Wikipedia có các quy định do cộng đồng người sử dụng đưa ra và đảm bảo thực thi về tính trung lập, độ tin cậy và độ nổi bật của chủ thể bài viết. Điều này có nghĩa là tất cả các thông tin trên bách khoa toàn thư trực tuyến “phải được trình bày một cách chính xác và không có sự sai lệch”; nguồn trích dẫn phải đến từ bên thứ ba; và một bài viết trên Wikipedia được coi là đủ độ nổi bật và có thể tồn tại trên trang web này “phải được các chủ thể bên thứ ba phản ánh và nội dung phải được lấy từ các nguồn đáng tin cậy”.
Wikipedia là một trang web miễn phí, phi lợi nhuận và đã hoạt động hơn hai thập kỷ, khiến nó trở thành một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý nhất trên Internet. Vào thời điểm ngày càng khó phân biệt giữa sự thật và tin giả, Wikipedia là một công cụ dễ tiếp cận để kiểm tra “sự thật” và chống lại các nguồn thông tin sai lệch.
Tại sao Wikipedia lại đáng tin cậy như vậy?
Nhiều giáo viên lập luận rằng bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa trang Wikipedia, chứ không giới hạn chỉ có các chuyên gia về từng chủ đề mới được tham gia biên soạn. Nhưng điều này không làm cho thông tin của Wikipedia không đáng tin cậy. Chẳng hạn, thuyết âm mưu gần như hoàn toàn không có chỗ đứng để có thể tồn tại trên Wikipedia.
Đối với các bài viết phổ biến và được truy cập nhiều, cộng đồng tình nguyện viên, bảo quản viên (thuật ngữ được cộng đồng Wikipedia tiếng Việt sử dụng thay cho chữ ‘quản trị viên’) và các bot (các phần mềm tự động được lập trình để kiểm soát một khía cạnh hoặc thực hiện các tác vụ tuần tra, quản lý) của Wikipedia đảm bảo rằng các nội dung chỉnh sửa do người dùng đưa lên phải dựa trên các nguồn trích dẫn đáng tin cậy. Các bài báo phổ biến được chỉnh sửa đến hàng nghìn lần. Một số chuyên gia truyền thông, chẳng hạn như Amy Bruckman, giáo sư tại trung tâm máy tính của Viện Công nghệ Georgia, cho rằng nhờ quá trình chăm chỉ này, một bài viết được biên tập kỹ lưỡng trên Wikipedia có thể là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất từng được tạo ra về một chủ đề nào đó.
Để so sánh, các bài tạp chí học thuật truyền thống - nguồn bằng chứng khoa học được sử dụng phổ biến nhất và được các thầy cô ‘khuyến khích’ - thường chỉ nhận được sự phản biện của tối đa ba người và sau đó không bao giờ được chỉnh sửa lại thêm một lần nào nữa.
Những bài viết có tần suất sửa đổi thấp hơn trên Wikipedia có thể có độ tin cậy thấp hơn so với những bài viết có nhiều người đọc. Tuy nhiên, rất dễ dàng để kiểm tra một bài viết đã được tạo ra và chỉnh sửa như thế nào trên Wikipedia. Tất cả các chỉnh sửa đối với bài viết đều được lưu trữ trong trang “lịch sử” của bài đó. Các tranh luận giữa các biên tập viên về nội dung của bài viết được ghi lại trong trang “thảo luận” của bài.
Để có thể sử dụng Wikipedia một cách có hiệu quả, học sinh, sinh viên cần được hướng dẫn cách thức tìm kiếm và phân tích các trang chức năng này của bài viết, để từ đó có thể nhanh chóng đánh giá độ tin cậy của bài đó.
Phải chăng thông tin trên Wikipedia thường không “sâu”?
