Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một tiết học toán. Giáo viên viết một phương trình toán học lên bảng và yêu cầu một học sinh lên bảng giải bài. Bạn xung phong vì bạn đã biết câu trả lời từ trước. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi bạn phải nhân chia cộng trừ đủ cả. Bạn viết độc một đáp án chính xác của mình lên bảng, quay về chỗ ngồi, đúng lúc giáo viên đề nghị bạn dừng lại và “Đừng quên viết rõ cách làm của em lên bảng nhé!”
Đặt ra những câu hỏi khôn khéo là điều vô cùng quan trọng trong việc gắn kết sinh viên với bài giảng và thúc đẩy việc học tập một cách sâu sắc ở từng học sinh. Với một số môn học cụ thể, giáo viên rất thường xuyên đề nghị học sinh giải thích cách thức mà các em đi đến được kết luận cuối cùng; nhưng đối với trường hợp của tiết học về Xã hội và Đọc hiểu, điều này có thể khá xa lạ.
Đặt thêm câu hỏi bổ sung này sau khi học sinh đưa ra câu trả lời sẽ thúc đẩy các em suy nghĩ sâu hơn. Học sinh không chỉ phải cân nhắc lại những thông tin và các phương án trả lời khác mà còn phải tập trung suy nghĩ hơn. Nó biến câu hỏi ban đầu từ chỗ chỉ đòi hỏi học sinh nhớ lại hoặc ghi nhận đơn giản sang mức độ suy nghĩ cao hơn. Ngoài ra, nó giúp tôi với tư cách là người giảng bài có thể đảm bảo rằng sinh viên của tôi hiểu khái niệm và bảo vệ lập luận của các em.
Ví dụ từ lớp học của tôi
Khi sử dụng máy chiếu để cho học sinh xem bản đồ của khu vực Trung Đông, tôi đặt câu hỏi, "Vị trí tương đối của đất nước Afghanistan là ở đâu?" Một học sinh (Học sinh 1) trả lời rằng Afghanistan bên cạnh Pakistan. Tôi hướng dẫn cả lớp thảo luận với bạn cùng bàn và kết luận xem các bạn có đồng ý với ý kiến đó hay không, cũng như vì sao các em biết câu trả lời đó là đúng hay sai.
Tôi hỏi học sinh thứ hai, "Em có đồng ý với câu trả lời của Học sinh 1 không, và nếu có, tại sao em biết?" Học sinh thứ hai trả lời rằng trên bản đồ cho thấy Pakistan và Afghanistan nằm cạnh nhau. Tôi nhấn mạnh thêm: "Nhưng làm thế nào để em biết rằng đó là vị trí tương đối mà chúng ta đang nói đến?" Học sinh thứ hai đã loé lên một tư duy: "Ồ," họ trả lời, "bởi vì vị trí tương đối là nói về những đối tượng ở gần xung quanh, và Afghanistan gần Pakistan."
Tôi quay lại Học sinh 1 và hỏi xem đó có phải là điều họ nghĩ khi trả lời không và liệu họ có điều gì khác mà họ muốn thêm không. Học sinh đầu tiên đồng ý và nói thêm, "Em có thể giải thích thêm rằng Afghanistan nằm về phía tây bắc của Pakistan, chứ không chỉ là gần đó."
Áp dụng trên quy mô toàn bộ lớp học
Như vậy tôi đã trực tiếp đề nghị hai học sinh tham gia vào cuộc tranh luận cụ thể này, và tất cả học sinh còn lại tham gia gián tiếp. Đồng thời, tôi đã thông báo cho những người còn lại trong lớp biết rằng các em cũng cần biết điều này và ôn lại cả định nghĩa và ứng dụng của khái niệm vị trí tương đối. Điều này làm tăng đáng kể số lượt tham gia và tương tác — đặc biệt là nếu được kết hợp với phương pháp khác như Thảo luận theo cặp hoặc Thảo luận với bạn cùng bàn - việc này giúp tôi đánh giá một cách chính thức nhiều học sinh hơn. Cách này cũng yêu cầu tất cả học sinh cần phải tích cực lắng nghe và chú ý đến câu trả lời của bạn bè của họ, bởi vì chính các em có thể là người được hỏi lại câu đó tiếp theo.
Kỹ thuật này cũng có thể giúp học sinh sử dụng logic thay vì ghi nhớ đơn thuần và tìm mối quan hệ giữa các khái niệm, như trong ví dụ này:
Giả sử tôi hỏi lớp tôi sự kiện nào xảy ra trước: vụ đánh bom Trân Châu Cảng hay vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Học sinh 1 nói Trân Châu Cảng là sự kiện xảy ra trước. Em này nói: “Đó là vào năm 1941 và những quả bom được thả vào năm 1945”.
Tôi nhấn mạnh thêm: “Đúng vậy, nhưng nếu không cần xem ngày tháng, làm sao em biết rằng Trân Châu Cảng xảy ra trước vụ thả bom nguyên tử?” Một học sinh thứ hai cho biết, "Vì trận Trân Châu Cảng đã đưa Hoa Kỳ tham gia vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, và bom nguyên tử đã kết thúc chiến tranh."
Các học sinh đã tìm cách kết hợp kiến thức đã học trước đây và các tri thức hiện tại để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Việc này đòi hỏi các em phải sử dụng logic và tìm mối quan hệ giữa các chi tiết, thay vì chỉ ghi nhớ thông tin. Bạn cũng có thể sử dụng câu hỏi "Làm thế nào mà em biết?" để thu hút học sinh tham gia vào các tiết học khám phá lịch sử. Trình bày một giả thuyết và yêu cầu các em xác định xem liệu kịch bản đó có thể xảy ra hay không. Ví dụ: “John bước sang tuổi 45 vào năm 2021 nhưng lại nói rằng ông ta nhớ đã được xem trực tiếp sự kiện hạ cánh lên mặt trăng trên TV. Điều đó có thể xảy ra không? Làm sao em biết?"
Và trong các hoạt động đọc, hãy thử sử dụng kỹ thuật này bằng cách yêu cầu học sinh xác định đoạn nào trong văn bản cung cấp thông tin cho câu trả lời của các em. Khi đặt câu hỏi đánh giá về một văn bản mà sinh viên đã và đang đọc, bạn có thể khuyến khích các em giải thích điều gì khiến học sinh thích thú với câu trả lời của câu hỏi. Điều này cho phép học sinh chủ động xác định vị trí mà các em có thể tìm thông tin cho một câu hỏi cho trước, như số trang và các phần của văn bản đề cập đến chi tiết liên quan, chẳng hạn như tiêu đề chương.
Mặc dù không quá mới mẻ, phức tạp hay sâu sắc nhưng việc bổ sung thêm những câu hỏi đơn giản này vào tiết học là điều mà tôi cần nhắc nhở bản thân làm thường xuyên. Hỏi "Làm sao bạn biết?" có thể làm chậm nhịp độ của tôi trong lớp học nhưng lại góp phần tạo thêm chiều sâu từ câu trả lời của học sinh, tăng mức độ tương tác và tham gia của các em vào tiết học.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Chris Kubic (2021). A Question Teachers Should Ask as Often as Possible. Edutopia.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.