Xuất bản khoa học quốc tế tại Việt Nam: Hiệu quả chính sách và những dư địa để phát triển

Nghiên cứu của nhóm tác giả Việt Nam đã đánh giá hiệu quả của hai chính sách mới ban hành liên quan đến xuất bản khoa học quốc tế tại Việt Nam, gồm quy định mới về đào tạo tiến sĩ và việc thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Đồng thời, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm góp phần tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Nếu phải lựa chọn chủ trương của Chính phủ có tác động mạnh nhất đến việc thúc đẩy xuất bản quốc tế tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhóm tác giả cho rằng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quyết định chính sách có vai trò hàng đầu; khác với quan niệm phổ biến rằng sự ra đời của Quỹ Phát triển khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) là ‘chất xúc tác’ quan trọng nhất cho việc xuất bản quốc tế ở Việt Nam. Nhóm tác giả không phủ nhận vai trò của NAFOSTED, nhưng gợi ý rằng vai trò của NAFOSTED có thể được quan sát từ một góc độ khác. Theo đó, việc thành lập NAFOSTED được coi là “sự mở màn” giúp các nhà khoa học Việt Nam nhận được ưu đãi đầu tiên từ Chính phủ để phục vụ cho các công bố quốc tế. Nói cách khác, việc ra mắt NAFOSTED năm 2008 đã góp phần khuyến khích cộng đồng khoa học Việt Nam vượt qua “sức ì” và lần đầu tiên có những bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế với 100% tác giả trong nước, hoặc nhóm tác giả nhưng do các nhà nghiên cứu trong nước dẫn đầu (thay vì phụ thuộc nhiều hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào hợp tác quốc tế như trước đây). Tuy nhiên, tác động của Thông tư 08 còn ở quy mô lớn hơn thế. Ở một mức độ nào đó, Thông tư 08 có thể được coi là một chính sách “công bố hay là chết” (lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam). NAFOSTED chỉ hoạt động như một trong nhiều nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu; các nhà khoa học không muốn công bố quốc tế vẫn có thể tìm các nguồn tài trợ khác. Với Thông tư 08, lần đầu tiên chúng ta có quy định bắt buộc, theo đó nghiên cứu sinh sẽ không được công nhận tốt nghiệp nếu chưa có công bố quốc tế; tương tự, các giảng viên đại học sẽ không thể đảm nhận vai trò người hướng dẫn khoa học nếu họ không có đủ số lượng các công bố quốc tế cần thiết. Về mặt này, tính chất “xuất bản hay là chết” của Thông tư 08 mạnh hơn NAFOSTED.

Về văn hóa “xuất bản hay là chết”, nhóm nghiên cứu đồng ý với quan điểm cho rằng các chính sách khoa học kiểu “xuất bản hay là chết” có những nhược điểm, chẳng hạn như khuyến khích số lượng thay vì chất lượng. Tuy nhiên, đối với các quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu hội nhập quốc tế về nghiên cứu như Việt Nam, việc có những chính sách “xuất bản hay là chết” như Thông tư 08 là rất quan trọng. Nhóm tác giả chia quá trình hội nhập quốc tế về nghiên cứu ở Việt Nam thành ba giai đoạn: (1) 2008 trở về trước: giai đoạn thiếu các chính sách khuyến khích xuất bản quốc tế; (2) 2008–2017: bắt đầu xuất bản quốc tế trong giới học thuật; và (3) 2017 đến nay: giai đoạn hình thành và mở rộng.

Hai dấu mốc quan trọng phân chia các giai đoạn trên là vào năm 2008 (thời điểm Quỹ NAFOSTED chính thức đi vào hoạt động) và 2017 (thời điểm ban hành Thông tư 08). Biểu đồ số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2020 (do nhóm tác giả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI) dưới đây là minh chứng rõ nét.

Số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2020. Chú giải: WOS: Web of Science; SCIE: Chỉ số Trích dẫn Khoa học Mở rộng; SSCI: Chỉ số trích dẫn Khoa học xã hội; A & HCI: Chỉ số trích dẫn Nghệ thuật & Nhân văn. Nguồn dữ liệu: Nhóm tác giả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI)

Những dư địa để phát triển

Chiến lược thu hút nhân tài trở lại đất nước

Mặc dù không có số liệu cụ thể, nhóm tác giả tin rằng các nhà nghiên cứu Việt Nam trở về từ nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể vào sự đột phá của các công bố quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Nói cách khác, làn sóng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài từ những năm 2000 đã bắt đầu tạo nên những thành quả xứng đáng cho đất nước. Các nhà khoa học ra đời trong những năm 1970 và 1980, hiện đã trưởng thành cả về tuổi đời và chuyên môn, đã đóng góp đáng kể vào thành tựu công bố quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể kể đến một vài cái tên có đóng góp đáng kể: GS Phạm Hoàng Hiệp (cựu du học sinh Thụy Điển, giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải Ramanujan về toán học, sinh năm 1980), GS Nguyễn Văn Hiệu (cựu du học sinh Hà Lan, giải thưởng Tạ Quang Bửu về Vật lý, sinh năm 1970), GS Phan Thanh Sơn Nam (cựu du học sinh Anh và Mỹ, giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng Nhà khoa học châu Á ngành hóa học, sinh năm 1970), TS Nguyễn Việt Cường (cựu du học sinh Hà Lan, top 5% các nhà kinh tế học toàn cầu, sinh vào thập niên 1970).

Trong những năm tới, Việt Nam cần một chiến lược được hoạch định tốt để dành sự hỗ trợ đúng mức cho nhóm các nhà khoa học này. Đại dịch COVID-19 hiện nay đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác nghiên cứu khoa học ở các nước phương Tây và thu hẹp cơ hội của các nhà khoa học nước ngoài tại các quốc gia này, trong đó có cả các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, tính trung bình, so với các đồng nghiệp tại Việt Nam, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt nam tại nước ngoài hiện vẫn cao hơn. Giữa làn sóng các học giả Việt Nam trở về nước, đây là cơ hội để các trường đại học và cơ sở nghiên cứu trong nước thu hút các học giả có trình độ cao và được đào tạo bài bản từ nước ngoài về làm việc tại quê hương.

Vai trò của các nhóm nghiên cứu

Trong nhiều năm, việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đã trở thành chiến lược được nhiều cơ sở giáo dục đại học trên khắp Việt Nam thực hiện. Chiến lược này đã giúp nâng cao tiêu chuẩn trong nước cả về số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Hàng loạt nhóm nghiên cứu tiềm năng và mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã được thành lập trong những năm qua, bao gồm các nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, … Hiệu quả của mô hình thành lập đội ngũ khoa học đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đây. Cuộc khảo sát gần đây do nhóm tác giả thực hiện về các nhà nghiên cứu giáo dục cũng cho thấy rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản quốc tế của các nhà nghiên cứu là sự hợp tác với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Nói cách khác, việc thành lập các nhóm nghiên cứu, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy xuất bản quốc tế - chứ không phải tài trợ hay trình độ tiếng Anh như quan niệm phổ biến.

Thông tư 08, một mặt, đã làm giảm đáng kể số lượng tuyển sinh các chương trình tiến sĩ; mặt khác, tạo cơ hội cho các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam đổi mới chương trình đào tạo tiến sĩ có chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn. Hơn nữa, đã đến lúc cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc có các chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng trong nước để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì chỉ dựa vào đào tạo ở nước ngoài như trước đây. Những nỗ lực của các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Đài Loan, trong việc đổi mới các chương trình đào tạo tiến sĩ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học quý giá.

Nhóm tác giả nhận định, các quốc gia trên đều có những định hướng chung trong chiến lược đổi mới chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ: mục tiêu đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế; phương pháp là tiến hành giảng dạy bằng tiếng Anh và thu hút nghiên cứu sinh quốc tế, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, gắn nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu trong trường; các yêu cầu là nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian và thường phải có thêm kinh nghiệm giảng dạy, cũng như các công bố quốc tế trên các tạp chí Clarivate / Scopus là điều kiện tiên quyết để tốt nghiệp.

Nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành

Trong giới khoa học quốc tế, nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành hiện đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược; các nhà khoa học không bắt kịp rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Những lý do đằng sau xu hướng này khá dễ hiểu. Thứ nhất, các vấn đề lớn của khoa học đơn ngành, hoặc đã được các nhà khoa học trước đây giải quyết hoàn toàn, hoặc không thể giải được bằng các cách tiếp cận đơn ngành. Thứ hai, bản thân các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện đại đã mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, xuyên ngành; do đó, rất khó để giải quyết những vấn đề đó thông qua một cách tiếp cận đơn ngành. Vì lý do lịch sử, các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như hai trường Đại học Quốc gia Việt Nam đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu là các trường đào tạo đơn ngành, đây là một cản trở đáng kể.

Trong những năm gần đây, đã bắt đầu có một số dấu hiệu cho thấy nhiều trường đại học tại Việt Nam hướng đến phát triển mô hình đại học đa ngành, đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng. Một số chiến lược khác nhằm thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực và xuyên ngành có thể kể đến như: (1) ưu tiên tài trợ cho nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực và xuyên ngành; (2) ưu tiên các nhóm nghiên cứu với các thành viên có nền tảng học thuật đa dạng; (3) đơn giản hóa các yêu cầu khi người học muốn thay đổi chuyên ngành giữa các bậc học (từ chương trình đại học sang thạc sĩ, từ chương trình thạc sĩ sang tiến sĩ); và (4) mở các chương trình đào tạo sau đại học theo định hướng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành.

Tựu trung lại, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực xuất bản quốc tế. Trong tương lai, cần có nhiều chiến lược hơn để hỗ trợ các học giả là người nước ngoài trở về nước làm việc và phát triển các nhóm nghiên cứu trong nước, những người đã góp phần đáng kể vào việc làm gia tăng số lượng xuất bản quốc tế của đất nước. Nhóm tác giả cũng khuyến nghị rằng chính phủ nên tập trung vào đổi mới trong các chương trình tiến sĩ và thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Phan Thi, T. T., Pham, H. H., Nguyen, H. L., & Nguyen, L. C. (2021). International academic publishing in Vietnam: policy efficiency and room for development. Science Editing, 8(2), 162–165. https://doi.org/10.6087/kcse.249.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản khoa học quốc tế tại Việt Nam: Hiệu quả chính sách và những dư địa để phát triển tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19