Nhiều giáo viên cũng cho rằng thông tin trên Wikipedia thường ở mức quá cơ bản, đặc biệt là đối với sinh viên đại học. Lập luận của họ cho rằng việc thu thập thông tin về một chủ đề nào đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tìm hiểu một cách sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế đây không phải là phương pháp tối ưu nhất khi tiến hành điều tra sơ bộ về một đối tượng nghiên cứu trên mạng. Những nghiên cứu sâu thường sẽ được sử dụng ở giai đoạn sau, khi tính hợp lệ của nguồn thông tin đã được xác định.
Mặc dù vậy, một số giáo viên, giảng viên vẫn cảm thấy “kinh hoàng” trước ý niệm rằng học sinh, sinh viên cần được dạy cách đánh giá nguồn thông tin một cách nhanh chóng song có phần… hời hợt. Nếu bạn tra cứu phần khung năng lực chung trong chương trình giảng dạy phổ thông của Australia, bạn sẽ thấy ý tưởng về khả năng “tư duy phản biện và sáng tạo” khuyến khích học sinh, sinh viên phải suy ngẫm sâu và rộng. Các nhà giáo dục kết hợp giữa hai mục tiêu năng lực là khả năng "phê bình" và khả năng tiếp thu, sử dụng các "phương tiện truyền thông" thường có xu hướng tin rằng phân tích tài liệu trực tuyến phải được tiến hành thật chậm và kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, thực tế là chúng ta đang sống trong một “nền kinh tế của sự chú ý”, nơi mọi người và mọi thứ trên Internet đều tranh giành để có được “sự chú ý” ngắn ngủi của người xem. Thời gian của chúng ta là quý giá, vì vậy việc tham gia tìm hiểu một cách sâu sắc những nội dung trực tuyến giả mạo và có khả năng khiến chúng ta rơi vào các lỗ hổng thông tin sai lệch, và điều đó sẽ làm sẽ lãng phí nguồn tài nguyên giá trị nhất - sự chú ý của chúng ta.
Wikipedia có thể là một công cụ giúp tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về các phương tiện truyền thông
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Australia không được hướng dẫn đầy đủ về việc phát hiện tin tức giả. Chỉ 1/5 số thanh niên Australia vào năm 2020 cho biết họ đã tham gia ít nhất một bài giảng giúp họ xác định một tin tức thời sự nào đó có đáng tin cậy hay không.
Học sinh của chúng ta rõ ràng cần có thêm kiến thức về các phương tiện truyền thông nhiều hơn và Wikipedia có thể là một công cụ tốt để hỗ trợ hiểu biết về phương tiện truyền thông của các em. Một trong những cách thức hữu hiệu là sử dụng phương pháp “đọc song song”. Điều này có nghĩa là khi gặp một nhận định lạ trên mạng, học sinh có thể để nguyên trang web mình đang truy cập và mở một tab mới. Trong tab mới này, các em có thể tìm hiểu các nguồn uy tín, đáng tin cậy nói về nhận định trên.
Wikipedia là nguồn tài nguyên hoàn hảo cho mục đích này, ngay cả đối với học sinh tiểu học. Khi lần đầu tiên gặp thông tin không quen thuộc, học sinh có thể được khuyến khích truy cập trang Wikipedia liên quan để kiểm tra độ tin cậy. Nếu xác định thông tin không đáng tin cậy hoặc không thể xác minh được, các em có thể bỏ qua thông tin đó.
Các biên tập viên, người chuyên soát lỗi có kinh nghiệm hơn cũng có thể tìm đến các nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy được sử dụng trong bài viết Wikipedia đặt ở cuối mỗi trang.
Trong tương lai, chúng tôi hy vọng các sinh viên năm nhất đại học bước vào lớp học có thể có nhận thức chính xác hơn về giá trị của Wikipedia. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi văn hóa rộng rãi đã diễn ra ở các trường tiểu học và trung học của Úc. Trong thời đại biến đổi khí hậu và đại dịch, mọi người cần có khả năng phân biệt giữa tin thật - tin giả. Wikipedia có thể là một trong các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này.
Vân An dịch
Nguồn:
Cunneen, R., & O’Neil, M. (2021, November 4). Students are told not to use Wikipedia for research. But it’s a trustworthy source. The Conversation.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.