Các biện pháp phòng, chống và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh Covid -19

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Để chủ động phòng chống và đảm bảo an toàn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh hiệu quả, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây.

Thứ nhất, cung cấp cho trẻ em một số thông tin cần thiết, cơ bản về bệnh COVID-19 để các em nâng cao nhận thức về dịch bệnh COVID-19. Các nội dung cụ thể như:

- Bệnh COVID-19 là gì? Bệnh COVID-19 là một căn bệnh truyền nhiễm do một chủng vi-rút Corona mới phát hiện gây ra. Vi rút Corona là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng viêm phổi cấp, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Trước đây, vi rút Corona đã từng gây nhiều vụ dịch nghiêm trọng như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) vào năm 2002-2003 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS CoV) năm 2012. Đặc biệt, từ tháng 12/2019 đến nay, một chủng vi rút Corona mới là 2019- nCoV gây viêm phổi cấp bắt nguồn từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và có tỉ lệ tử vong cao, lây lan nhanh.

 - Phương thức lây truyền của bệnh COVID-19:

+ Vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây truyền từ người mang vi rút sang người lành qua các con đường sau: Vi rút SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua những giọt bắn từ mũi hoặc miệng của người mang vi rút, phát tán khi ho hoặc thở ra. Nếu hít hoặc nuốt phải những giọt bắn có chứa vi rút SARS-CoV-2 thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đây là lý do tại sao phải cách xa người bệnh hơn 2 mét. Đến thời điểm hiện nay, hình thức này được coi là đường lây lan chính của bệnh.

+ Vi rút SARS-CoV-2 nhiễm vào người lành do tiếp xúc với các vật thể có vi rút trên bề mặt. Những giọt bắn do người mang vi rút phát tán khi ho, hắt hơi, thở ra, rơi xuống các vật thể và các bề mặt xung quanh. Những người khác chạm vào những vật thể hoặc bề mặt này, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ cũng sẽ có nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Khả năng tồn tại của vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường: Trên bề mặt đồ nhựa là 72 giờ; trên bề mặt thép không gỉ là 48 giờ, trên bề mặt bìa carton 24 giờ, trên đồ vật làm bằng đồng là 4 giờ, trong không khí là 3 giờ.

Khử trùng bằng dung dịch 0,1% Sodium Hypochlorite hoặc 60-70% cồn làm giảm đáng kể lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên các bề mặt trong vòng 1 phút.

- Các triệu chứng của bệnh COVID-19: Sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các triệu chứng của bệnh COVID-19 có thể xuất hiện trong vòng 2-14 ngày, trung bình 5 ngày, người bị nhiễm vi rút có thể có các triệu chứng sau: Ho, sốt, khó thở, đau cơ, đau họng, không cảm nhận được mùi, vị không rõ nguyên nhân, tiêu chảy, đau đầu.

Lưu ý: Một số trường hợp có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có ho nhẹ, không có sốt; Các triệu chứng ban đầu thường gặp: mệt mỏi, nhức đầu, đau họng hoặc sốt, mất cảm giác về mùi hoặc hương vị; Các triệu chứng có thể nhẹ lúc ban đầu và nặng dần lên sau 5-7 ngày, với ho và khó thở ngày càng xấu đi, tiến triển thành viêm phổi; COVID-19 có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp nặng, suy thận hoặc tử vong.

- Xử lí tại nhà khi nghi ngờ mắc bệnh COVID-19: Khi khó thở nặng, hãy gọi cấp cứu 115 và nói với họ về các triệu chứng của em. Nếu không có khó thở nặng, gọi cho các đường dây tư vấn của Bộ Y tế (đường dây nóng: 19009095) hoặc các cơ quan y tế địa phương gần nhất và nói về các triệu chứng của bạn qua điện thoại. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo, tư vấn về việc làm xét nghiệm COVID-19. Đối với trường hợp nhẹ hơn, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngơi tại nhà và tự cách li.

- Đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19: Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc COVID-19; Người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính khác phối hợp (như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính,...) có nguy cơ lây nhiễm và tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn; Những người làm công việc tiếp xúc nhiều với nguồn bệnh như nhân viên y tế, nhân viên hàng không, đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng… có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Thứ hai, tăng cường truyền thông cho trẻ các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19

Trước hết là các nguyên tắc cơ bản phòng, chống dịch COVID-19 cho cá nhân: Để phòng bệnh cho bản thân và làm chậm sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, mỗi cá nhân cần thực hiện các hành động phòng ngừa như sau: Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn); Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế; Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lí, xây dựng lối sống lành mạnh; Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi và khó thở, hãy tự cách li tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách li, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ; thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân; Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình tại địa chỉ: https://www.bluezone.gov.vn/.

Tiếp theo là các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng: Nguyên tắc cơ bản để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng là thực hiện cách li theo cơ chế 4 vòng như sau:

- Vòng 1: Cách li và điều trị tại cơ sở y tế những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã có tiếp xúc gần với họ.

- Vòng 2: Cách li tập trung những người đã tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh và người thân của họ.

- Vòng 3: Cách li tại nhà những người đã có tiếp xúc với những người được cách li ở vòng 2.

- Vòng 4: Cách li một cộng đồng có nhiều ca bệnh.

Trong trường hợp ca bệnh được phát hiện trong trường học, nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ ba, giáo dục, giám sát thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với học sinh

Trẻ em mầm non, học sinh thuộc các cấp học thực hành phòng, chống dịch COVID-19 theo 3 giai đoạn: trước khi đến trường, khi ở trường và sau khi rời trường.

Một là, trước khi học sinh đến trường: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 914/BYT-MT ngày 26/2/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học, kí túc xá, nhà trường cần khuyến cáo học sinh trước khi đến trường cần được đo nhiệt độ và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Như vậy đối với trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, các em cần được cha mẹ đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe cho con ở nhà. Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể tự đo nhiệt độ và tự theo dõi sức khoẻ để nhận biết những dấu hiệu không khoẻ. Nếu có sốt, ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học, theo dõi sức khỏe, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Nếu học sinh đang trong thời gian cách li tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế do là đối tượng nghi tiếp xúc với người tiếp xúc gần hoặc sinh sống trong khu vực cách li (thuộc nhóm cách li vòng 3 và vòng 4), cha mẹ cho học sinh ở nhà và thông báo cho nhà trường.

Hai là, trong khi học sinh học tập tại trường: Học sinh cần thực hiện các nội quy sau:

- Rửa tay đúng cách với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên tại các thời điểm: Rửa tay trước khi vào lớp; Rửa tay trước và sau khi ăn; Rửa tay sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; Rửa tay sau khi đi vệ sinh; Rửa tay khi tay bẩn. Trên thực tế hiện nay, nhiều trường học không đủ vòi nước để tất cả học sinh cùng rửa tay sau khi ra chơi hoặc nghỉ giữa giờ. Do đó, nhà trường có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh (hay còn gọi là dung dịch có chứa cồn, nước rửa tay khô) và hướng dẫn học sinh sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trong các thời điểm như trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn, sau khi ra chơi hay nghỉ giữa giờ. Tại các thời điểm sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn, tốt nhất là rửa tay với nước sạch và xà phòng.

- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp); Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; Không đưa tay lên mắt, mũi miệng; Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn…; Không khạc, nhổ bừa bãi; Không tụ tập đông người trong các giờ nghỉ giữa giờ, giờ ra chơi; Nếu thấy bản thân hoặc bạn khác có sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho thầy cô giáo; Đeo khẩu trang đúng cách; Tránh kì thị, xa lánh hay trêu chọc bạn bè; Bỏ rác đúng nơi quy định.

