Dạy học theo dự án đối với nội dung Hoá học hữu cơ sử dụng mô hình học tập kết hợp cho học sinh THPT

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, phát triển năng lực tự học của học sinh là nhiệm vụ cấp thiết đối với các cấp học, đặc biệt là ở các trường THPT. Bài viết của nhóm tác giả Nguyen Van Dai và cộng sự tập trung trình bày các kết quả nghiên cứu về phát triển năng lực tự học cho học sinh thông qua việc xây dựng và tổ chức hoạt động dạy học các chủ đề Hóa học hữu cơ lớp 11 theo mô hình học tập kết hợp (blended learning).

Trong chương trình giảng dạy THPT ở Việt Nam, phần Hóa học hữu cơ trong sách giáo khoa Hóa học lớp 11 cung cấp cho học sinh những cơ sở lý thuyết quan trọng và được xem là bước đầu ứng dụng trong việc nghiên cứu dãy đồng đẳng của các hợp chất hữu cơ đơn chức. Nội dung được trình bày trong sách giáo khoa khá rộng và khó nhớ, do đó đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên tổ chức các hoạt động tự học cho học sinh. Phần Hóa học hữu cơ lớp 11 có nhiều nội dung liên quan đến thực tế cuộc sống. Giáo viên cũng có nhiều cơ hội để tổ chức cho học sinh tự học bằng cách tham gia vào các dự án học tập. Đã có nhiều tác giả trong nước nghiên cứu việc áp dụng dạy học theo dự án trong môn Hóa học. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa nhấn mạnh đến vai trò của việc kết hợp giữa hoạt động dạy học trực tuyến với hoạt động trực diện trong việc tổ chức dạy học theo dự án và những ưu điểm của việc này trong việc phát triển năng lực tự học của học sinh. Vì vậy, trong nghiên cứu này đã nêu rõ vấn đề xây dựng và tổ chức hoạt động dạy học các chủ đề hóa học hữu cơ lớp 11 theo mô hình học tập kết hợp phù hợp với điều kiện dạy học ở trường phổ thông nhằm phát triển tính tự học của học sinh năng lực và chứng minh tính hiệu quả của đề xuất này thông qua phân tích dữ liệu thực nghiệm.

©bvisvietnam

Để hiện thực hoá mục tiêu của nghiên cứu, nhóm tác giả đã thiết kế nghiên cứu này theo bốn bước. Bước thứ nhất, nhóm tác giả hướng đến thiết lập mô hình về năng lực tự học của học sinh Trung học phổ thông. Bước thứ hai, các tác giả xây dựng một hệ thống các chủ đề dự án dựa trên phạm vi kiến thức của chương trình Hoá học hữu cơ lớp 11, theo hướng phát triển năng lực tự học của học sinh. Bước thứ ba, xây dựng một quy trình dạy học theo dự án dựa trên mô hình học tập kết hợp, đồng thời lập kế hoạch cho từng tiết học nhằm phát triển tối đa năng lực tự học của học sinh. Bước cuối cùng, các tác giả tiến hành thực nghiệm và xử lý các dữ liệu thu được từ những thử nghiệm đó.

Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông lớp 11 môn Hoá học hữu cơ ở Việt Nam có nhiều liên hệ với thực tế cuộc sống, do đó rất phù hợp với phương pháp giảng dạy theo dự án. Để phương pháp này có hiệu quả, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực tự học của học sinh, cần xây dựng các chủ đề dự án với những câu hỏi nghiên cứu chi tiết, cụ thể. Giáo viên cần đánh giá tính phù hợp của của các chủ đề này trên các phương diện: tính khả thi, độ chính xác, hàm lượng khoa học, v.v… Từ việc áp dụng thực nghiệm 30 dự án như vậy đối với học sinh các trường học ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần tiếp tục nghiên cứu nhằm mở rộng quy mô ứng dụng phương pháp dạy học theo dự án. Các trường cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng và công cụ phục vụ việc giảng dạy thực tế. Ngoài ra, giáo viên cũng cần tìm hiểu điều kiện học tập của từng học sinh do mình phụ trách nhằm đưa ra các phương án học tập phù hợp với mỗi em.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Dai, N. V., Trung, V. Q., Tiem, C. V., Hao, K. P., Anh, D. T. V. Project-Based Teaching in Organic Chemistry through Blended Learning Model to Develop Self-Study Capacity of High School Students in Vietnam. Education Sciences, 11(346). 

Bạn đang đọc bài viết Dạy học theo dự án đối với nội dung Hoá học hữu cơ sử dụng mô hình học tập kết hợp cho học sinh THPT tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19