Đã hơn 30 năm đã trôi qua từ khi Việt Nam thí điểm triển khai mô hình đại học tư thục đầu tiên. Ngày nay, các trường đại học tư thục đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của hệ thống giáo dục quốc dân và chịu trách nhiệm đào tạo khoảng 13% số sinh viên cả nước, tuy nhiên có rất ít tài liệu học thuật phân tích chi tiết sự hình thành của khu vực tư thục này ở Việt Nam.
Hiện nay có hai quan điểm chủ đạo về nguồn gốc của giáo dục đại học tư thục trên thế giới. Thứ nhất, hầu hết các học giả đi trước đều ủng hộ lập luận truyền thống về cung cầu rằng các trường đại học tư thục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu học đại học ngày càng tăng mà các trường công lập chưa đáp ứng được, hoặc để giải quyết vấn đề thiếu vốn ngân sách nhà nước. Sự hình thành đại học tư thục có thể tự phát như thực tiễn ở các nước dân chủ và một số nhà nước hậu Xô-Viết, hoặc được dẫn dắt bởi nhà nước kiến tạo như trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan. Ở một số quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên do các tổ chức tôn giáo khởi xướng nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Thứ hai, một trường phái khác thì tập trung nhiều vào yếu tố ngoại cảnh như là nhờ vào sự thúc đẩy của Ngân hàng Thế giới hay sức ảnh hưởng của học thuyết nổi tiếng về lợi suất đầu tư cho giáo dục.
Tuy nhiên, nhóm các tác giả gồm Châu Dương Quang (ĐH SUNY Albany, Hoa Kỳ), Nguyễn Hữu Cường (ĐH Tôn Đức Thắng) và Nguyễn Tiến Trung (ĐH Duy Tân) khẳng định cả hai lập luận trên đều không phù hợp để giải thích trường hợp của Việt Nam trong bối cảnh nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Các tác giả dựa vào số liệu từ Niêm giám thống kê và đặc biệt là tài liệu chính sách chưa được công bố bằng tiếng Việt từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990 lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, kết hợp với phỏng vấn với các nhà hoạch định chính sách cấp cao và nhà sáng lập các trường đại học tư thục để chứng minh quan điểm của mình.
Cũng như các quốc gia theo mô hình Xã hội Chủ nghĩa khác, giáo dục đại học ở Việt Nam tuân theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung: sinh viên tốt nghiệp đều được nhà nước tuyển dụng nên chỉ tiêu tuyển sinh được đặt ra dựa trên nhu cầu của bộ máy hành chính cũng như ngân sách nhà nước. Sau năm 1975, nhà nước gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, và buộc phải cắt giảm ngân sách cho giáo dục đại học làm giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Đồng thời, cuộc khủng hoảng đã khiến cho nhà nước không thể tiếp tục tuyển dụng được nữa. Đứng trước nguy cơ không có việc làm, sinh viên mất động lực học tập, dẫn tới tỉ lệ học lại và tỉ lệ bỏ học tăng cao, cuối cùng là sụt giảm số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học.
Điều đó có nghĩa là nhu cầu giáo dục đại học không hề tăng trong thời kỳ đó, mà chỉ thật sự tăng sau Hội nghị Nha Trang năm 1987 khi nhà nước áp dụng các chính sách tuyển sinh mở và giới thiệu một số cơ chế thị trường vào hệ thống giáo dục đại học, tạo cơ hội học tập và hy vọng việc làm cho nhiều đối tượng xã hội hơn trước đây. Mặc dù chủ yếu tập trung vào khu vực đại học công lập, chương trình cải cách của Hội nghị Nha Trang đã thiết lập một lộ trình cần thiết để giáo dục đại học tư thục có thể xuất hiện ở Việt Nam.
Nhóm tác giả cũng cho rằng những ý tưởng về giáo dục đại học tư thục ở Việt Nam xuất hiện một cách tự phát, và không được nhà nước quy định một cách tỉ mỉ chi tiết. Tuy nhiên, có ba điều kiện nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ. Một là, do hệ tư tưởng, các thuật ngữ như “bán công”, “dân lập” được sử dụng thay cho “tư nhân”, “tư thục”. Với điều kiện thứ hai, nhà nước phải có được quyền kiểm soát nhất định đối với các trường đại học tư thục. Điều kiện cuối cùng liên quan đến việc các cơ sở giáo dục tư không được nhận nguồn vốn từ ngân sách nhà nước mà phải dựa trên thu học phí.
Cho đến cuối thập niên 90, hầu hết các trường đại học dân lập được thành lập bởi các giáo sư nổi tiếng từ các trường đại học công lập và các cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu; và rõ ràng là trình độ học vấn và ảnh hưởng chính trị của đội ngũ sáng lập là những tiêu chí quan trọng quyết định liệu một trường đại học dân lập có được cấp phép hay không. Mặc dù nhà nước đặt ra ba giới hạn không thể thỏa hiệp, nhưng vẫn chừa ra một hành lang đủ rộng để các chủ thể tư nhân có thể đề xuất và thực hiện nhiều ý tưởng cải cách.
Như vậy, nghiên cứu chứng minh rằng ngược lại với tiến trình ở đa số các nước trên thế giới, các trường đại học tư thục xuất hiện ở Việt Nam khi nhu cầu giáo dục đại học giảm mạnh. Sự cởi mở trong các chính sách cải cách giáo dục đã vực dậy nhu cầu học đại học trong quần chúng và khích lệ sự hình thành các cơ sở đại học tư thục trong một phạm vi tự do nhất định. Nói cách khác, sự phát triển có thể dự đoán được của đại học tư thục ở Việt Nam là một phần của cải cách kinh tế và chính trị do chính quyền khởi xướng và chỉ đạo.
Nguồn: Chau, Quang, Cuong Huu Nguyen, and Tien-Trung Nguyen. "The emergence of private higher education in a communist state: the case of Vietnam." Studies in Higher Education (2020): 1-16.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.