Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Nghiên cứu Tiêu dùng chỉ ra rằng điện thoại di động còn có thể có những tác động “ngược” đối với việc học tập của học sinh. Các tác giả nghiên cứu này cho rằng chỉ đơn thuần sự xuất hiện của một chiếc điện thoại, kể cả khi nó được tắt chuông hoặc nằm ngoài tầm nhìn của học sinh, vẫn có thể khiến học sinh bị mất tập trung.
Vào năm 2017, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu ảnh hưởng của sự hiện diện của những chiếc điện thoại di động đối với học sinh. Học sinh được yêu cầu hoàn thành các bài toán trong khi những chiếc điện thoại di động được đặt trên bàn, cất trong túi xách hoặc quần áo gần đó, hoặc để trong một căn phòng tách biệt. Các nhà nghiên cứu đã tắt chuông, tiếng thông báo, tiếng ting của những chiếc điện thoại. Trên thực tế, học sinh không hề tương tác hoặc nghe thấy điện thoại của họ, nhưng điều đó thực ra không quá quan trọng.
Điện thoại tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh mẽ, chiếm lĩnh không gian tinh thần và luồng suy nghĩ của học sinh ngay cả khi các em không để ý đến nó. Học sinh có kết quả làm bài kém hơn khi có chiếc điện thoại ở gần bàn làm việc, và không chỉ vậy, kể cả khi các em đặt màn hình úp xuống, mọi thứ vẫn như vậy. Trong trường hợp điện thoại được giấu trong cặp hoặc túi quần, các em học sinh cũng không thể học tập tốt hơn được là bao.
Trong khi đó, nếu tách biệt hoàn toàn học sinh với chiếc điện thoại trên phương diện vật lý, kết quả học tập của học sinh sẽ đạt mức cao nhất. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chỉ đơn thuần sự xuất hiện của chiếc điện thoại cũng đã kích hoạt một hệ thống thần kinh của chúng ta, gọi là sự chú ý tự động. Có một phần trong não bộ của chúng ta theo dõi môi trường xung quanh một cách vô thức để tìm kiếm những dấu hiệu được coi là quan trọng.
Hệ thống này tự động lọc bỏ những thông tin không liên quan nhưng sẽ ngay lập tức khiến chúng ta chú ý khi có ai đó gọi tên chúng ta, hay khi có một đứa bé khóc, hoặc tiếng còi hú của xe cảnh sát. Nói cách khác, những chiếc điện thoại của chúng ta, với việc phát ra những tiếng chuông, thông báo liên tục, có thể đã “động” đến một trong những hệ thống nhận thức sâu nhất trong thần kinh của chúng ta, tạo ra cảm giác về những tình huống khẩn cấp thường trực, liên tục kể ra khi điện thoại không được sử dụng hoặc để ngoài tầm ngắm của chúng ta, và lấy đi những nguồn lực nhận thức quý giá mà chúng ta có thể sử dụng cho những nhiệm vụ khác, chẳng hạn như học tập.
“Sự xuất hiện của những chiếc điện thoại cho phép chúng ta luôn có khả năng tiếp cận ngay lập tức tới các luồng thông tin, sự giải trí, và nhiều thứ khác,” nghiên cứu kết luận. “Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những lợi ích này - và cả sự phụ thuộc mà chúng tạo ra cho chúng ta - buộc chúng ta phải đánh đổi bằng khả năng nhận thức của mình.”
Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này? Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những cách khắc phục tạm thời - chẳng hạn như đặt úp màn hình điện thoại xuống hay tắt nó hoàn toàn - gần như không có tác dụng. Giải pháp dường như hiệu quả duy nhất ở đây là chúng ta phải tách biệt hoàn toàn giữa chúng ta và chiếc điện thoại - trên phương diện vật lý. Điều này đúng trong trường hợp học sinh làm bài kiểm tra - dĩ nhiên - nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biện pháp này là tối cần thiết khi học sinh đang cố gắng tiếp thu một điều gì mới vào đầu.
Vân An dịch
Nguồn:
Edutopia (2019). There’s a Cell Phone in Your Student’s Head.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.