GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRÊN PHẠM VI TOÀN CẦU SẼ RA SAO TRONG 10 NĂM TỚI?

Vào năm 2006, một nhóm các học giả quốc tế của Chương trình học giả Fulbright thế kỷ mới đã cùng nhau thảo luận về những thách thức đối với giáo dục đại học - từ việc đại chúng hóa giáo dục đại học và sự chuyển đổi của giáo dục đại học từ một hàng hoá công cộng thành hàng hoá tư nhân trong nền kinh tế tri thức và sự tác động của các công nghệ mới.

15 năm đã trôi qua, những thách thức vẫn đang tồn tại và chúng ta cũng đang đối mặt với hậu quả từ đại dịch COVID-19. Dường như đây là một thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại những thách thức đó một lần nữa.

Đại chúng hóa đã phát triển trên quy mô lớn hơn, điều này đặc biệt dễ thấy ở các quốc gia rất lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Ở những nước đi đầu trong tiến trình này, việc đại chúng hóa theo nguyện vọng xã hội đã đạt đến ngưỡng chỉ số GER 50% (tức là hơn một nửa số người trong độ tuổi đi học đại học nhập học)..

Điều này đã định hình tổ chức và quản trị của các hệ thống ở cấp quốc gia.

Cùng với thị trường hóa, sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học đã dẫn đến sự phân tầng và phân hóa ngày càng tăng.

Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống: dưới hình thức phân tầng thể chế từ các trường cao đẳng có uy tín thấp đến các cơ sở ưu tú hàng đầu, và từ các trường đại học khoa học ứng dụng đến các trường đại học nghiên cứu, điều này tiếp tục dẫn đến sự phân tầng trong cả khía cạnh ngành nghề, sinh viên, bằng cấp tốt nghiệp và giá trị nghiên cứu.

Sự phân tầng về học thuật tiến xa hơn, trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở hàng đầu: giữa giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, hoặc giảng viên theo hợp đồng ngắn hạn, và giữa các bộ môn và các khoa.

 

Nền kinh tế tri thức và sự xâm nhập rộng hơn của công nghệ thông tin vào cuộc sống hàng ngày cũng đã phát triển trong những năm gần đây. Sự căng thẳng giữa đại chúng hóa đang diễn ra và tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với nền kinh tế tri thức càng đẩy mạnh thị trường hóa và phân tầng hóa giáo dục đại học.

 

Sự kết hợp này đã ngày càng dẫn đến quá trình chuyển đổi giáo dục đại học từ hàng hóa công cộng sang tư nhân, như đã được ghi nhận cách đây 15 năm.

 

Thái độ đối với quốc tế hóa

 

Một thay đổi quan trọng trong những năm gần đây là thái độ đối với toàn cầu hóa và quốc tế hóa.

 

Vào đầu thế kỷ này, người ta đã dự đoán rằng toàn cầu hóa theo hướng tân tự do sẽ làm tăng sự luân chuyển nhân tài và hợp tác quốc tế trên toàn cầu, đồng thời cũng sẽ làm suy yếu các ranh giới quốc gia và nhà nước.

 

Hai thập kỷ sau, chúng ta thấy rằng trong khi sự di chuyển của sinh viên quốc tế cũng như nghiên cứu hợp tác quốc tế đã trở thành một phần quan trọng của giáo dục đại học, thì vai trò của nhà nước vẫn không hề suy giảm và thái độ của các chính phủ quốc gia và công chúng đối với quốc tế hóa vẫn còn nhiều tranh cãi. 

 

Những rào cản ngày càng tăng về chính sách thị thực sinh viên ở Mỹ và Anh là một ví dụ về xu hướng này. Việc di dời Đại học Trung Âu từ Budapest sang Vienna do không thể đạt được thỏa thuận chung với chính quyền Hungary là một ví dụ khác. Hiện nay, mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra nguy cơ rủi ro cho hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và nghiên cứu.

 

Chúng ta cũng nhận thấy rằng quá trình quốc tế hóa đã trở nên bị định hướng bởi thị trường, lợi nhuận và danh tiếng nhiều hơn, và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh dịch chuyển của sinh viên, thay vì chú trọng tính tinh hoa và độc quyền như trước đây.

 

Thách thức mới và nghiêm trọng nhất là đại dịch toàn cầu COVID-19. Đại dịch đã và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của xã hội và nền kinh tế và chúng ta phải nhìn nhận các hậu quả của nó đối với giáo dục đại học trong trung và dài hạn.

 

Sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số và học tập trực tuyến đã quá rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến sự phân tầng xã hội của thế hệ sinh viên này, cả ở cấp quốc gia hay toàn cầu. Sinh viên vốn đã bị ảnh hưởng khi nhà trường tạm dừng các giờ học trong phòng thí nghiệm, các khóa thực tập và các hoạt động thực tế khác.

 

Sự sụp đổ kinh tế chắc chắn làm giảm triển vọng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học. Việc suy giảm sự di chuyển của sinh viên quốc tế, cùng với sự không chắc chắn về phương thức giảng dạy và tình hình y tế ở các nước tiếp nhận, sẽ ảnh hưởng xấu đến  giáo dục liên văn hóa và cũng sẽ tạo áp lực tài chính lên các cơ sở giáo dục đại học vốn phụ thuộc vào học phí từ sinh viên quốc tế.

 

Giáo dục đại học như một loại hàng hóa công cộng

 

Nhìn ở một khía cạnh khác, đại dịch, giống như các cuộc khủng hoảng khác, có thể mở ra những cơ hội mới, tốt hơn hoặc xấu hơn. Nó nhấn mạnh sự kết nối và liên quan đến nhau của thế giới và tầm quan trọng của việc hiểu những gì là lợi ích chung của toàn xã hội. Đại dịch cũng cho thấy sự cần thiết phải chuyển trọng tâm của quốc tế hóa giáo dục từ việc bị chi phối bởi thị trường và danh tiếng sang cơ hội học tập toàn cầu dành cho tất cả mọi người.

 

Trong khi một phạm trù nhị phân hàng hóa công cộng/tư nhận được nhiều sự quan tâm hơn về mặt học thuật, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để khám phá những hàm ý thực tế của khái niệm lợi ích công trong giáo dục đại học.

 

Một số vấn đề cơ bản trong giáo dục đại học được bộc lộ trong đại dịch - chẳng hạn như các mục đích của giáo dục đại học; mối quan hệ giữa giáo dục đại học và thế giới việc làm và các lĩnh vực khác của cuộc sống; vai trò của giáo dục đại học đối với sự thịnh vượng của xã hội; và vai trò của giáo dục đại học trong việc tạo ra một thế giới xanh hơn và công bằng hơn.

 

Đây là thời điểm tốt để đưa ra những cách thức mới và tốt hơn để tổ chức giáo dục đại học và xã hội.

 

Thập kỷ tiếp theo

 

Một cuốn sách mới do ba chúng tôi biên tập và bao gồm 14 trong số 30 học giả Fulbright thế kỷ mới của 15 năm trước, Giáo dục đại học trong thập kỷ tiếp theo, xem xét nghề nghiệp hàn lâm, bất bình đẳng giới, quản trị và vai trò của các trường đại học trong xã hội, các vấn đề tiếp cận giáo dục đại học, sự kết hợp công và tư trong giáo dục đại học và các khía cạnh mang tính quốc tế của giáo dục đại học. Các tác giả giải quyết những vấn đề này từ các quan điểm và gói nhìn soi chiếu từ các quốc gia khác nhau. 

 

Ví dụ, khi đề cập đến nghề nghiệp học thuật và nghiên cứu chuyên nghiệp, đo lường hiệu suất là một trong những thách thức được chỉ ra cách đây 15 năm, nhưng hiện tại, dữ liệu lớn và các hệ thống kiểm định được thiết lập rộng rãi cho phép sự kiểm soát chặt chẽ hơn với hiệu suất và hành vi của đội ngũ giảng viên. 

 

Nelly Stromquist lập luận rằng các hệ thống đo lường hiệu suất do các đơn vị độc lập điều hành sẽ khiến việc đánh giá học thuật không còn nằm trong tay cộng đồng học thuật. Một nền văn hóa áp đặt về tính cạnh tranh sẽ chia rẽ nội bộ giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu và những đồng nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn. Đồng thời, xu hướng các học giả, chuyên gia bị chi phối từ bên ngoài với những lợi ích cá nhân hẹp hòi cũng làm suy yếu các giá trị học thuật và việc theo đuổi lợi ích chung, vốn là những điều cốt lõi của giáo dục đại học.

 

Trong những năm gần đây, việc đối xử với phụ nữ làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học chắc chắn đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng ngay cả ở các nước châu Âu, bình đẳng giới vẫn chưa đạt được, như đã được xem xét trong chương viết bởi Carol Colatrella và Kirsten Gomard và cả chương của Heather Eggins và Elisabeth Lillie. 

 

Phần tiếp cận và bất bình đẳng trong giáo dục đại học đề cập đến một số tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây. Michael Bastedo lập luận rằng tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện, như một công cụ đánh giá các năng lực và phẩm chất cốt lõi  ứng viên, là một cách tiếp cận mà chỉ một số quốc gia tiên tiến hiện áp dụng, cụ thể là Mỹ và Hồng Kông. Những phương thức tuyển sinh khác chỉ đánh giá được năng lực học thuật. 

 

Học đại học hay học nghề là lựa chọn gây bối rối cho rất nhiều thanh thiếu niên. Elizabeth Balbachevsky khám phá  các rủi ro mà các nước đang phát triển tạo ra nhiều rào cản đối với các cơ hội giáo dục nếu các chính sách của họ xem thường giá trị của hướng đào tạo nghề..

 

Chương sách của Gaële Goastellec tập trung vào vai trò quan trọng của quyền công dân đối với sinh viên và giảng viên từ quan điểm lịch sử. Reitumetse Mabokela chứng minh một số thành tựu và những thách thức trong tương lai đối với bình đẳng giới và sắc tộc ở Nam Phi thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc. 