Ba là, sau khi học sinh rời trường: Khi về nhà, học sinh cần thực hiện các nội dung sau: Rửa tay đúng cách thường xuyên với nước sạch và xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (chú ý các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi, sau khi đi học về, sau khi tiếp xúc với vật nuôi, khi thấy tay bẩn); Giữ ấm cơ thể về mùa lạnh. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, không ăn thức ăn nghi không đảm bảo an toàn vệ sinh; Không đưa tay lên mắt, mũi miệng; Giữ bề mặt nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Làm sạch nền nhà, bề mặt bàn học, dụng cụ học tập, tay nắm cửa hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch sát khuẩn; Xúc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp hoặc nước muối loãng; Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, khó thở. Trong trường hợp phải tiếp xúc, cần giữ khoảng cách trên 2m và đeo khẩu trang đúng cách; Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp); Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; Tránh nơi tập trung đông người. Trong trường hợp ra khỏi nhà đến nơi công cộng hoặc đông người, lưu ý việc đeo khẩu trang đúng cách; Không khạc nhổ bừa bãi; Tự theo dõi sức khỏe. Nếu thấy không khỏe, cần chú ý đo nhiệt độ. Khi có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, học sinh cần nghỉ học ở nhà. Trong trường hợp này, cha mẹ học sinh cần báo cáo tình hình sức khỏe của học sinh đến nhà trường.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cha mẹ, giáo viên trong chăm sóc trẻ em để phòng chống dịch COVID-19

- Trước khi trẻ đến trường, cha mẹ đo nhiệt nhiệt độ, theo dõi sức khỏe ở nhà (trẻ lớn có thể tự đo nhiệt độ). Trong trường hợp có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, trẻ em cần được nghỉ học, theo dõi sức khỏe, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Cha mẹ cần thông báo đến thầy cô giáo của con em mình để cập nhật kịp thời tình hình sức khỏe của các bạn trong lớp.

Khi ở trường, giáo viên hướng dẫn trẻ thực hành rửa tay với nước và xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, rửa tay đủ 30 giây theo 6 bước; Thực hành giãn cách bằng cách ngồi/đứng cách xa nhau; thực hành che miệng khi ho, hắt hơi bằng khuỷu tay; thực hành vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; tránh tụ tập nơi đông người, tránh chạm vào người khác khi không cần thiết;

Khi về nhà, trẻ em cần phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường; Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng; Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp); Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; tránh ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Cha mẹ, thầy cô cần tư vấn, động viên trẻ em khi các em cảm thấy lo lắng về tình hình dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì tâm trạng lo lắng xuất hiện ở trẻ em là một điều bình thường, vì vậy khi trẻ tỏ ra lo lắng, hoảng sợ thì thầy cô, cha mẹ cần động viên, chia sẻ để các em cảm thấy an tâm.

Cha mẹ, thầy cô tích cực, chủ động trong việc in ấn, phát tài liệu về phòng chống, dịch COVID-19 cho trẻ em; dán hoặc đặt các tài liệu tại các vị trí tập trung nhiều người qua lại với các nội dung: “Bộ Y tế ra khuyến cáo người dân...”; “Hướng dẫn rửa tay bảo vệ mọi người không bị bệnh”… Hướng dẫn trẻ em đọc các tài liệu liên quan đến tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên các trang thông tin chính thống như: Trang thông tin về dịch bệnh viên đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn/)...; Tài liệu truyền thông hướng dẫn phòng, chống dịch covid-19 dành cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông…

Thứ năm, tổ chức tập huấn trực tuyến cho trẻ em về các tình huống liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Đưa ra các tình huống giả định nếu bị mắc COVID-19 và phải đi cách li tập trung, cách li tại nhà… trẻ cần phải chuẩn bị những gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác.

Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp

Biên tập viên: Trương Văn Thạo

Bạn đang đọc bài viết Các biện pháp phòng, chống và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh Covid -19 tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn