Có nhiều lý do để chúng ta sử dụng thiết kế nghiên cứu quan sát cho công trình của mình. Tuy nhiên, tương tự như loại thiết kế nghiên cứu thí nghiệm, có các phương pháp khác nhau mà chúng ta có thể vận dụng khi sử dụng loại thiết kế nghiên cứu này. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu các ưu điểm và nhược điểm của thiết kế nghiên cứu quan sát, cũng như ba loại thiết kế nghiên cứu quan sát chủ yếu.
Thiết kế nghiên cứu quan sát là gì?
Nghiên cứu quan sát là quá trình các nhà nghiên cứu tìm hiểu tác động của một tác nhân can thiệp, rủi ro, một bài kiểm tra chẩn đoán hoặc điều trị nào đó, mà không có sự can thiệp trực tiếp từ phía nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu quan sát khác nghiên cứu thí nghiệm (thử nghiệm) ở chỗ, nghiên cứu thí nghiệm bao gồm việc các nhà nghiên cứu sẽ can thiệp để chọn những nhóm khách thể nào sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của một phương pháp điều trị, một tác nhân can thiệp, v.v… nào đó bằng cách chia ra nhóm kiểm soát (bao gồm những khách thể không chịu tác động của tác nhân) và nhóm thí nghiệm (những khách thể chịu tác động của tác nhân). Trong điều kiện lý tưởng, các nhóm trên được chọn ra hoàn toàn ngẫu nhiên.
Nhìn chung, trong lịch sử nghiên cứu thực chứng, những bằng chứng nào có được từ các nghiên cứu tổng quan hệ thống sẽ được coi là có độ tin cậy cao nhất. Tiếp đến là các bằng chứng có được từ quá trình thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát như mô tả ở trên. Cuối cùng là các nghiên cứu thuần tập và nghiên cứu trường hợp. Nghiên cứu thuần tập và nghiên cứu trường hợp là các nghiên cứu được xếp vào dạng nghiên cứu quan sát trên khía cạnh thiết kế, nhưng phương pháp chọn mẫu lại giống như các nghiên cứu thí nghiệm.
Phân loại nghiên cứu quan sát
Loại 1: Nghiên cứu quan sát có kiểm soát trường hợp
Trong nghiên cứu loại này, các nhà nghiên cứu chọn ra một nhóm các cá nhân có những vấn đề hoặc điều kiện sức khoẻ đã được biết (gọi là “trường hợp”), bên cạnh nhóm các cá nhân tương đương nhưng không có điều kiện hoặc vấn đề sức khoẻ như nhóm trước (gọi là nhóm kiểm soát). Hai nhóm này sau đó sẽ được đối chiếu để tìm ra các tác nhân dự báo và hệ quả. Loại nghiên cứu này rất hữu ích trong việc đưa ra một giả thuyết ban đầu, để sau này có thể đi sâu hơn.
Loại 2: Nghiên cứu quan sát thuần tập
Loại nghiên cứu quan sát này giúp tìm hiểu nguyên nhân và hệ quả của một vấn đề. Nhóm thuần tập là một nhóm người có liên hệ (liên kết) với nhau theo một cách nào đó. Chẳng hạn, nhóm thuần tập về yếu tố sinh sẽ bao gồm những người được sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà nghiên cứu sẽ so sánh hệ quả xảy ra với các thành viên của nhóm thuần tập có tiếp xúc với một biến số nào đó với nhóm thuần tập không có sự tiếp xúc với biến số tương ứng.
Loại 3: Nghiên cứu quan sát lát cắt
Khác với nghiên cứu quan sát thuần tập, nghiên cứu quan sát lát cắt chủ yếu tập trung vào yếu tố chiếm đa số (có tỷ lệ phổ biến cao) trong nhóm khách thể. Nhà nghiên cứu sẽ xem xét dữ liệu về một nhóm khách thể nào đó trong một khoảng thời gian rất cụ thể. Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ chỉ quan sát và ghi lại thông tin về một yếu tố nào đó tồn tại trong nhóm khách thể, mà không có sự can thiệp bằng bất kỳ biến số điều chỉnh nào. Những nghiên cứu này thường phổ biến trong lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học và một số chuyên ngành khoa học xã hội.
Ưu điểm và nhược điểm của thiết kế nghiên cứu quan sát
Nghiên cứu quan sát có ưu điểm rõ ràng nhất là cho phép các nhà nghiên cứu tìm câu trả lời cho những vấn đề mà việc sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên có kiểm soát khó thực hiện được. Tương tự, nếu nghiên cứu tìm hiểu một vấn đề hiếm xuất hiện, việc triển khai trên các trường hợp sẵn có sẽ là giải pháp hiệu quả nhất. Một lợi ích khác của kiểu thiết kế nghiên cứu này là chúng nhìn chung có thể được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn và có chi phí thấp.
Ở chiều ngược lại, nhược điểm chính của phương pháp thiết kế nghiên cứu quan sát là chúng dễ gây ra tranh cãi, đặc biệt là những tranh cãi liên quan đến sự thiên lệch trong nghiên cứu của các nhà khoa học. Xét một trường hợp cụ thể: Một nghiên cứu cho rằng những người có thói quen ngủ tốt thường sẽ ít mắc bệnh tim hơn. Tuy nhiên, có thể những người có thói quen ngủ tốt đó còn có chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục đều đặn hơn nữa chứ không chỉ là do họ ngủ tốt.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Elsevier Author Services (2021). What is Observational Study Design and Types.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.