 

Khi nói đến quản trị và vai trò của giáo dục đại học trong xã hội, Patrick Clancy chỉ ra rằng các chính sách xuyên quốc gia do Liên minh châu Âu và OECD cung cấp đã dẫn đến sự hội tụ chính sách giữa các quốc gia châu Âu, nhưng kết quả đạt được không đương đồng giữa các nước do sự khác biệt trong các chính sách quản trị. 

 

Chương của Anna Smolentseva cho rằng mức độ tham gia cao của dân chúng vào giáo dục đại học phân tầng có thể dẫn đến sự phân chia nhị nguyên trong xã hội, qua việc tạo ra một bộ phận dân số lớn có học vấn cao nhưng lại không được hưởng thu nhập cao hơn hoặc địa vị cao hơn. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về mục đích của giáo dục đại học và các mối quan hệ giữa giáo dục đại học và thị trường việc làm.

 

Chika Trevor Sehoole và Olaide Agbaje thảo luận về việc các các trường đại học phải cân bằng giữa tham vọng trở thành đẳng cấp thế giới về đầu ra nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu trong nước trong khắc phục sự bất bình đẳng và bất công. 

 

Cuối cùng, chúng tôi xem xét các vấn đề tài chính bao gồm chia sẻ chi phí, tính chọn lọc của nguồn lực tài chính, cũng như những thách thức của quá trình quốc tế hóa. 

 

Pedro Teixeira cung cấp một cái nhìn tổng thể mang tính toàn cầu về các xu hướng kinh phí, với hai kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Một là sự củng cố của tình trạng phân tầng và bất bình đẳng xã hội; hai là những xu hướng bất bình đẳng xã hội kéo dài dai dẳng sẽ thay đổi các chính sách về chi phí.

 

Chương của Sunwoong Kim và Rie Mori tập trung vào quy mô nợ nần của sinh viên ở Mỹ do các chính sách bên cầu nhằm tăng tỷ lệ nhập học đại học cao đẳng và những thách thức về chính sách cần thiết để đối phó với tình trạng này.

 

Hans de Wit và Philip Altbach cho rằng toàn cầu hóa ngày càng tăng trong thập kỷ qua, kết hợp với nhu cầu của nền kinh tế tri thức, đã làm xuất hiện một cách tiếp cận có tính chiến lược hơn đối với quốc tế hóa trong giáo dục đại học. Họ lưu ý rằng ngày nay nhiều giá trị truyền thống gắn liền với sự hợp tác đang bị đe dọa; và trọng tâm hiện đang chuyển sang nhấn mạnh việc học tập mang tính toàn cầu cho tất cả mọi người. Họ đưa ra một số bước tích cực có thể được thực hiện để củng cố và hỗ trợ tầm quan trọng của quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học trong trật tự thế giới đang diễn ra.

 

Hợp tác quốc tế

 

Chương trình Học giả Thế kỉ mới đã thổi một làn gió mới mang tính toàn cầu và sáng tạo vào triết lý ban đầu của Thượng nghị sĩ William Fulbright là tăng cường hiểu biết quốc tế lẫn nhau và cung cấp các cơ hội hợp tác nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu ngày nay không chỉ dừng ở việc xuất bản thế mạnh học thuật của họ mà còn phát triển các hướng nghiên cứu chung để hợp tác trực tuyến trên mức độ toàn cầu. 

 

Chúng tôi không thể liệt kê tất cả đóng góp từ các tác giả ở đây, nhưng chúng tôi muốn cung cấp một cái nhìn tổng thể nội dung cuốn sách này, là quyển thứ 50 của bộ sách “Viễn cảnh toàn cầu về giáo dục đại học” của Trung tâm Đại học Boston dành cho Giáo dục Đại học Quốc tế, do nhà xuất bản Brill đỡ đầu.

 

Ở thời điểm cục diện địa chính trị đang thay đổi, việc các hoạt động hợp tác vẫn diễn ra mạnh mẽ là một tín hiệu tích cực. Những thách thức của giáo dục đại học sẽ còn tồn tại và sẽ thay đổi dưới những áp lực như biến đổi khí hậu, đại dịch  và sự thay đổi của quyền lực thế giới. Đây là những vấn đề cần thảo luận và nghiên cứu thêm. 

 

Đây chính là thời điểm để khoa học xã hội có thể tạo ra những tác động đến xã hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò của giáo dục đại học và của nghiên cứu hàn lâm sẽ tiếp tục có tầm quan trọng sống còn.



Giáo dục đại học trong thập kỷ tiếp theo: Thách thức toàn cầu, triển vọng tương lai được biên tập bởi Heather Eggins, Anna Smolentseva và Hans de Wit và là tập 50 của loạt bài Viễn cảnh toàn cầu về giáo dục đại học, được xuất bản bởi Brill / Sense, Leiden, ISSN 2214-0859. 

 

 

 Heather Eggins, Anna Smolentseva & Hans de Wit (May 29, 2021). What do the next 10 years hold for global higher education? The University World News.

Bạn đang đọc bài viết GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRÊN PHẠM VI TOÀN CẦU SẼ RA SAO TRONG 10 NĂM TỚI? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19