Một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang cân nhắc một mô hình mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022. Theo đó, các trường đại học sẽ chi trả phí xử lý bài viết cho các nhà nghiên cứu của mình thường xuyên hơn, thay vì việc các học giả phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ do họ tự tìm được.
Theo kế hoạch P, các trường đại học đã đăng ký tham gia sáng kiến này đồng ý chi trả 500 USD phí bình duyệt đối với mỗi bản thảo của các nhà nghiên cứu đang công tác tại đơn vị mình, khi họ đăng bài ở Tạp chí Nghiên cứu Internet Y Khoa (JMIR) và các tạp chí trong cùng hệ thống, do Nhà xuất bản JMIR (có trụ sở tại Toronto, Canada) vận hành.
Nếu bài viết được chấp thuận, trường đại học sẽ tiếp tục chi trả thêm một khoản phí xuất bản nữa; tuy nhiên, vẫn chưa có con số chính thức cụ thể và mỗi trường đại học sẽ đàm phán một mức phù hợp. Gunther Eysenbach, một nhà nghiên cứu tin học y tế tại Đại học Victoria (British Columbia, Canada), cho biết mục đích của kế hoạch này là giúp tất cả các bài báo khoa học được xuất bản thông qua dự án có thể được truy cập trực tuyến miễn phí.
Mở rộng phạm vi tiếp cận
Tạp chí của các nhà xuất bản cũng có thể tham gia kế hoạch này, theo Eysenbach, miễn là họ chấp nhận giảm 1000 USD chi phí xuất bản (đối với các bài viết đã vượt qua vòng phản biện).
“Đây là một mô hình thú vị,” Johan Rooryck, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học người Pháp, công tác tại Đại học Leiden (Hà Lan) và là giám đốc điều hành Liên minh S (nhóm các nhà tài trợ Kế hoạch S). Tương tự như nguyên tắc của Kế hoạch S, Kế hoạch P hướng đến minh bạch hoá chi phí và dịch vụ xuất bản khoa học.
Rooryck cũng bày tỏ sự hứng thú với ý tưởng về việc một ý kiến phản biện có thể được gửi đến nhiều tạp chí và các nhà xuất bản - vốn đã được một vài tạp chí và nhà xuất bản áp dụng để giảm thiểu công sức trùng lặp. Một nghiên cứu công bố tháng 11/2021 ước tính việc áp dụng mô hình này trên tất cả các tạp chí khoa học có thể giúp tiết 28 triệu giờ làm việc của những người phản biện tạp chí mỗi năm - chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu tham gia Kế hoạch P cũng có cơ hội giành được “điểm đổi” cho công sức biên tập, phản biện các bài viết cho nhóm tạp chí thuộc JMIR. Theo chính sách có từ năm 2015 này, điểm đổi có thể được quy thành tiền, trừ vào chi phí đăng bài nếu phản biện đó có ý định xuất bản công trình của họ trên các tạp chí truy cập mở thuộc nhóm JMIR trong tương lai. Ví dụ, với mỗi lần gửi nhận xét, phản biện sẽ nhận được 100 điểm đổi, tương đương với khoảng 100 USD, theo Eysenbach.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Dalmeet Singh Chawla (2022). Plan P: Can institutions facilitate open access? Nature Index.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.