Một số lỗi/thách thức thường gặp trong các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội

Nghiên cứu khoa học là một trong hai tiêu chí chính để đánh giá chất lượng của nhà trường trong việc nâng cao, đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm về một số lỗi hay thách thức thường gặp của các nhà nghiên cứu trẻ trong các trường đại học và cao đẳng hiện nay ở Việt Nam của TS. Trương Đình Thăng, thành viên Hội đồng biên tập của Vietnam Journal of Education.

Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học, cao đẳng không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, tạo ra các quy trình giảng dạy hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Thực tiễn trong các trường đại học, cao đẳng, hoạt động NCKH là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển năng lực sư phạm của mỗi người làm công tác giảng dạy và giáo dục (Best & Kahn, 1998; Pramodini & Sophia, 2012). Nghiên cứu khoa học là một trong hai tiêu chí chính để đánh giá chất lượng của nhà trường trong việc nâng cao, đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo.

Ở bài viết này, tác giả chỉ tập trung nêu một vài hạn chế trong tiếp cận phương pháp NCKH ở lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) mà những nhà nghiên cứu nói chung và giảng viên và học viên sau đại học ở các trường đại học, cao đẳng thường gặp.

Cách xây dựng cơ sở lý luận

Mục đích cuối cùng của NCKH là tìm ra chân lý (chứng minh cái đúng/sai) hoặc khám phá ra cái mới nhằm đóng góp vào sự hiểu biết chung của con người. Vì vậy, khi một người cảm thấy quan tâm và muốn nghiên cứu về một đề tài xã hội, công việc đầu tiên cần làm là xây dựng cho mình một cơ sở lý luận vững chắc nhằm tìm hiểu kiến thức nào đã được khám phá và những gì chưa được nghiên cứu để tìm ra lỗ hổng trong kiến thức (gaps in knowledge). Vì vậy, xây dựng cơ sở lý luận thực chất là xem xét tổng quan các tài liệu sẵn có đã được công bố (literature review), nghiên cứu và tổng hợp những kiến thức đó bằng cách trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp (King & Horrocks, 2010). Tuy nhiên, đây là một trong những phần mà những người làm NCKH lĩnh vực KHXH rất hay nhầm lẫn.

Một trong những lỗi phổ biến nhất thường gặp phải trong các đề tài NCKH của học viên và giảng viên đó là đưa ra các các thông tin trong phần cơ sở lý luận để giải thích các khái niệm nhưng không trích dẫn nguồn tài liệu đã được công bố. Một trong những nguyên tắc của viết cơ sở lý luận đó là tất cả các thông tin đưa ra để giải thích các khái niệm hoặc quan điểm liên quan đến đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ các tài liệu nghiên cứu đã được công bố. Nếu không, đó chỉ là thông tin cảm tính của tác giả hoặc thông tin chưa được xác thực và không có giá trị khoa học. Hiển nhiên, những thông tin này không đáng tin cậy và không thể làm cơ sở lý luận cho một đề tài nghiên cứu.

Xác định giả thuyết khoa học

Nhiều luận văn, luận án tốt nghiệp hoặc các đề tài NCKH mắc sai lầm trong xác định giả thuyết. Rất nhiều các đề tài NCKH tác giả có cơ hội đọc hoặc phản biện đều phạm sai lầm trong xác định giả thuyết, trong đó có thường gặp 2 sai lầm sau:

- Tất cả các đề tài NCKH đều cần giả thuyết: đây là một nhận định sai làm phổ biến trong NCKH lĩnh vực KHXH. Hiện nay có 2 cách tiếp cận phương pháp NCKH, đó là phương pháp quy nạp (Inductive) và phương pháp diễn giải (Deductive). Phương pháp quy nạp là phương pháp đi từ hiện tượng riêng lẻ, rời rạc, độc lập, ngẫu nhiên rồi liên kết các hiện tượng ấy với nhau để tìm bản chất của hiện tượng đó. 

Mấu chốt của phương pháp quy nạp là chúng ta mới chỉ nhận biết được hiện tượng dựa vào tính lặp đi lặp lại của nó. Vì vậy, người làm nghiên cứu đi theo quy trình: Thu thập dữ liệu/số liệu --> Phân tích --> Tìm ra bản chất (xây dựng thuyết/mô hình). Vì vậy, đối với phương pháp quy nạp thì không sử dụng giả thuyết khoa học.

Phương pháp diễn giải ngược lại với phương pháp quy nạp. Đó là phương pháp đi từ cái bản chất, nguyên tắc, nguyên lý; đi từ những tiền đề, giả thuyết bằng những suy diễn logic, từ đó cần chứng minh những tiền đề, giả thuyết đó đúng hoặc sai (xem Sơ đồ 2).

Vì vậy, người làm nghiên cứu đi theo quy trình: Nghiên cứu nguyên lý để đưa ra giả thuyết --> Thu thập và phân tích số liệu/dữ liệu  --> Chứng minh giả thuyết đúng hoặc sai.

- Giả thuyết không có ý nghĩa khoa học: Hầu hết những đề tài NCKH tác giả có dịp đọc và phản biện đều sai trong cách đặt giả thuyết. Ngoài lỗi thường gặp như phân tích ở trên thì lỗi sơ đẳng nhất đó là giả thuyết không có ý nghĩa khoa học. Ví dụ: “Nếu tìm ra được các biện pháp quản lý chuyên môn hiệu quả thì sẽ nâng cao được chất lượng dạy và học”. Bản chất của giả thuyết không nằm trong cấu trúc “nếu ...thì” mà bản chất của nó là cái “giả định”, vì vậy cần chứng minh giả định đó đúng hoặc sai. Ví dụ trên cho thấy giả thuyết không có ý nghĩa khoa học vì nó luôn đúng mà không cần phải chứng minh.

Khó khăn trong xuất bản quốc tế

Từ khoảng năm 2010 đến nay, đội ngũ giảng viên các trường đại học và cao đằng đã có bước tiến bộ nhất định trong xuất bản kết quả NCKH trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (hai danh mục uy tín nhất trên thế giới mà các trường đại học, các quỹ hỗ trợ NCKH hiện nay làm tiêu chí để đánh giá chất lượng). Trước năm 2010, hầu như ít có giảng viên nào quan tâm đến vấn đề công bố quốc tế trên tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus.

Theo thống kê nghiên cứu trong lĩnh vực KHXHNV, tính đến ngày 5 tháng 5 năm 2019, chỉ có 2443 công bố quốc tế bởi 1445 tác giả tác giả Việt Nam được ghi nhận. Hình 1 cho thấy tổng sản lượng của ngành KHXH&NV hàng năm trong giai đoạn 2008 – 2019 (ngày 05-05). Mặc dù tốc độ tăng trưởng khá đều đặn nhưng cũng phải mất đến 5 năm để sản lượng công bố hàng năm có sự thay đổi rõ rệt. Chỉ từ năm 2014 đến 2018, tổng sản lượng đã gần gấp đôi so với 6 năm trước đó (Vuong et al, 2018)

Sản lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn của Việt nam từ năm 2008 đến năm 2019 (Nguồn: Cơ sở dữ liệu SSHPA, Vuong, 2019)

Hầu hết các giảng viên, đặc biệt giảng viên trong lĩnh vực KHXH, gặp nhiều khó khăn trong xuất bản quốc tế vì nhiều nguyên nhân, ví dụ: trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm xuất bản, kinh nghiệm nghiên cứu vv… Nhưng một trong những nguyên nhân chính mà giảng viên khó có thể đáp ứng được tiêu chí xuất bản quốc tế đó là chưa tiếp cận chuẩn phương pháp NCKH quốc tế. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Nguyễn, 2013) đưa ra nhận định như sau: 70% bài báo của các nhà khoa học bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp NCKH. Từ kinh nghiệm của mình, tác giả xác định các khiếm khuyết và lỗ hổng trong kiến thức NCKH của các giảng viên như sau:

- Thiếu kiến thức về “Phương pháp luận NCKH”: “Phương pháp luận NCKH” hay còn gọi là “Hệ quy chiếu nghiên cứu” (Research paradigm) là hệ thống các nguyên lý, quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan được người làm nghiên cứu sử dụng như một lăng kính (lens) để nhìn nhận vấn đề và diễn giải dữ liệu đã phân tích. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH ở Việt Nam không coi trọng phương pháp luận khi thực hiện đề tài nghiên cứu. Đây là một khiếm khuyết mà không được chấp nhận trong chuẩn mực NCKH của thế giới.

- Yếu về phương pháp nghiên cứu định tính: Đa số học viên và giảng viên sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng (Quantitative) như một truyền thống trong NCKH, trong đó các dữ liệu/số liệu chủ yếu được thu thập thông qua phiếu khảo sát (survey). Họ chưa có kiến thức chuyên sâu về phương pháp nghiên cứu định tính, bao gồm phương pháp phỏng vấn (interview), quan sát (observation), nghiên cứu tài liệu (documents analysis). Theo xu thế NCKH của thế giới thì phương pháp định tính và định lượng có thể kết hợp (mixed methods) để bổ sung những khiếm khuyết của nhau. Ví dụ, để đánh giá vẻ đẹp của 1 cô gái không chỉ dựa vào số liệu khảo sát (số đo hình thể) mà cần kết hợp với “quan sát” (cử chỉ, thái độ, khiếm khuyết cơ thể..), phỏng vấn (kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp) và nghiên cứu tài liệu (ví dụ: giấy khai sinh để xác minh độ tuổi, giới tính…). Đây là hạn chế về mặt phương pháp mà đa số học viên, giảng viên trong lĩnh vực KHXH mắc phải.

- Thiếu quy chuẩn trong NCKH: Trong các bài báo cáo về nghiên cứu khoa học xuất bản ở Việt Nam, phương pháp nghiên cứu thường được trình bày khá sơ sài và không đủ để phản biện thẩm định được chất lượng (quality) của việc lấy mẫu và dữ liệu nghiên cứu, cũng như cách đo lường các khái niệm (concept measurement) và quá trình phân tích (analytical procedure). Các nghiên cứu định lượng thường sử dụng các mẫu nghiên cứu rất nhỏ (dưới 100 trường hợp) và thường không mang tính đại diện và tiêu biểu cho đối tượng nghiên cứu (population) (ngoại lệ là các nghiên cứu thống kê dân số). Kỹ thuật phân tích dùng cho nghiên cứu định lượng còn đơn giản với kỹ thuật phân tích từng biến số một (univariate analysis) dùng cho thống kê mô tả (descriptive statistics) như phần trăm hay tỷ lệ. Sự liên hệ giữa các yếu tố xã hội với hiện tượng quan sát vốn được dùng để giải thích các hiện tượng xã hội thường không được đề cập đến vì thiếu các kỹ thuật phân tích phức tạp dùng hai hay nhiều biến số một lúc (bivariate analysis và multivariate analysis) (Bùi, 2012).

Những thay đổi xã hội gần đây và xu thế NCKH hiện nay ở Việt Nam là cơ hội quý giá để KHXH Việt Nam đóng góp vào kiến thức chung của KHXH thế giới qua việc xuất bản các nghiên cứu xã hội và các khám phá mới từ nghiên cứu trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Vì nghiên cứu được coi là phương tiện để khám phá kiến thức và vì phương pháp nghiên cứu là tiêu chuẩn hết sức quan trọng để được chọn đăng ở các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Để làm được điều đó, các nhà khoa học xã hội Việt Nam, đội ngũ giảng viên và học viên các trường đại học, cao đẳng cần thường xuyên cập nhật kiến thức về NCKH, tiếp cận với phương pháp mới và xu thế NCKH của thế giới. Có như vậy chất lượng NCKH mới được cải thiện để góp phần phát triển nền khoa học của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Best, J.W., & Kahn, J.V. (1998). Research in Education. http://ww2.odu.edu/~jritz/attachments/reined.pdf

Bùi, N.H. (2012). Nghiên cứu xã hội học. Tạp chí Thời đại mới, 25, 23-27

King, N. & Horrocks, C. (2010). Interviews in qualitative research. London: SAGE Publications Limited.

Pramodini, D.V., & Sophia, K.A. (2012). Evaluation of Importance of Research Education. Retrieved from http://indianresearchjournals.com/pdf/IJSSIR/2012/September/1.pdf

Nguyễn, V.T. (2013). Cách viết một báo cáo khoa học. http://www.vncreatures.net/all_news/bc_kh_3.php

Vương, Q. H. (2019, 8 28). Về vai trò của nghiên cứu trong giáo dục Việt Nam thời đại 4.0. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ve-vai-tro-cua-nghien-cuu-trong-giao-duc-viet-nam-thoi-dai-40.html

Vuong, Q. H. (2018). An open database of productivity in Vietnam’s social sciences and humanities for public use. Scientific Data, 5.

Biên tập: Lương Ngọc

 Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một số lỗi/thách thức thường gặp trong các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn