Các trường đại học đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc “coi thi”, nhưng vẫn có những bất cập

Ngày càng có nhiều trường đại học sử dụng các phần mềm máy tính để giám sát các sinh viên đang làm bài thi từ xa, trong bối cảnh các trường đại học phải đóng cửa phòng Covid-19. Nhưng liệu đây có thể trở thành “tương lai” của thi cử trên thế giới?

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các trường đại học trên khắp thế giới đang ngày càng đưa vào vận hành các phần mềm trông thi trực tuyến từ xa như Examplify, ExamSoft và ProctorU.

Các công nghệ coi thi từ xa cho phép theo dõi sinh viên ngay cả khi các em không có mặt tại trường để làm bài trực tiếp. Sinh viên có thể ngồi làm bài kiểm tra tại nhà, không cần có cán bộ coi thi giám sát tại một phòng thi riêng biệt. Một số phần mềm máy tính có thể cho phép cán bộ theo dõi các hành động của thí sinh từ xa.

Phức tạp hơn, một số phần mềm coi thi tự động còn có khả năng can thiệp vào máy tính của sinh viên để chặn một số phần mềm, tác vụ cụ thể và theo dõi các hành động đáng ngờ. Những phần mềm này thường sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi thái độ khi thi cử của sinh viên.

Một nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện và đăng tải trên chuyên trang The Conversation cho thấy, mặc dù những hứa hẹn về triển vọng của các phần mềm coi thi tự động rất hấp dẫn, song vẫn còn tồn tại một số lỗ hổng và rủi ro đáng kể.

Các phần mềm coi thi hoạt động như thế nào?

Các phần mềm coi thi tự động cung cấp các công cụ để giám thị sử dụng nhằm giám sát và ngăn ngừa hành vi gian lận. Các phần mềm này có thể thu thập thông tin hệ thống, chặn quyền truy cập các trang web và phân tích các thao tác gõ phím. Chúng cũng có thể sử dụng webcam và micro máy tính của sinh viên để ghi lại hình ảnh, âm thanh của sinh viên và không gian xung quanh nơi các em ngồi.

Một số phần mềm trong số này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm “đánh dấu” các hành vi đáng nghi. Các thuật toán nhận diện khuôn mặt kiểm tra để đảm bảo rằng sinh viên vẫn đang ngồi yên trước màn hình và không có ai khác đi vào trong phòng. Các phần mềm này cũng xác định những tiếng thì thầm, các thao tác gõ phím và các chuyển động bất thường, cùng một số hành vi khác có thể là gian lận.

Sau khi phần mềm “đánh dấu” một hành vi nào đó mà nó nghi ngờ, các giám thị có thể kiểm tra kĩ hơn bằng cách xem lại các đoạn video và file ghi âm quá trình làm bài thi của sinh viên đó.

Vì sao cần sử dụng các phần mềm coi thi?

Các phần mềm coi thi tự động hỗ trợ giảm tình trạng gian lận trong các kì thi được tiến hành trực tuyến - một điều bắt buộc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Các kỳ thi được tổ chức công bằng giúp bảo vệ giá trị của những chứng nhận, bằng cấp được cấp cho sinh viên và đảm bảo tính trung thực trong học thuật. Đây là yếu tố then chốt đòi hỏi trong việc trao, cấp chứng nhận, bằng cấp, đặc biệt là trong một số ngành nghề chuyên môn đặc thù, đòi hỏi tính đạo đức cao như ngành y dược và luật.

Gian lận là một hành vi không công bằng đối với những sinh viên trung thực. Nếu không có sự theo dõi, giám sát, sẽ càng khuyến khích sinh viên gian lận thường xuyên hơn.

Các công ty bán các phần mềm theo dõi gian lận thường quảng bá rằng các công cụ của họ có thể giúp ngăn ngừa gian lận và cải thiện sự công bằng cho tất cả sinh viên - song nghiên cứu của nhóm tác giả đã đặt một số dấu chấm hỏi trước lời quảng cáo này.

Vấn đề của các phần mềm chống gian lận thi cử

Bảo mật

Chúng tôi đã đánh giá các phần mềm giống gian lận thi cử và nhận thấy chỉ cần một số mẹo kỹ thuật đơn giản là đã có thể vượt qua được một số biện pháp bảo vệ giống gian lận của những phần mềm này. Kết quả này cho thấy tác dụng của những phần mềm kể trên là khá hạn chế.

Việc yêu cầu các sinh viên cài đặt những phần mềm đòi hỏi quyền kiểm soát quá lớn lên máy tính của các em là một nguy cơ về bảo mật. Trong một số trường hợp, “tàn dư” của những phần mềm này vẫn còn tồn tại ngay cả sau khi sinh viên gỡ bỏ nó khỏi máy của mình.

Khả năng tiếp cận

Một số sinh viên có thể không có khả năng mua, thuê, mượn hoặc tiếp cận với các thiết bị công nghệ hoặc đường truyền mạng Internet đủ mạnh theo yêu cầu của phần mềm. Điều này có thể dẫn đến các lỗi kỹ thuật trong quá trình thi, khiến các em gặp bất lợi và căng thẳng. Trong một trường hợp được nhóm nghiên cứu khảo sát, có đến 41% sinh viên cho biết đã từng gặp vấn đề kỹ thuật.

Quyền riêng tư

Việc coi thi trực tuyến có thể gây ra một số vấn đề về quyền riêng tư. Việc quay video từ webcam của sinh viên đồng nghĩa với việc giám thị có thể nhìn thấy không gian trong nhà của sinh viên và nhìn kỹ khuôn mặt của các em mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Việc theo dõi kĩ càng như vậy, và thậm chí là ghi hình/ghi âm lại để xem đi xem lại nhiều lần trong tương lai, là sự khác biệt rất lớn so với hình thức coi thi truyền thống.

Công bằng hay thiên lệch?

Bản thân các phần mềm coi thi cũng bị đặt dấu chấm hỏi về khả năng đảm bảo sự công bằng. Các thuật toán nhận diện khuôn mặt được sử dụng trong phần mềm không phải lúc nào cũng hoạt động chính xác.

Nghiên cứu sắp công bố một trong những tác giả của bài viết này cho thấy các thuật toán được xây dựng bởi các nhà sản xuất phần mềm lớn tại Hoa Kỳ không thể nhận diện các khuôn mặt da màu chính xác bằng các khuôn mặt da sáng. Sự “phân biệt đối xử” đầy tinh vi này có thể là dấu hiệu của một sự bất bình đẳng xã hội tiềm tàng. Một số nghiên cứu khác cũng đã nêu quan ngại về các phần mềm coi thi nói riêng cũng như các phần mềm nhận diện khuôn mặt nói chung ở khía cạnh này.

Một vấn đề đáng chú ý khác là các thuật toán giám sát thi có thể đánh dấu nhầm một số chuyển động mắt và đầu của sinh viên khi làm bài thi. Điều này có thể dẫn đến những sự nghi ngờ không có cơ sở đối với một số trường hợp sinh viên gặp phải những vấn đề bất thường về thần kinh hoặc đơn giản là có “phong cách” ngồi khác biệt so với đa số các bạn. Ngay cả khi không có sự tác động của các phần mềm tự động, bản thân các kỳ thi đã là rất căng thẳng đối với đa số chúng ta và có thể dẫn đến một số hành vi không mong muốn.

Điều tra những nghi ngờ không có cơ sở

Các cơ sở giáo dục thường có thể lựa chọn những tính năng tự động nào sẽ sử dụng hoặc từ chối sử dụng. Các công ty cung cấp phần mềm giám sát thi có thể giải thích rằng những thao tác “gắn cờ” do trí tuệ nhân tạo tạo ra không phải lúc nào cũng là bằng chứng của sự thiếu trung thực trong học thuật, nhưng chúng có thể là cơ sở để trường đưa ra yêu cầu điều tra những hành vi “có thể là gian lận”.

Tuy nhiên, nếu chỉ điều tra và thẩm vấn một sinh viên dựa trên những “nghi ngờ” do máy tính tạo ra là điều không công bằng và có thể gây tổn thương cho các em.

“Văn hoá theo dõi”

Cuối cùng, việc theo dõi sinh viên bằng các phần mềm tự động có thể tạo ra những tiền lệ lớn hơn. Sự lo ngại của công chúng về vấn đề theo dõi và các quyết định “tự động” đang ngày càng gia tăng. Chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các công nghệ có nguy cơ gây hại, đặc biệt là khi chúng được triển khai mà không có sự đồng thuận thực sự của sinh viên.

Vậy các giải pháp có thể là gì?

Điều quan trọng là phải tìm cách tổ chức các kỳ thi từ xa một cách công bằng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thay thế các bài kiểm tra bằng các hình thức đánh giá khác.

Dù vậy, các trường đại học có ý định sử dụng các phần mềm coi thi tự động cần phải chịu trách nhiệm. Điều này có nghĩa là họ phải minh bạch với sinh viên về cách thức hoạt động của công nghệ và cách thức quản lý và xử lý các dữ liệu cá nhân của sinh viên.

Người tổ chức, điều hành kỳ thi cũng có thể đưa ra các phương án thay thế hợp lý hơn, chẳng hạn như cho sinh viên ngồi làm bài thi trực tiếp trong trường hợp sinh viên có nguyện vọng hoặc lo ngại. Đưa ra các lựa chọn thay thế là điều căn bản nhằm tạo sự đồng thuận tuyệt đối từ phía sinh viên về hình thức tổ chức kỳ thi.

Mặc dù các công cụ coi thi trực tuyến có vẻ như là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay, các trường cần xem xét nghiêm túc các rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra.

Vân An dịch

Nguồn:

Coghlan, S., Paterson, J. M., Cohney, S., & Miller, T. (2021, November 9). Unis are using artificial intelligence to keep students sitting exams honest. But this creates its own problems. The Conversation. 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.