Tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục

Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, cả nước phát hiện 1.349 vụ và 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục. Khoảng 97% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân. Những vụ xâm hại này đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể xác cũng như tinh thần của các em. Đáng lo ngại hơn, xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi và xuất hiện trong cơ sở giáo dục - một môi trường vốn được coi là an toàn, lành mạnh và người xâm hại lại chính là những người dạy dỗ các em.

Trước tình hình thực tế trên, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lí, chỉ đạo, điều hành. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện, các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn... Để tăng cường công tác phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải xác định rõ nguyên nhân khiến các em bị xâm hại tình dục từ đó đề ra một số biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.

Một số nguyên nhân khiến trẻ em bị xâm hại tình dục:

- Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em, cho cha mẹ và các thành viên trong gia đình còn thiếu hiệu quả dẫn tới nhận thức và kĩ năng của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục chưa đúng và chưa đầy đủ.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Khi bị xâm hại tình dục, đa phần các em đều có tâm lí sợ hãi, mặc cảm, tự ti, không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội.

Các em cũng chưa từng được cha mẹ của mình hướng dẫn những kiến thức cơ bản để có thể chủ động phòng tránh xâm hại tình dục. Khi các em bị xâm hại tình dục thì cha mẹ lại e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới, thành nạn tảo hôn, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.

Thứ hai, công tác truyền thông, vận động toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em nói riêng còn thiếu hiệu quả, thiếu sự phối hợp, hỗ trợ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lí, giáo dục và giúp đỡ trẻ em. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ ba, ở một số gia đình, cha mẹ, người lớn tập trung vào việc làm kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em và đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ li hôn, li thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Những khó khăn về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến gia tăng áp lực tâm lí trong đời sống gia đình và xã hội, gây ra các sang chấn tâm lí và hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn.

Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại như sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm... Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Thứ tư, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống. Mặc dù đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lí trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lí thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lí thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Thứ năm, hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Vai trò của cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên công tác xã hội làm việc về trẻ em chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước để bảo đảm quyền hạn pháp lí khi thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo các điều kiện thực hiện quy trình phát hiện, can thiệp sớm, tư vấn, phục hồi tích cực cho mọi trẻ em và tái hòa nhập cho các nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Thứ sáu, sự xuống cấp về đạo đức của một số không ít người cũng là nguyên nhân thường xuyên gây ra tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em. Những kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường là những người không nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thành viên khác trong xã hội. Nhiều trường hợp do coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc do dùng chất kích thích như ma túy, rượu bia hoặc do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực; phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet,… mà bị kích thích, mất kiểm soát hành vi bản thân dẫn đến phạm tội xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, Nhà trường cần tổ chức các hoạt động giáo dục, phổ biến kiến thức về những kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em. Có thể tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi tọa đàm, câu lạc bộ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa…

Khi tổ chức giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em cần tập trung vào các nội dung sau đây:

- Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm: Kĩ năng đầu tiên là kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Vì vậy, nhận biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể để biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác.

- Dạy trẻ không được cho người khác chạm và nhìn vào vùng nhạy cảm (trừ khi là bác sĩ khám, chữa bệnh, cha mẹ tắm rửa cho): Dạy các em biết bảo vệ cơ thể của mình, không cho bất kì ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve nếu các em không thích. Vùng nhạy cảm là của riêng mình, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của mình. Hãy từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến mình thấy khó chịu.

- Dạy trẻ không chạm, không nhìn vào vùng nhạy cảm của người khác: Giống như việc tự bảo vệ cơ thể của mình thì các em cũng chú ý không nên chạm hay nhìn vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt, không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng dụ dỗ.

- Dạy trẻ tránh xa người lạ mặt: Tránh xa những người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kì ai mà mình gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời những nguy hiểm có thể gặp phải khi các em đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ,...

- Dạy trẻ không cho người lạ, người quen của bố, mẹ vào nhà khi ở nhà một mình: Khi ở nhà một mình, các em tuyệt đối là không được cho bất kì người lạ mặt nào, thậm chí là bạn, người quen của bố mẹ vào nhà. Cũng nên chú ý không đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

- Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác: Trường hợp không may bị tấn công, dạy trẻ nên tìm cách chạy trốn. Có thể tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh. Dạy trẻ rằng mọi sự phản kháng của mình gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, chỉ có thể dùng sự thông minh và những kĩ năng mới có thể giúp các em thoát khỏi nguy hiểm. Ngoài ra, các em cũng  nên  ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

- Dạy trẻ báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kì người nào: Các em không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kì kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến mình. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì các em nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Ngoài ra, khi các em không thích tiếp xúc với bất kì người nào thì các em  cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà mình  không thích hay có những hành vi đụng chạm.

Thứ hai, trong gia đình, cha mẹ và các thành viên trong gia đình quan tâm hơn nữa tới mọi mặt của con em mình, có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của các em; tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện.

Cha, mẹ hoặc người giám hộ, nên lưu ý những biểu hiện bất thường của trẻ như rối loạn giấc ngủ, ăn uống, lo âu, sợ hãi, tâm trạng dễ thay đổi, cáu giận bất thường, trốn học hoặc nghỉ học, hay trẻ bỗng dưng có nhiều tiền, quà tặng, điện thoại,… mà không rõ nguồn gốc. Những dấu hiệu này có thể không khẳng định trẻ đang bị xâm hại, nhưng cần trò chuyện nhiều hơn với trẻ để tìm hiểu nguyên nhân hoặc nắm bắt kịp thời tâm lí các em đang cần tìm kiếm sự trợ giúp của cha mẹ, người giám hộ từ những biểu hiện trên. Đồng thời, khi phát hiện trẻ không may đã bị xâm hại tình dục, điều cần thiết trước hết là cha mẹ hay người giám hộ hãy hỗ trợ giúp trẻ lấy lại tinh thần và vượt qua nỗi sợ hãi về tâm lí để có các biện pháp xử lí phù hợp tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thứ ba, nhà trường cần tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội nhằm cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ; tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Thứ tư, các cơ quan chức năng bảo đảm các thông tin, sản phẩm truyền thông, giáo dục về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, xử lí các vụ việc xâm hại trẻ em thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lí nhà nước và cơ quan tư pháp về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại tình dục và xử lí nghiêm minh các vụ việc, vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ năm, cần triển khai hiệu quả Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thứ sáu, công tác bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Các cơ quan chức năng và Tổng đài 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) và các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em đến được từng lớp học, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư.

 

Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp

Biên tập viên: Trương Văn Thạo

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn