Giáo viên Việt Nam quan sát lớp học để hiểu học sinh hơn như thế nào?

Bài viết The classroom observations of Vietnamese teachers: mediating underlying values to understand student learning của nhóm tác giả Atsushi Tsukui và cộng sự được tiến hành với mục tiêu nghiên cứu cách thức các giáo viên Việt Nam thực hiện và duy trì/thay đổi quan niệm của họ về phương pháp quan sát lớp thông qua việc phân tích kinh nghiệm quan sát lớp học của họ, tập trung vào cả những người có quan điểm “bảo thủ” và những người theo quan điểm mới.

Trong các tiết học mà ở đó, học sinh và giáo viên cùng xây dựng và củng cố kiến thức thông qua các tương tác ngẫu nhiên, việc tìm hiểu và nắm bắt được quá trình học tập của học sinh một cách chi tiết tối đa chính là một phần thiết yếu trong công việc của giáo viên. Tầm quan trọng của việc hiểu và nắm bắt được hoàn cảnh đa dạng của từng học sinh đã tạo nên sự chuyển biến trong khái niệm về giáo dục học đường, từ hoạt động lấy giáo viên làm trung tâm sang hoạt động lấy người học làm trung tâm.

Sự thay đổi này và những tác động của nó về mặt chuyên môn của giáo viên trong việc phân tích các tương tác trong lớp học, đã bắt đầu xuất hiện tại các nước đang phát triển và trở thành một vấn đề trọng tâm trong giáo dục sư phạm. Mặc dù Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và là đối tượng của nghiên cứu này, đã thực hiện chương trình giảng dạy lấy người học làm trung tâm được một thời gian, nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể thực hiện chuyển đổi sang cách tiếp cận mới này một cách suôn sẻ hoặc đã áp dụng thành công trong lớp học của họ.

Trong các nghiên cứu trước đây, hành vi quan sát gần như chưa bao giờ đóng vai trò cơ sở chuyên môn cho các nghiên cứu và thực hành giáo dục. Nghiên cứu của nhóm tác giả đã phản ánh thách thức về phương pháp luận này thông qua việc tìm hiểu sự phát triển chuyên môn sư phạm, bằng cách phân tích kinh nghiệm quan sát lớp học của giáo viên, tập trung vào cả những người có quan điểm “bảo thủ” và những người theo quan điểm mới. Sử dụng các dữ liệu quan sát đầu vào dạng âm thanh và video, nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò của việc quan sát lớp học từ góc nhìn chuyên môn của giáo viên. Từ đó, mục đích của nghiên cứu này là thảo luận về cách thức các giáo viên Việt Nam thực hiện và duy trì/thay đổi quan niệm của họ về phương pháp quan sát lớp. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy việc quan sát lớp học để hiểu việc học của học sinh bị ảnh hưởng bởi hai loại giá trị: Giá trị "bám sát kế hoạch/chương trình" cản trở khả năng giáo viên phát triển kiến thức, trong khi giá trị "khám phá" khuyến khích giáo viên phát triển sự hiểu biết về các tương tác lớp học một cách rộng hơn.

Nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu thực tế từ 28 bài trình bày có dùng slide trình chiếu về những gì quan sát được sau khi dự giờ của những người tham gia tập huấn. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số xu hướng đáng chú ý. Đầu tiên, sự chú ý của giáo viên đối với các đối tượng trong lớp học thường phụ thuộc vào hệ giá trị mà người giáo viên đó chú ý hơn cả, thay vì các cơ sở lý luận sư phạm như quan niệm thường thấy. Thứ hai, các nhận xét, quan điểm, cảm nhận thực tế và cách các giáo viên diễn giải chúng sẽ không được phân chia về mặt định tính, bởi cả hai yếu tố này đều bị ảnh hưởng đồng thời bởi hệ giá trị của từng người. Thứ ba, hành vi quan sát của các giáo viên thực chất là một “cuộc hội thoại” giữa việc quan sát thực tiễn và những giá trị mà người đó theo đuổi, tin tưởng. Thứ tư, câu hỏi đặt ra sau nghiên cứu này là liệu có thể có sự dịch chuyển về hệ giá trị xảy ra trong người giáo viên, sau khi thực hiện các quan sát hay không. Và cuối cùng, các tác giả đã xây dựng được mô hình những sự thay đổi trong quan niệm của các giáo viên có thể xảy ra sau quá trình quan sát lớp học.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Atsushi Tsukui, Eisuke Saito, Masaaki Sato, Megumi Michiyama & Masatsugu Murase (2017). The classroom observations of Vietnamese teachers: mediating underlying values to understand student learning. Teachers and Teaching, 23(6), 689-703, DOI: 10.1080/13540602.2017.1284055.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Giáo viên Việt Nam quan sát lớp học để hiểu học sinh hơn như thế nào? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19