Phí xuất bản trên các tạp chí truy cập mở - rào cản đối với nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia thu nhập thấp

Các nhà nghiên cứu từ các quốc gia thu nhập thấp ít khi xuất bản các nghiên cứu của họ trên những tạp chí cho phép truy cập miễn phí, ngay cả trong trường hợp họ đủ điều kiện được miễn chi phí đăng bài.

Số lượng các tác giả đến từ những quốc gia thu nhập thấp đăng tải công trình nghiên cứu của họ trên các tạp chí truy cập mở thấp hơn đáng kể so với các tạp chí có trả phí - đây là kết luận từ một cuộc khảo sát hàng chục nghìn bài báo khoa học đã được xuất bản. Kết quả này gợi ý rằng việc các tạp chí tính phí xuất bản đối với các bài báo truy cập mở đã tạo nên một rào cản lớn đối với các tác giả đến từ những quốc gia thu nhập thấp và trung bình - điều mà nhiều nhà khoa học đã nghi ngờ từ lâu nhưng gặp khó trong việc chứng minh.

Ngày càng nhiều tạp chí khoa học - bao gồm cả Nature - đã đăng tải các bài báo khoa học dưới dạng truy cập mở. Một phần nguyên nhân của thực tế này là do yêu cầu của các nhà tài trợ đối với tạp chí. Mặc dù điều này góp phần giúp các công trình nghiên cứu mở rộng phạm vi tiếp cận đối với nhiều đối tượng độc giả hơn, song nhiều nhà nghiên cứu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng chi phí xử lý bài báo (APC) - khoản phí thường được yêu cầu đối với xuất bản truy cập mở - đã khiến nhiều nhà nghiên cứu không mặn mà với lựa chọn này.

“Một trong những điều trớ trêu của truy cập mở là việc nó cho phép các nhà nghiên cứu khắp thế giới đọc được các công trình khoa học vốn họ không thể tiếp cận, nhưng cuối cùng lại ngăn trở họ xuất bản công trình của mình trên chính những tạp chí ấy,” Emilio Bruna, nhà sinh thái học và nhà nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Florida (Mỹ) cảm thán.

Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu trong cộng đồng khoa học ý thức được điều này, nhưng việc chứng minh thực trạng đó gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đến từ những khó khăn trong việc so sánh trực tiếp các tạp chí truy cập mở và không cho phép truy cập mở, bởi vì ngay cả những tạp chí đến từ cùng một nhà xuất bản vẫn có thể có những yếu tố khác biệt, chẳng hạn như danh tiếng và các tiêu chuẩn nhận bài.

Dự án “tạp chí đối ứng” (mirror journals) của nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), triển khai trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2020, đã mang lại một giải pháp. Trong khuôn khổ chương trình này, các tạp chí “lai” (xuất bản cả hai loại bài báo truy cập mở và trả phí) sẽ có chung tên tạp chí, hội đồng biên tập và quy trình phản biện với các tạp chí truy cập mở hoàn toàn (tạp chí truy cập mở trong trường hợp này được gọi là các tạp chí đối ứng).

Nhóm nghiên cứu do Burna dẫn dắt đã khảo sát hơn 37.000 bài báo khoa học được xuất bản trên 38 cặp tạp chí đối ứng và tạp chí “mẹ” (vốn chủ yếu chỉ xuất bản các bài báo trả phí). Các nhà nghiên cứu thống kê nơi sinh sống của tác giả thứ nhất của từng bài báo, sau đó tra cứu nhóm thu nhập của quốc gia đó theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới và kiểm tra xem tác giả đó có đủ điều kiện được miễn phí đăng bài theo tiêu chuẩn của Research4Life (một dự án hợp tác nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu đến từ các nước thu nhập thấp). Chi phí đăng bài trên các tạp chí đối ứng trung vị là 2.600 USD; trong khi đó đa số các tạp chí lai cũng có chi phí đăng bài tương tự.

Nhìn chung, các tạp chí đối ứng đăng tải số lượng bài báo khoa học có tác giả thứ nhất đến từ Bắc Mỹ, Đông Á và khu vực Thái Bình Dương cao hơn so với các tạp chí “mẹ” (thu phí độc giả). Số lượng tác giả thứ nhất đến từ các quốc gia thu nhập thấp (đặc biệt là ở một số khu vực như Mỹ Latinh và vùng Caribbean, Đông Á, Bắc Phi) đăng bài trên các tạp chí đối ứng là khá thấp. Khoảng 80% số bài báo đăng tải trên các tạp chí loại này có tác giả thứ nhất đến từ các quốc gia thu nhập cao, và không có bài nào có tác giả thứ nhất đến từ các quốc gia thu nhập thấp.

“Từ kết quả này, có thể thấy quá rõ rằng có một rào cản tài chính rất lớn đối với xuất bản nếu các tạp chí tính phí đăng bài,” Rafael Zenni, nhà sinh thái học tại Đại học Liên bang Lavras (Brazil) nhận định.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các tác giả đến từ những quốc gia đủ điều kiện được miễn phí đăng bài gần như cũng không bao giờ xuất bản trên các tạp chí truy cập mở. Bruna khá ngạc nhiên về sự kém hiệu quả của chương trình hỗ trợ và miễn chi phí đăng bài đối với các nhà nghiên cứu gặp khó khăn về tài chính. Và ngay cả khi có áp dụng những chương trình này, các nhà nghiên cứu đến từ các nước thu nhập thấp vẫn khó có thể “chịu” được mức chi phí cao, bởi họ thường phải bỏ tiền túi để trang trải cho khoản tiền này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Kwon, D. (2022). Open-access publishing fees deter researchers in the global south. Nature. https://doi.org/10.1038/d41586-022-00342-w 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Phí xuất bản trên các tạp chí truy cập mở - rào cản đối với nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia thu nhập thấp tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn