Đặc điểm nhận biết các “predatory journal”: tuyên bố của AMWA-EMWA-ISMPP

Hiệp hội Tác giả Y Khoa Hoa Kỳ (AMWA), Hiệp hội Tác giả Y Khoa châu Âu (EMWA) và Hiệp hội Chuyên gia Xuất bản Y khoa Quốc tế (ISMPP) thừa nhận các thách thức đối với xuất bản khoa học do các “predatory journal” (tạp chí "săn mồi") và các nhà xuất bản đứng sau gây ra, trong đó sử dụng những phương pháp làm suy giảm chất lượng, tính liêm chính và độ tin cậy của các nghiên cứu khoa học. Tuyên bố chung này bổ sung một số hướng dẫn nhằm xác định các đặc trưng của những tạp chí "săn mồi".

Theo các chuyên gia xuất bản, các tạp chí “săn mồi” gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với kết quả nghiên cứu của họ và các công trình Y khoa đã được bình duyệt. Các ấn phẩm này khác với các tạp chí truy cập mở hợp pháp ở chỗ, các tạp chí “săn mồi” phá hoại hệ thống xuất bản bình duyệt với mục đích duy nhất là thu lợi tài chính mà không quan tâm đến tính liêm chính trong khoa học.

Các tổ chức như Hiệp hội Biên tập Y khoa Thế giới (WAME), Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE), Ủy ban Quốc tế Biên tập Tạp chí Y khoa (ICMJE) và Hội đồng Biên tập Khoa học (CSE) hỗ trợ các mô hình xuất bản tốt hiện đã được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, các tạp chí “săn mồi” không tuân thủ các mô hình này mà thay vào đó khai thác mô hình xuất bản Gold Open Access (các tác giả trả phí xuất bản). Với mục tiêu doanh thu, các tạp chí này cố tình “xuyên tạc” các quy trình về biên tập và bình duyệt, phương pháp hoạt động của tạp chí, phí xử lí bài viết, lập chỉ mục và lưu trữ.

Hậu quả cuối cùng sẽ là ảnh hưởng tiêu cực đến các công bố khoa học nếu xuất bản “săn mồi” ngày càng gia tăng. Nghiên cứu hợp pháp được thực hiện với mục đích tốt có thể sẽ biến mất nếu nó không được ghi lại, trích dẫn hoặc không thể truy cập trong thời gian dài. Ngoài ra, danh tiếng của các tác giả cũng bị ảnh hưởng do nghiên cứu của của họ được đăng trên các tạp chí “săn mồi”. Hơn nữa, các tác giả có thể thấy mình bị “mắc kẹt” sau khi nhận ra đã gửi bài báo của mình cho một tạp chí “săn mồi”. Không nằm ngoài khả năng rằng một số tạp chí ấy có thể sẽ không trả lại các bản thảo đã nộp hoặc sẽ tiến hành xuất bản ngay cả khi tác giả xin rút bài.

Ngoài ra, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các tạp chí khoa học, bao gồm cả những tạp chí “săn mồi” trong suốt 15 năm qua đã khiến việc phân biệt các tạp chí “săn mồi” hay tạp chí “dỏm” trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, gần đây một số công cụ trực tuyến nhằm hỗ trợ công việc này đã bắt đầu được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, chúng ta có thể “nhận dạng” các tạp chí “săn mồi” thông qua một số đặc trưng sau:

- Các nhà xuất bản hoặc tạp chí liên tục gửi email thu hút các nhà nghiên cứu.

- Tên tạp chí nghe có vẻ hơi quen thuộc, nhưng thực tế là “nhái” lại tên của một tạp chí hợp pháp.

- Nhà xuất bản, tạp chí không duy trì website tốt, hay website có những đường dẫn không truy cập được, đồ hoạ kém, có quá nhiều quảng cáo.

- Nhà xuất bản, tạp chí không có địa chỉ hoặc số điện thoại được ghi chú trên website; hoặc cung cấp địa chỉ, số điện thoại “ảo”.

- Thiếu lập chỉ mục tạp chí trong hệ thống trích dẫn được công nhận như PubMed hoặc trong một thư mục trực tuyến hợp pháp như Danh mục Tạp chí Truy cập Mở (DOAJ).

- Nhà xuất bản, tạp chí thường hứa hẹn công bố và bình duyệt nhanh; hoặc không có thông tin nào được cung cấp về quy trình bình duyệt.

- Các khoản phí xử lí bài viết không minh bạch (và có thể rất cao hoặc rất thấp) hoặc phải trả khi gửi (nghĩa là không phụ thuộc vào kết quả của việc bình duyệt).

- Các tạp chí thành lập gần đây và có số lượng bài báo đã xuất bản rất ít, thậm chí không có, không thể truy cập được hoặc chất lượng bài báo rất kém.

- Ban biên tập bao gồm các thành viên ngoài chuyên ngành hoặc ngoài quốc gia nơi tạp chí được xuất bản; hoặc các thành viên ban biên tập chưa được những người có kinh nghiệm xuất bản trong cùng lĩnh vực biết đến.

- Có một hệ thống gửi bài đơn giản với ít câu hỏi được đặt ra, không yêu cầu thông tin điều kiện về quyền tác giả hoặc quyền lợi hai bên.

Các tác giả không nên gửi bản thảo cho các tạp chí “săn mồi” nhằm mục tiêu nâng cao thành tích xuất bản khoa học của mình. Việc cố tình nộp bản thảo cho các tạp chí “săn mồi” thực tế là một hành vi vi phạm đạo đức công bố. Các nhà văn và biên tập viên Y khoa nói riêng, cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nói chung, phải có trách nhiệm đánh giá chất lượng và danh tiếng của các tạp chí trước khi tiến hành gửi bài. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tác giả thực hiện thẩm định bằng cách kiểm tra danh tiếng của các ấn phẩm mà họ gửi đến và chỉ gửi nghiên cứu của họ đến những tạp chí cung cấp quy trình bình duyệt thích hợp và mang đến những đóng góp giúp công trình trở nên hoàn thiện hơn.

Nhìn chung, cộng đồng khoa học phải được nhận thức đầy đủ về những ảnh hưởng tiêu cực mà việc xuất bản trên các tạp chí “săn mồi” mang lại. AMWA, EMWA và ISMPP cam kết giáo dục, nâng cao nhận thức của các tác giả chuyên ngành Y Khoa và các chuyên gia xuất bản trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến xuất bản “săn mồi”.

Vân An dịch

Nguồn

AMWA–EMWA–ISMPP joint position statement on predatory publishing. (2019). Current Medical Research and Opinion, 35(9), 1657-1658. https://doi.org/10.1080/03007995.2019.1646535

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Đặc điểm nhận biết các “predatory journal”: tuyên bố của AMWA-EMWA-ISMPP tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn