Ứng dụng công nghệ trong giáo dục dành cho các nữ sinh trung học cơ sở tại Uganda trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Nghiên cứu của nhóm tác giả Kalifa Damani và cộng sự tìm hiểu việc sử dụng các công nghệ giáo dục (EdTech) trong giáo dục dành cho các nữ sinh tại các trường học thuộc nhóm PEAS (chương trình thúc đẩy giáo dục tại các trường học châu Phi) ở vùng nông thôn Uganda, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dẫn đến sự đóng cửa của nhiều trường học.

Sự bất bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục chất lượng cao của trẻ em gái là một trong những thách thức toàn cầu nghiêm trọng. Giải quyết vấn đề này có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích xã hội, từ việc trao quyền cho cá nhân đối với phụ nữ và trẻ em gái, đến góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực thi các mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đối với trẻ em gái đã có sự phát triển đáng kể trong thời gian gần đây, quá trình này đang có nguy cơ chậm lại do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian nhà trường phải đóng cửa, công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì giáo dục của chính quyền nhiều quốc gia, từ các hình thức phát thanh truyền hình cho tới các nền tảng giảng dạy - học tập trực tuyến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó cho thấy việc sử dụng công nghệ trong giáo dục cho trẻ em gái có cả những thuận lợi và thách thức, và cần được áp dụng phù hợp tuỳ theo bối cảnh địa phương. Một số dữ liệu sớm, điển hành là dữ liệu từ Kenya, cho thấy các nữ sinh gặp phải những trở ngại lớn hơn so với nam sinh trong việc tiếp nhận giáo dục thời kỳ đại dịch.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Kalifa Damani và cộng sự kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng trống nghiên cứu về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc dạy học cho nữ sinh, đặc biệt là nhóm nữ sinh thiểu số gặp khó khăn tại các vùng nông thôn. Các câu hỏi nghiên cứu sau đây đã được nhóm nghiên cứu đưa ra để giải quyết:

1) Các thách thức trong việc sử dụng các loại hình công nghệ giáo dục khác nhau (nhắn tin SMS, gọi điện thoại và phát thanh) có sự khác biệt đáng kể theo giới tính hay không?

2) Các yếu tố ảnh hưởng nào (sự nghèo đói, giới tính, trình độ học vấn của cha mẹ, tuổi, cường độ làm việc nhà) có thể có ảnh hưởng đến sự hiệu quả của các công nghệ giáo dục khác nhau (nhắn tin SMS, gọi điện thoại và phát thanh)?

3) Loại hình công nghệ giáo dục nào đem lại lợi ích lớn nhất cho việc học tập của trẻ em trai và trẻ em gái khi học ở nhà, và tại sao điều đó lại đáng chú ý?

4) Loại hình công nghệ giáo dục nào (nhắn tin SMS, gọi điện thoại và phát thanh) đem lại lợi ích lớn nhất cho trẻ em trai và trẻ em gái trong việc xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin của các em, và tại sao điều đó lại đáng chú ý?

Là một nghiên cứu khám phá tuần tự, nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng. Phần nghiên cứu định lượng được tiến hành trước, với kết quả là bộ dữ liệu thu thập từ 483 học sinh Uganda đến từ 28 trường thuộc nhóm PEAS. Tiếp đó là phần nghiên cứu định tính, bao gồm các cuộc phỏng vấn với cán bộ PEAS để tìm hiểu sâu hơn lý do và bối cảnh đằng sau những phát hiện trên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em gái ít có cơ hội được tiếp cận với điện thoại của người chăm sóc để phục vụ cho mục đích học tập hơn với trẻ em trai. Hình thức công nghệ giáo dục đem lại nhiều lợi ích và tác dụng cho việc học tập của các nữ sinh nhất là phát thanh radio; trẻ em gái cũng hứng thú hơn nhiều so với trẻ em trai trong việc nghe các chương trình phát thanh radio. Ngoài ra, các trẻ em trai có điều kiện kinh tế kém hơn tỏ ra quan tâm hơn với hình thức nhắn tin SMS hơn so với trẻ em trai đến từ các gia đình khá giả. Bên cạnh sự khác biệt về giới tính, các học sinh có cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn cũng nhận thấy tin nhắn SMS đem lại lợi ích lớn hơn, và các cuộc gọi điện thoại từ giáo viên có thể giúp cải thiện sự tự tin của học sinh hơn đáng kể.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Damani, K., Daltry, R., Jordan, K., Hills, L., & Evans, L. (2022). EdTech for Ugandan girls: Affordances of different technologies for girls’ secondary education during the Covid‐19 pandemic. Development Policy Review. https://doi.org/10.1111/dpr.12619

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19