Toán học là một trong những môn học bắt buộc tại trường phổ thông ở mọi cấp học, với tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong việc giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống. Tuy nhiên, không ít học sinh có tâm lý “sợ” môn Toán và sợ gặp phải những khó khăn trong việc theo học môn này. Nhiều bài toán quá phức tạp và quá khó để học sinh ở trình độ thông thường có thể giải được; và do đó dẫn đến thành quả nhận thức môn Toán yếu hơn. Nhóm tác giả trích dẫn một nghiên cứu của Veloo & Zubainur (2014) cho rằng mức độ lo âu của đa số học sinh Indonesia gia tăng khi ở trong các tiết học Toán. Kết quả quan sát tại một số trường trung học ở Ambon (Indonesia) cho thấy việc học Toán nhìn chung vẫn là sự tiếp thu thụ động một chiều từ giáo viên, máy móc.
Thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc học Toán cần phải khơi dậy được tinh thần ham muốn học tập của học sinh, và các cách tiếp cận trong việc dạy học môn Toán cần phải tuân theo định hướng này. Học sinh sẽ cảm thấy học Toán là một công việc đơn giản nếu trải nghiệm học tập và bối cảnh của các bài học gắn liền với thực tiễn cuộc sống hàng ngày của các em. Cách tiếp cận theo lý thuyết RME là một trong những phương pháp tiếp cận có thể giúp giải quyết các vấn đề gây ra bởi việc dạy và học môn toán theo cách truyền thống.
Nghiên cứu này tập trung vào tìm hiểu việc dạy và học các khái niệm hình học, một trong những yếu tố căn bản giúp hình thành tư duy toán học cho học sinh. Mặc dù vậy, các khái niệm hình học lại cũng là một trong những tri thức thường bị học sinh hiểu sai nhất. Vì vậy, việc ứng dụng lý thuyết RME trong lớp học có thể mang đến những ví dụ trực quan cho học sinh dựa trên các yếu tố thường gặp trong đời sống hàng ngày của các em, giúp các em thuận lợi hơn trong việc giải quyết các bài toán hình học.
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, với thiết kế nghiên cứu so sánh giữa hiện trạng trước và sau khi áp dụng thực nghiệm với nhóm khách thể có kiểm soát. Trong nghiên cứu này, quan sát được thực hiện hai lần, trước khi thực nghiệm bắt đầu và sau khi thực nghiệm kết thúc. Có hai biến số chính trong nghiên cứu: (1) cách tiếp cận RME và giảng dạy truyền thống (biến phụ thuộc) và (2) thành quả nhận thức môn Toán của học sinh (biến độc lập).
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về thành quả nhận thức môn Toán giữa nhóm học sinh có áp dụng lý thuyết RME trong lớp học và nhóm học sinh sử dụng phương pháp học tập truyền thống. Các giáo viên Toán cần tìm cách áp dụng lý thuyết RME trong lớp học để giúp các khái niệm Toán học trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn đối với học sinh. RME cũng giúp giáo viên đơn giản hoá và dễ dàng giải thích các khái niệm Toán học hơn. Bên cạnh đó, giáo viên nên tích cực phát triển các phương pháp, chiến lược và mô hình dạy học mới phù hợp với các tài liệu học tập sẵn có hoặc với bối cảnh của từng lớp học, từng học sinh. Ngoài ra, các nhà trường cũng được khuyến khích tạo ra môi trường học tập mà ở đó cung cấp nhiều thông tin về cách giải quyết các tình huống, vấn đề trong cuộc sống cần đến sự ứng dụng môn Toán để hỗ trợ học sinh của mình nâng cao khả năng tiếp thu, nhận thức đối với môn học này.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Batlolona, J. R., Laurens, T., Batlolona, F. A., & Leasa, M. (2017). How Does Realistic Mathematics Education (RME) Improve Students’ Mathematics Cognitive Achievement? EURASIA Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 14(2). https://doi.org/10.12973/ejmste/76959
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.