YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁC TRÌNH ĐỘ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Khung trình độ là một công cụ để xây dựng và phân loại các trình độ đào tạo căn cứ các tiêu chí xác định đối với từng mức độ kết quả học tập đạt được. Khung trình độ thể hiện các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được (kết quả đầu ra) của một trình độ đào tạo cụ thể và phản ánh sự liên thông giữa các trình độ đào tạo. Khung trình độ quốc gia đã trở thành một xu hướng quốc tế trong đổi mới giáo dục và đào tạo của các nước trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ XX. Đến nay, có hơn 130 quốc gia trên thế giới đã triển khai Khung trình độ quốc gia.
Khung tham chiếu các trình độ ASEAN (AQRF) được thành lập vào năm 2013 dưới sự bảo trợ của chương trình hợp tác kinh tế (ECWP) trong khu vực thương mại tự do ASEAN- Australia - Newzealand (AANZFTA) để thực hiện nhiệm vụ phát triển các trình độ của khu vực ASEAN. Khung tham chiếu AQRF là một khung tham chiếu chung đóng vai trò như là một công cụ để so sánh các trình độ giáo dục giữa các quốc gia thành viên ASEAN với mục tiêu: Hỗ trợ việc công nhận các trình độ; Khuyến khích việc phát triển các khung trình độ phù hợp để có thể hỗ trợ việc học tập suốt đời; Khuyến khích phát triển các cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia để có thể đánh giá kết quả học tập bên ngoài hệ thống giáo dục chính quy; Thúc đẩy và khuyến khích tính di động của giáo dục và của người học; Hỗ trợ quá trình chuyển dịch lao động; Nâng cao hiểu biết về hệ thống các trình độ; Thúc đẩy chất lượng của các hệ thống trình độ đào tạo.
Hội thảo tham vấn về dự thảo Kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia đối với giáo dục nghề nghiệp diễn ra ngày 23/9/2020
Khung tham chiếu AQRF được thiết kế nhằm tạo nên những tác động tích cực và cân bằng lên khung trình độ quốc gia của các nước thành viên ASEAN. Các nước được mời tham gia AQRF trên cơ sở tình nguyện cam kết và thực hiện. Điều quan trọng là việc cam kết về AQRF không đòi hỏi phải thay đổi các hệ thống trình độ quốc gia. Khung tham chiếu AQRF tôn trọng cấu trúc đặc thù và quá trình tham gia của các quốc gia thành viên nhằm đáp ứng các ưu tiên của họ. Khung tham chiếu AQRF sẽ nâng cao hiểu biết về trình độ của mỗi cấp của Khung trình độ quốc gia hoặc hệ thống các trình độ của các nước ASEAN. Các quốc gia ASEAN có quan tâm có thể bắt đầu tham khảo khung tham chiếu AQRF tùy theo mức độ sẵn sàng của mình.
Việt Nam là quốc gia trong khu vực ASEAN, Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 với các mục tiêu: Thứ nhất, phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Thứ hai, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng. Thứ ba, làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Thứ tư, thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực. Thứ năm, tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được cấu trúc gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1: Sơ cấp I; Bậc 2: Sơ cấp II; Bậc 3: Sơ cấp III; Bậc 4: Trung cấp; Bậc 5: Cao đẳng; Bậc 6: Đại học; Bậc 7: Thạc sĩ; Bậc 8: Tiến sĩ. |
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” và những quy định trong Luật Giáo dục năm 2019, năm 2020,Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025. Gần đây nhất, ngày 15/7/2021,Thủ tướng Chính phủban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp có mục đích dựa trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung, hoạt động chuyên môn cần triển khai để phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp; kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực với hệ thống các trình độ đào tạo nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra; kiểm soát chất lượng, đồng thời đa dạng hóa các chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế, thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực; tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 gồm:
Một là, xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục năm2019 và các quy định pháp luật.
Hai là, thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan trong triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Ba là, tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp bảo đảm chất lượng và tính thống nhất hệ thống, liên thông giữa các trình độ tạo thuận lợi cho việc hội nhập và công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia.
THỰC HIỆN ĐÚNG LỘ TRÌNH VÀ ĐỒNG BỘ VỚI KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM
Để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục nghề nghiệp đứng trước cơ hội lớn, thuận lợi nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi thách thức, khó khăn để tạo đột phá về chất lượng, vươn tầm hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt chất lượng, hiệu quả, cần phải thực hiện đúng lộ trình và đồng bộ với Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Theo đó, các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần phải khẩn trương thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn về chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu theo tín chỉ cho các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả bao gồm cả chất lượng đào tạo từ xa, học trực tuyến (Online Learning-OL) và học phối hợp (Blended learning- BL) và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu xây dựng quan hệ giữa tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và khu vực ASEAN. Nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy định về cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý đào tạo giáo dục nghệ nghiệp. Gắn công tác giáo dục nghề nghiệp (TVET) với công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo đã được khẳng định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, triển khai, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tiếp tục hướng dẫn, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành, nghề của các trình độ giáo dục nghề nghiệp bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thực hiện xây dựng, triển khai chương trình đào tạo cho từng ngành, nghề theo chuẩn đầu ra hoàn thành theo kế hoạch hằng năm.
Hướng dẫn điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo, biên soạn chi tiết các mô đun, môn học, học phân, giáo trình, kế hoạch đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đã được cập nhật, phát triển bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo các hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hướng dẫn thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra cam kết cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba, thực hiện các nội dung, hoạt động trong tiến trình tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp) với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và các khung trình độ quốc gia khác, cụ thể:
Xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Phối hợp tham gia các hoạt động khu vực trong tiến trình Khung tham chiếu trình độ ASEAN theo kế hoạch hằng năm.
Thực hiện việc công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông, sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện truyền thông về triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm.
Mở rộng, tăng cường hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, nước ngoài đặc biệt trong khu vực ASEAN trong việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tham chiếu, công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm.
Thứ năm, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp sẽ ngày càng tăng sức hấp dẫn đối với giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người học thực hiện con đường học tập suốt đời, liên thông lên giáo dục đại học được mở rộng. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo xu hướng quốc tế, dựa trên chuẩn đầu ra; đổi mới việc đánh giá, công nhận, cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp để thúc đẩy khu vực và quốc tế công nhận bằng cấp giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, giúplao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong nước và hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Đồng thời, để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của Giáo dục nghề nghiệp rất cần có sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp theo mô hình liên kết “Ba nhà” (Triple Helix): Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước, địa phương).
Để Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được áp dụng hiệu quả thì việc tham gia xây dựng các chuẩn đầu ra và đánh giá năng lực người học đều cần có sự tham gia của doanh nghiệp.Vì chính doanh nghiệp là nơi thụ hưởng kết quả của giáo dục nghề nghiệp, nên phải đẩy mạnh việc gắn kết doanh nghiệp với đào tạo nghề, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng, xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây đồng thời cũng là hạn chế, thách thức của giáo dục nghề nghiệp trong công tác gắn kết doanh nghiệp với đào tạo hiện nay.
TS. Mai Văn Tỉnh
ThS. Đỗ Nguyên Hưng
Nguồn tin: tuyengiao.vn