“Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân”

“Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân” là chủ đề Hội thảo khoa học do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng 30/6 tại Hà Nội. GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Hội thảo.

GS. TS. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu Đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Minh)

 LẤY TỰ HỌC LÀM CỐT, HỌC KHÔNG BAO GIỜ CÙNG

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS. TS. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh tấm gương sáng của Người về lấy tự học làm cốt, học không bao giờ cùng.

Thông qua Hội thảo khoa học này, cũng như những hội nghị, hội thảo về xây dựng các mô hình học tập, về đa dạng hóa các phương thức học tập, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam muốn truyền đi một thông điệp: tự học là quá trình mỗi người tự giác tìm tòi, học hỏi, tiếp thu, tích lũy những kiến thức bổ ích, có lợi cho cuộc sống cũng như công việc, dựa vào chính khả năng của mình. Từ đó khẳng định tự học là một trong những phẩm chất, năng lực cốt lõi, cần có của một người dân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, nếu mỗi người không có ý thức tự bồi đắp, trang bị, cập nhật kiến thức, tri thức cho bản thân thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí là lạc hậu ngay từ khi tuổi đời còn trẻ.

Nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Việt nam trở thành một trong những đất nước có nền kinh tế số đứng tốp đầu ASEAN, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và tạo các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự học trong nhân dân. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt nam phải trở thành xã hội học tập và không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời.

GS. TS. Nguyễn Thị Doan nhận định: Nhìn lại không khí học tập của nhân dân thời gian qua thông qua việc thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", chúng ta vui mừng khi thấy tinh thần học tập của mọi người đã được nâng lên nhiều. Đa số các gia đình đều nhận thức được tầm quan trọng của sự học nên không ngừng đầu tư cho con cái học hành, bản thân người lớn cũng tìm mọi cách để học bằng nhiều hình thức. Song điều đó chưa thực sự lan tỏa, trở thành phong trào trong cả nước từ thành thị đến nông thôn. Việc “lười học, ngại học” vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - những người đang công tác ở các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện rõ ở năng lực và kết quả thực hiện công việc được giao hàng ngày thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu “độ sâu” trong tư duy...

“Trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ thúc đẩy xây dựng xã hội học tập là nhìn nhận và có giải pháp khắc phục những suy nghĩ lệch lạc về sự học, để góp phần cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt việc xây dựng xã hội học tập, trong đó lấy tự học là một trong những nhân tố quyết định để bồi đắp trí tuệ, kiến thức ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của chính bản thân và xã hội trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau ôn lại những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta về học và tự học...”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.

GS. TS. Nguyễn Thị Doan và GS. TS. Phạm Tất Dong chủ trì Hội thảo.(Ảnh: Hoàng Minh)

Từ chủ đề của Hội thảo, Hội Khuyến học Việt Nam muốn nhấn mạnh và khẳng định lại một thông điệp: Học không bao giờ là muộn. Việc tự học và học suốt đời đã tạo nên một Hồ Chí Minh vĩ đại - danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Vì “Lấy tự học làm cốt” mà Hồ Chí Minh đã không quản khó khăn gian khổ, đã khổ công rèn luyện để có được kho tàng tri thức ở tất cả các lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu của mình, Người đã vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng nhằm hoàn thiện tri thức và nhân cách bản thân. Từ tình yêu nước, từ học tập và tự học, Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu cao cả: giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân... Những vấn đề cốt lõi trong tinh thần tự học của Hồ Chí Minh mà mỗi người cần soi chiếu vào để rút ra bài học cho bản thân là:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh xác định mục tiêu của tự học là để làm cách mạng: giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ mục tiêu lớn lao đó, Người đã xác định học là một nhu cầu; học tập và tự học tập là việc phải làm suốt đời: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Thứ hai, hành trang khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là chủ nghĩa yêu nước với tài sản duy nhất và quý báu nhất là hai bàn tay, đôi mắt, trái tim và khối óc. Tài sản đó ai cũng có, nó vốn tồn tại như một tài sản vô giá của mỗi con người. Song khác nhau là cách ứng xử của mỗi người. Với Bác Hồ thì “thông minh do rèn luyện mà có…”; thái độ học tập của Người là say mê, luôn khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, không dấu dốt. Người cho rằng: “Không ai có thể tự cho mình là đã biết hết rồi” và “Người nào tự cho mình là đã biết đủ rồi, thì người đó là dốt nhất”, “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”...

