Trong bài nghiên cứu mình, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng một cách tiếp cận mới, dựa trên khái niệm quyền xã hội, để phục vụ phân tích so sánh về khả năng tài chính của sinh viên. Nhằm minh hoạ tính đúng đắn và hữu dụng của nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện phân tích sự hỗ trợ tài chính mà các sinh viên đang sinh sống cùng gia đình tại 21 quốc gia thành viên của OECD nhận được, và các sinh viên này đều thuộc đối tượng bắt buộc phải trả học phí. Nhóm nghiên cứu nhận thấy các sinh viên đến từ những gia đình có thu nhập thấp không phải lúc nào cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn ở những quốc gia có chính sách tập trung vào hỗ trợ tài chính cho những sinh viên gia đình thu nhập thấp. Thay vào đó, nhóm tác giả không tìm thấy mối liên hệ giữa chính sách tập trung hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên có thu nhập thấp và mức độ hỗ trợ mà các sinh viên nhận được (sau học phí), ngay cả khi đã loại bỏ những yếu tố hỗ trợ có hoàn lại (các khoản vay dành cho sinh viên) khỏi mô hình phân tích.
Sự hỗ trợ dành cho sinh viên có xu hướng “hào phóng” hơn ở các quốc gia có hệ thống chính sách ít tập trung nhất vào chiến lược dành cho những đối tượng thu nhập thấp. Do đó, những sinh viên đến từ các gia đình thu nhập thấp thường được hưởng lợi nhiều nhất ở những quốc gia nơi có hệ thống hỗ trợ tập trung vào cả những gia đình trung lưu, dẫn đến một ý tưởng chung của hệ thống kinh tế chính trị hướng đến sự tái phân phối tài sản thể hiện trong chính sách. Ngoài ra, cần lưu ý nhận định cho rằng không có mối liên hệ nào giữa sự tập trung về mặt chính sách với sinh viên thu nhập thấp và mức độ hỗ trợ dành cho họ không còn đúng nếu thu hẹp mô hình phân tích vào những gia đình có thu nhập ở mức thấp nhất.
Các quốc gia có sự hỗ trợ “hào phóng” nhất dành cho sinh viên thường chủ yếu cung cấp các gói hỗ trợ dạng “cho vay sinh viên”, loại hình hỗ trợ tiết kiệm chi phí nhất cho chính quyền nếu xét trong quy mô lâu dài. Các thỏa thuận chia sẻ chi phí giáo dục giữa chính quyền và người học chủ yếu dựa trên những khoản vay này tỏ ra “dễ thở” nhất trên cả khía cạnh chính trị lẫn kinh tế, trong khi vẫn giúp cải thiện cơ hội học tập cho các sinh viên đến từ những gia đình thu nhập thấp, cho phép các em có thể dành toàn bộ thời gian cho việc học tập mà không cần phải lo tính chuyện làm thêm.
Cách tiếp cận dựa trên quyền xã hội đối với việc thao tác hoá khái niệm và đánh giá hệ thống tài chính sinh viên mang đến những cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu một vấn đề vốn đã gây tranh cãi từ lâu trong các nghiên cứu về giáo dục, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới. Kết quả của nghiên cứu này đặt những viên gạch đầu tiên trong việc nối liền khoảng cách giữa chính sách giáo dục và hệ thống an sinh xã hội.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Krzysztof Czarnecki, Tomas Korpi & Kenneth Nelson (2020). Student support and tuition fee systems in comparative perspective. Studies in Higher Education. DOI: 10.1080/03075079.2020.1716316
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.