Nhóm ngành sức khoẻ giữ ổn định, đào tạo giáo viên tăng 0,5 điểm
Nhìn chung, so với năm 2020, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khoẻ giữ ổn định còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng 0,5 điểm.
Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2021 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:
22 điểm với ngành Y khoa và Răng hàm mặt; 21 điểm với ngành Dược và Y học cổ truyền; 19 điểm đối với các ngành khác gồm: Điều dưỡng, Y dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng.
Đối với sư phạm, 19 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học.
Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, ngưỡng này là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
17 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Đối với các ngành khác ngoài nhóm ngành sức khoẻ, sư phạm, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào trường nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh.
Tới đây, từ ngày 29/8 đến 17h00 ngày 05/9, thí sinh sẽ chính thức điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trên Cổng thông tin tuyển sinh. Bộ GDĐT và Hội đồng tuyển sinh các trường sẽ thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc từ ngày 13 đến ngày 15/9. Các trường sẽ tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp dựa trên đăng ký và điểm thi của thí sinh. Điểm chuẩn có thể bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hoặc cao hơn.
Các trường đồng thuận cao
Quyết định giữ ổn định mức điểm sàn như năm 2020 nhận được sự đồng thuận cao của đa số các trường trong Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề năm 2021.
GS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội phân tích, năm nay, bên cạnh phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 tương đương năm ngoái, thì số thí sinh xét tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm do một số trường y xét tuyển bằng học bạ. Vì vậy, việc giữ ổn định điểm sàn như năm 2020 hợp lý, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và chất lượng đào tạo.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên nhấn mạnh, điểm sàn như năm nay vẫn có đủ hệ số dư và đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. “Dù ở Tây Nguyên nhưng nhiều năm gần đây, điểm chuẩn xét tuyển của trường vào các ngành y khoa luôn cao hơn điểm sàn”, PGS TS Nguyễn Văn Nam cho biết.
Tán thành điểm sàn đối với nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề từ 19 đến 22 điểm tuỳ ngành, PGS TS Đinh Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng trao đổi, việc đưa ra mức điểm này là có căn cứ khoa học và thực tiễn. Mức điểm này sẽ đảm bảo mặt bằng chung cho các trường công lập và ngoài công lập trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển.
Trong khi đó, đại diện các trường thuộc Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2021 đồng thuận cao với điểm sàn từ 17 đến 19 điểm (tuỳ từng nhóm ngành/ngành), tăng 0,5 điểm so với năm 2020.
GS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, nhìn chung, phổ điểm năm nay nhỉnh hơn năm ngoái; số nguyện vọng ĐKXT vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng. Bởi vậy, tăng 0,5 điểm sàn so với năm ngoái vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, hợp lý trong lộ trình tăng dần chất lượng đào tạo giáo viên, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Phân tích thêm về đề thi, phổ điểm, tỷ lệ nhập học ước tính, tác động tích cực từ năm đầu tiên triển khai Nghị định 116, GS TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng bày tỏ sự tán thành với điểm sàn này.
PGS TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương đánh giá, điểm sàn được cân nhắc, tính toán trên cơ sở phân tích dữ liệu khoa học, hợp lý. Các ngành đào tạo giáo viên có yêu cầu về năng khiếu vẫn cần đạt trình độ nhất định để làm giáo viên, do đó, không nên hạ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các môn văn hoá.
Cho rằng đây là mức điểm sàn xác đáng, bà Nguyễn Tuyết Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang chia sẻ thêm, ngành Giáo dục đang có nhu cầu rất lớn về giáo viên mầm non với yêu cầu chuẩn tối thiểu là trình độ cao đẳng. Với những đặc thù riêng, ngành Giáo dục Mầm non rất cần nhận được sự quan tâm, lực chọn của thí sinh có năng khiếu phù hợp cùng đức tính chịu khó và lòng yêu trẻ.
* Xem Quyết định trong file đính kèm./.