Dữ liệu trắc lượng thư mục được trích xuất từ cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI). Quá trình xử lí dữ liệu được tiến hành trong ba giai đoạn. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thực hiện các truy vấn tìm kiếm với bốn từ khóa liên quan được chọn, sử dụng toán tử Boolean “OR” (hoặc) để nối các từ khoá với nhau: “COVID-19” OR “Coronavirus” OR “2019-nCoV” OR “SARS-CoV-2”. Trong đó, nhóm thiết lập để tìm kiếm các từ khoá trên trong tiêu đề, tóm tắt và từ khóa của tác giả. Tổng cộng, từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, 16.384 công trình khoa học đã được xuất bản, xuất hiện trong các nguồn khác nhau, có liên quan đến các từ khoá trên. Tính riêng tháng 12 năm 2019, 793 bài báo đã được xuất bản, chiếm 4,84% tổng số bài báo mà nhóm nghiên cứu thu thập được. Tuy nhiên, số lượng xuất bản liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã tăng vọt vào năm 2020. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, đã có 15.591 bài báo đã được xuất bản, chiếm 95,16% tổng số.
Dữ liệu được tải xuống từ cơ sở dữ liệu ở định dạng tệp .txt. Tệp tải xuống đã được chuyển đổi, cấu trúc lại và nhập vào một chương trình thống kê để thực hiện các bước phân tích cuối cùng. Nhóm nghiên cứu sử dụng thống kê mô tả, sử dụng phần mềm IBM SPSS Statistics phiên bản 25 để xử lí. Các hình minh hoạ về sự “đồng xuất hiện” (co-occcurence) của các từ khóa và phân tích trắc lượng thư mục “gộp đôi” được tạo bằng phần mềm VOSviewer 1.6.15, dựa trên dữ liệu của 500 công trình được trích dẫn nhiều nhất trong số các công trình được nhóm tổng hợp để cung cấp một số thông tin về xu hướng trong nghiên cứu COVID-19. Bên cạnh đó, việc xử lí dữ liệu có ba cấp: phân tích chung, phân tích phần trăm hàng đầu và phân tích mạng thư mục và trích dẫn. Hai chỉ số trong cấp phân tích chung là loại hình và ngôn ngữ của các bài báo. Năm chỉ số trong cấp phân tích phần trăm hàng đầu là 10 tác giả, nguồn dữ liệu, quốc gia, tổ chức (cơ sở đào tạo/nghiên cứu) và ngành có nhiều bài báo khoa học về Covid-19 được xuất bản nhất hoặc xuất hiện nhiều nhất trong các công bố khoa học đó. Có tổng cộng 55.352 tác giả, 2.964 nguồn, 159 quốc gia, 12.805 tổ chức và 221 ngành xuất hiện trong 16.384 bài báo được nhóm nghiên cứu tổng hợp. Phân tích “đồng xuất hiện” tập trung vào cả tác giả và tất cả các từ khóa, trong khi phân tích trắc lượng thư mục gộp đôi tập trung vào đối chiếu giữa các quốc gia và các nguồn.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý của nhóm:
Đầu tiên, tệp dữ liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập và sử dụng để phân tích bao gồm 15 loại ấn phẩm, trong đó các bài báo khoa học là loại phổ biến nhất, tiếp theo là các bài viết dạng thông tin báo chí. Kết quả này cho thấy sự gia tăng về số lượng các ấn phẩm nghiên cứu COVID-19 nguyên bản, hầu hết trong số đó thuộc lĩnh vực đến y học và sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, trong số 19 ngôn ngữ khác nhau, tiếng Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các ấn phẩm khoa học xuất bản có liên quan đến đại dịch Covid-19, tiếp theo là tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Hai nghiên cứu khác cho kết quả gần như tương tự, ngoại trừ việc tiếng Trung xếp thứ hai về mức độ phổ biến, chỉ sau tiếng Anh.
Thứ ba, 10 quốc gia có nhiều công trình xuất bản nhất liên quan đến chủ đề đại dịch Covid-19 chiếm 1/10 tổng số ấn phẩm khoa học có liên quan đến đại dịch của thế giới. Hoa Kỳ được coi là quốc gia dẫn đầu với số lượng công bố cao nhất, tiếp theo là Trung Quốc - kết quả này tương tự với các thống kê trước đó. Tuy nhiên, có hai nghiên cứu trước đây cho kết quả trái ngược rằng Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số lượng các công trình liên quan đến Covid-19.
Thứ tư, 10 tác giả có nhiều công trình xuất bản nhất về Covid-19 chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các bài báo. Wang Y được coi là nhà nghiên cứu hàng đầu về đại dịch, trong khi các thống kê khác lại cho thấy Memish ZA và Yuen KY mới là tác giả đứng đầu về số lượng nghiên cứu liên quan đến Covid-19. Danh sách các nhà nghiên cứu có nhiều công trình khoa học nhất về Covid-19 đã chỉ ra rằng mặc dù Mỹ là quốc gia có số lượng bài báo khoa học về Covid-19 nhiều nhất; nhưng danh hiệu nhà khoa học có số lượng nghiên cứu được xuất bản nhiueeuf nhất về Covid-19 lại thuộc về các học giả Trung Quốc.
Thứ năm, thống kê của nhóm tác giả cho thấy BMJ là nguồn trích dẫn của nhiều nghiên cứu Covid-19 nhất, tiếp theo là Tạp chí Y tế Virology; điều này vừa tương tự và vừa mâu thuẫn với một số kết quả thống kê trước đó. Cần lưu ý rằng một tạp chí hay quốc gia số lượng bài báo cao nhất không đồng nghĩa với việc tạp chí hay quốc gia đó có số lượng trích dẫn cao nhất; do đó, nghiên cứu của nhóm còn phân tích thêm các tài liệu có số lượt trích dẫn cao nhất để tìm hiểu rõ hơn về các nguồn dữ liệu khoa học được sử dụng làm cơ sở cho các nghiên cứu về Covid-19.
Thứ sáu, Đại học London là cơ sở đào tạo/nghiên cứu số lượng bài báo khoa học về Covid-19 cao nhất, tiếp theo là Đại học Harvard. Ngược lại, ba nghiên cứu trước đó lại cho thấy Đại học Hồng Kông mới là tổ chức có số lượng công trình khoa học về đại dịch cao nhất. Số liệu thống kê các cơ sở đào tạo/nghiên cứu đứng đầu về số lượng nghiên cứu Covid-19 đã cho thấy ba trung tâm nghiên cứu tích cực nhất về đại dịch của thế giới nằm ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thứ bảy, lĩnh vực có nhiều xuất bản nhất về Covid-19 là y học, sau đó là khoa học sức khoẻ môi trường và bệnh truyền nhiễm. Phát hiện này cho thấy rằng các nhà khoa học đang đặt trọng tâm nghiên cứu vào các khía cạnh y tế của Covid-19, trong khi một thống kê trước đó cho thấy lĩnh vực dịch tễ học là lĩnh vực có nhiều nghiên cứu nhất về đại dịch.
Thứ tám, phương pháp phân tích mạng lưới đồng xuất hiện (co-occurence) của 500 bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI) cho thấy năm từ khóa lặp lại phổ biến nhất: “coronavirus”, “COVID-19”, “SARS-CoV-2”, 2019-nCoV” và “pneumonia” (bệnh viêm phổi). Kết quả này tương tự với những thống kê trước đây.
Thứ chín, phân tích trắc lượng thư mục gộp đôi các yếu tố quốc gia và nguồn dữ liệu trích dẫn cho thấy mối liên hệ hợp tác mạnh mẽ nhất trong nghiên cứu khoa học về Covid-19 là giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ, và giữa Tạp chí Y học New England và JAMA.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Al-Zaman, M. S. (2021). A bibliometric and co-occurrence analysis of COVID-19–related literature published between December 2019 and June 2020. Science Editing, 8(1), 57–63. https://doi.org/10.6087/kcse.230
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.