Giới thiệu sách: Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam: Chính sách và thực tiễn trong thế kỷ 21 (NXB Palgrave Macmillan)

Cuốn sách "Quality Assurance in Vietnamese Higher Education: Policy and Practice in the 21st Century" (Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam: Chính sách và thực tiễn trong thế kỷ 21) là cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng Anh bàn luận về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Cuốn sách được Palgrave Macmillan, nhà xuất bản uy tín thế giới cho ra mắt độc giả trên toàn cầu đúng 2 năm trước (tháng 10 năm 2019). Chủ biên cuốn sách là TS. Nguyễn Hữu Cương (kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Kiểm định và Đảm bảo chất lượng, Khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội khi sách được xuất bản và hiện tại là Quyền Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang) và đồng chủ biên là GS. Mahsood Shah (Đại học Công nghệ Swinburne, Australia).

Hình 1. Bìa trước của cuốn sách

Cuốn sách có 12 chương, 292 trang, mở đầu bằng hai chương dẫn nhập cung cấp những thông tin về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam. Những chương tiếp theo trong cuốn sách là câu chuyện về lịch sử 15 năm hình thành và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (từ 2003 đến 2018): những thuận lợi, khó khăn, thách thức và kết quả đạt được. Hơn thế nữa, trong cuốn sách các tác giả đã phân tích các cơ chế đảm bảo chất lượng, sự tham gia của các đối tượng liên quan đến các hoạt động đảm bảo chất lượng, những khuyến nghị cho sự phát triển của hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, cuốn sách bàn luận những vấn đề về đảm bảo chất lượng trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, chất lượng và công bằng trong giáo dục đại học, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng, và phát triển nguồn nhân lực về đảm bảo chất lượng. Đây là những vấn đề mà không chỉ giáo dục Việt Nam và  mà các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới đều rất quan tâm.

Hình 2. Mục lục của cuốn sách

Chủ biên cuốn sách - TS. Nguyễn Hữu Cương tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá tại Đại học Melbourne và tiến sĩ Giáo dục tại Đại học New South Wales, Australia. Ông hiện là Quyền Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang. Ông đã có hơn 80 công trình xuất bản trong nước và quốc tế. Đồng chủ biên cuốn sách - GS. Mahsood Shah hiện là Trưởng khoa và Giáo sư của Đại học Công nghệ Swinburne, cơ sở Sydney, Australia. Ông đã xuất bản hơn 100 công trình nghiên cứu (sách chuyên khảo, chương sách, bài báo khoa học, bài trình bày hội thảo) về quốc tế hóa giáo dục đại học, đo lường, đánh giá và đảm bảo chất lượng.

Cuốn sách là sự chia sẻ kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn, là kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài nước; là sự kết hợp và kế thừa của các thế hệ góp phần vào sự hình thành và phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Ngoài chủ biên và đồng chủ biên, còn có 14 tác giả khác đóng góp vào các chương sách. Đó là GS. Martin Hayden, giáo sư của Đại học Southern Cross, Australia. GS. Martin Hayden rất am hiểu về giáo dục đại học Việt Nam và đã có nhiều bài viết về giáo dục Việt Nam. Ông cũng hướng dẫn thành công nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam. Đó là những người thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng nên hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam: GS. TS. Nguyễn Quý Thanh (Trường Đại học Giáo dục Đại học - Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Kim Dung (Viện Khoa học giáo dục Nam Việt), TS. Vũ Thị Phương Anh (Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng). Đó là những nhà nghiên cứu, nhà giáo dục thuộc thế hệ thứ 2 hệ thống này: TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), PGS. TS. Phạm Văn Tuấn (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng), TS. Nguyễn Thị Thu Hương (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Tạ Thị Thu Hiền (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Phạm Thị Hương (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), TS. Phạm Thị Tuyết Nhung (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế), ThS. Trần Thị Nhi (NCS tại Trường Đại học Newcastle, Australia). Đó là những nhà nghiên cứu không trực tiếp làm về đảm bảo chất lượng nhưng lại có sự gắn kết đến lạ kỳ với đảm bảo chất lượng, TS. Lê Thị Kim Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), TS. Trần Thị Tuyết (Đại học RMIT, Australia), ThS. Nhan Thị Thủy (NCS tại Đại học Melbourne, Australia). 

Hình 3. Thông tin về cuốn sách trên website của Springer

Được biết, cuốn sách đã được một số trường đại học danh tiếng thế giới (như Đại học Melbourne, Đại học New South Wales, Đại học Sydney, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Ghent) đặt mua làm sách tham khảo cho các giảng viên và sinh viên của trường. Theo số liệu của Nhà xuất bản Springer, qua 2 năm xuất bản, cuốn sách đã có 2,7 nghìn lượt tải về (download) và 11 trích dẫn (citation), tính tới 01/11/2021.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc sách theo địa chỉ:

https://link.springer.com/book/10.1007/978-3-030-26859-6.

Giới thiệu: Nguyễn Tiến Trung