Thứ ba, phương pháp học tập của Hồ Chí Minh là: có động cơ học tập trong sáng (học để làm cách mạng, học để phụng sự Tổ quôc, phục vụ nhân dân); thiết lập được một kế hoạch cụ thể, khoa học và học một cách sáng tạo, không dập khuôn theo người khác; học ở mọi người; học ở mọi nơi (học ở trường, học trong sách vở, học ở dân và học lẫn nhau).

Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng to lớn và quý giá, một luận điểm quan trọng trong tư tưởng của Người về giáo dục. Đó là những quan điểm và lời chỉ dạy của Ngươi về học tập và tự học. Tự học ở Người là một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc.

TỰ HỌC LÀ YẾU TỐ CƠ BẢN ĐỂ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Thông qua những phân tích và minh chứng về tấm gương và con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những cách tiếp cận khác nhau về khái niệm “tự học”, các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã nêu ra những yếu tố quan trọng của việc xây dựng năng lực tự học một cách thống nhất, đó là:

Tự học làm cốt. Con người phải tự học thông qua sự lựa chọn một cách thông minh về nội dung mình cần. Tự học là động lực bên trong, là yếu tố cơ bản nhất để con người phát triển.

Trường đời là trường đại học lớn nhất đối với mọi người, ở trong đó ai cũng là thầy, ai cũng là trò. Không có cuốn sách nào, tủ sách nào, thư viện nào và trường học nào chứa đựng đủ những tài nguyên giáo dục như trường đời. Điều quan trọng là phải có tâm trong sáng mới học hỏi có chất lượng trong trường đời.

Tích lũy tri thức, tu dưỡng đạo đức là mục đích cao cả của tự học. Mỗi bước phát triển của xã hội đều dựa vào những tri thức mới được nhân loại sáng tạo và sẽ có những giá trị đạo đức mới được hình thành. Vì vậy, tri thức và giá trị đạo đức sẽ ngày càng làm cho tổng kiến thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân.

Truyền thống hiếu học là năng lượng lớn nhất để duy trì tự học. Trong hoàn cảnh khó khăn mà không hiếu học thì không thể có được quyết tâm theo đuổi sự học. Hiếu học thể hiện ở sự bền bỉ học tập hàng ngày.

Toàn tâm, toàn ý tự học để phục nhân dân. Đây là động cơ học tập và tự học của Hồ Chí Minh. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh”, Hồ Chí Minh không hề sao nhãng việc học tập và tự học, học để phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Minh)

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thị Doan khẳng định: với 21 tham luận gửi về Ban Tổ chức Hội thảo và những ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội thảo khoa học “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân” đã cơ bản đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Một là, xây dựng xã hội học tập là thực hiện một xã hội mà trong đó mọi người dân đều phải học tập suốt đời. Tự học tập, tự tu dưỡng là yếu tố cơ bản để việc học tập suốt đời đạt chất lượng cao, bền vững, liên tục.

Hai là, theo Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 và Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ năm 2021, toàn Đảng, toàn dân sẽ bắt tay xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, trong đó yếu tố cốt lõi cho sự thành công là xây dựng mô hình “Công dân học tập”, tức là những công dân có các năng lực cốt lõi để sống, học tập và làm việc trong môi trường số theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Năng lực cốt lõi hàng đầu mà nhiều quốc gia định hướng, trong đó có Việt Nam, chính là năng lực tự học.

Ba là, qua trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, Hội thảo thống nhất cách hiểu khái niệm “tự học”. Cùng với hiểu đúng “tự học” là gì, mỗi người phải nhận thức rõ: làm gì để có thể tự học trong điều kiện và hoàn cảnh sống cụ thể hàng ngày.

Bốn là, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ coi Hội thảo này như một điểm xuất phát để tiến tới một Hội thảo quốc gia về vấn đề tự học, về xây dựng năng lực tự học cho học sinh, sinh viên và người lớn./.

Minh Triết

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Bạn đang đọc bài viết “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân” tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn