nhất 140 tạp chí khoa học tại Australia đã đình bản trong thập niên 2010 vừa qua. Đáng chú ý, 75% trong số đó là các tạp chí về lĩnh vực nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một tín hiệu đáng quan ngại đối với nền học thuật tại quốc gia này.

Nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả Hamid R. Jamali và cộng sự chỉ ra rằng việc thành lập và duy trì hoạt động của các tạp chí khoa học ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Các tạp chí khoa học Australia cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ khối các trường đại học và các nhà xuất bản, bên cạnh đó là các chiến lược hiệu quả đối với việc thực hành công tác biên tập và xuất bản một cách bền vững.

Vì sao các quốc gia cần có các tạp chí khoa học của riêng mình?

Các nhà khoa học cần có các tạp chí phù hợp để xuất bản các công trình của mình, nhất là khi các bài báo đăng tạp chí đang dần trở thành loại sản phẩm khoa học chủ chốt nhằm đánh giá công tác nghiên cứu của họ. Mặc dù các nhà xuất bản thương mại lớn trên thế giới có nhiều tạp chí khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, song sự tồn tại của các tạp chí cấp quốc gia và cấp địa phương vẫn rất quan trọng.

Các tạp chí trong nước sẽ dễ dàng đăng tải các bài viết về các vấn đề liên quan đến quốc gia hoặc vùng hơn. Điều này không chỉ giới hạn ở các vấn đề xã hội và văn hoá. Chẳng hạn, Australia là một quốc gia có nhiều khía cạnh độc đáo, từ hệ sinh thái, kinh tế, địa chất học, v.v…

Các tạp chí địa phương cũng dành nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống giáo dục quốc gia. Những tạp chí này mang đến những phương pháp, hướng dẫn thực hành một số hoạt động đặc thù với điều kiện của từng nước, chẳng hạn như các vấn đề về phân phối dược phẩm.

Vì sao các tạp chí khoa học đang dần ngừng hoạt động?

Nghiên cứu của nhóm tác giả, thông qua phỏng vấn các biên tập viên tạp chí, chỉ ra một số điểm then chốt dẫn đến thực trạng trên, bao gồm:

- Thiếu hụt nguồn tài trợ.

- Phụ thuộc một cách không bền vững vào công việc tình nguyện/tự nguyện trong quy trình biên tập.

- Áp lực công việc gia tăng đối với các nhà khoa học khi họ không có đủ thời gian để phản biện và biên tập các bài viết.

- Văn hoá “thành tích” buộc các tác giả phải tìm cách xuất bản trên các tạp chí thứ hạng cao, thay vì ưu tiên công trình của họ cho các tạp chí địa phương.

Đặc trưng của nền xuất bản tạp chí khoa học của Australia nằm ởcác tạp chí thuộc các tổ chức phi lợi nhuận (364 tạp chí, chiếm tỉ lệ 55,9%) và các trường đại học (168 tạp chí, chiếm tỉ lệ 25,8%). Vì các tạp chí này hầu hết do đơn vị chủ quản tự thực hiện công tác xuất bản, các vấn đề trên đây sẽ tác động tiêu cực đến nhiều tạp chí hơn trong bối cảnh điều kiện kinh tế xấu đi.

Trong số các tạp chí đã ngừng phát hành, 54% thuộc về các tổ chức giáo dục và 34% thuộc về các tổ chức phi lợi nhuận. Các tạp chí này đã hoạt động trung bình 19 năm.

Hơn nữa, mặc dù khoa học xã hội và nhân văn là nhóm ngành được các tạp chí khoa học Australia ưu tiên, song một tỷ lệ lớn các tạp chí đã đình bản là về các lĩnh vực này. Trong khi đó, đây lại là các lĩnh vực có nhiều công trình về các vấn đề mang tính địa phương, vốn cần đến các tạp chí địa phương để công bố.

Ngày càng khó khăn để các tạp chí có thể “tồn tại”

Xuất bản tạp chí đang gặp ngày càng nhiều khó khăn và thách thức. Các tạp chí phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất bản học thuật và bản thân các mô hình kinh doanh của các tạp chí khoa học cũng đang ngày càng trở nên phức tạp. Các nhà xuất bản nhỏ dần biến mất trên thị trường do đã bị các nhà xuất bản quốc tế mua lại.

Đôi khi, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu tài trợ chi phí xuất bản. Nếu không có nguồn kinh phí này, các tạp chí buộc phải tính phí độc giả (phí thuê bao) hoặc tác giả (phí xử lý bài viết), hoặc cả hai đối tượng này (các tạp chí “lai”).

Cụ thể, các tạp chí dựa trên mô hình đăng ký thuê bao xuất bản bởi một nhà xuất bản nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng; các thư viện ít khi trả phí để mua các tạp chí độc lập. Trong khi đó, nếu muốn xuất bản bài viết dưới dạng truy cập mở và thu phí xử lý bài viết, tạp chí sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều tạp chí khác sử dụng quy trình tương tự. Nhiều tạp chí truy cập mở lớn có nguồn lực dồi dào và hệ thống biên tập - xuất bản chuyên nghiệp. Mặc dù các tạp chí này có thể dựa vào một nhà xuất bản thương mại lớn để lo công tác xuất bản (162 tạp chí Australia khác đã theo mô hình này), song định hướng ban đầu của tạp chí có thể buộc phải thay đổi theo định hướng của nhà xuất bản.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Jamali, H. R., Abbasi, A., & Wakeling, S. (2022). Australia has lost 140 journals in a decade. That’s damaging for local research and education. The Conversation.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 140 tạp chí khoa học tại Australia đình bản trong thập niên 2010 tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn