Không có ranh giới "trắng - đen" trong xuất bản khoa học nguỵ tạo

Xuất bản khoa học nguỵ tạo đã trở thành một vấn đề chuyên môn nhức nhối đối với các học giả và các tổ chức, cơ sở nghiên cứu và là một mối quan tâm của xã hội nói chung. Sự phát triển mạnh mẽ của các tạp chí khoa học đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc điều gì tạo nên khoa học chính thống, đúng đắn, đồng thời tập trung vào nhiệm vụ xác định và phân định ranh giới giữa các ấn phẩm khoa học trung thực và nguỵ tạo.

Tuy nhiên, với sự phức tạp của xuất bản học thuật - và những yếu tố góp phần tạo nên tính trung thực của khoa học - việc thiết lập một định nghĩa cụ thể cho vấn đề này trở nên vô cùng thách thức. Các loại hình, sự kết hợp và mức độ “giả mạo” của các tạp chí khoa học đang được đưa vào “tầm ngắm” thực tế rất đa dạng; điều này đã đặt ra câu hỏi: liệu có thể định nghĩa “xuất bản nguỵ tạo” một cách rõ ràng với hai đáp án “có” và “không” được hay không?

Xuất bản khoa học nguỵ tạo - “Vấn đề” hay “Đặc trưng”?

Một đặc trưng chính của các mô hình kinh doanh tạp chí truy cập mở là Phí xử lý bài viết (APC). Theo đó, các nhà xuất bản thay vì nhận một khoản phí cố định từ các độc giả hay các cơ quan, tổ chức để truy cập nội dung tạp chí, thì họ sẽ thu phí đối với mỗi bài viết được đăng tải. Điều này dẫn đến một “động cơ” cho các nhà xuất bản: họ có thể sẽ ít cẩn trọng hơn nhằm mục tiêu xuất bản các bài báo càng nhanh càng tốt và do đó, thiếu đi sự kiểm soát chất lượng cần thiết. Vì xét cho cùng, các bài báo bị từ chối đăng vẫn sẽ tốn tiền xử lý của nhà xuất bản nhưng không mang lại doanh thu.

Tuy nhiên, qua quan sát thông thường có thể nhận thấy, nhiều ngành nghề kinh doanh khác cũng áp dụng những mô hình thu lợi nhuận kinh tế tương tự như vậy. Chẳng hạn, một số “hợp đồng thuê bao lớn” trước đây cũng buộc các trường đại học phải trả tiền mua thêm cả những tạp chí mà họ hiếm khi dùng tới. Các khái niệm tương tự về “định giá” hay “cho vay” theo kiểu “săn mồi” này cũng thường chịu những định kiến như thể đó là các hành vi kinh tế phi đạo đức và/hoặc có hại cho xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về việc thế nào là một hành vi kinh tế có đạo đức là một khái niệm có tính chất chủ quan và phụ thuộc nhiều vào bối cảnh cụ thể. Do đó, việc xác định đâu là một ấn phẩm xuất bản nguỵ tạo không thể chỉ dựa trên các quan sát thực nghiệm về các hành vi và kết quả xuất bản ấn phẩm mà còn phải tính đến cả các quan điểm về các chuẩn mực và giá trị học thuật lý tưởng. Với sự đa dạng của các giá trị cá nhân và thể chế trong giới học thuật, không có gì ngạc nhiên khi đã có những cuộc tranh luận gay gắt và cả các cuộc vận động chính trị liên quan đến vấn đề “xuất bản nguỵ tạo”.

Định nghĩa “xuất bản nguỵ tạo”

Để minh họa cho quan điểm này, tác giả đã phân tích 11.450 tạp chí nằm trong Danh sách đen của Tạp chí Cabells để đánh giá các mức độ khác nhau của hoạt động “xuất bản nguỵ tạo”, từ những hành vi nguỵ tạo rõ ràng với nhiều vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn học thuật, chẳng hạn như giả mạo tên các biên tập viên hay hệ số tác động, đến các vi phạm ở mức độ vừa phải hoặc nhẹ hơn, chẳng hạn như đạo văn một cách cẩu thả hay trang web tạp chí lâu ngày không được cập nhật. Như Hình 1 cho thấy, một loạt các tạp chí và nhà xuất bản trong danh sách đen của Cabells có các mức độ vi phạm khác nhau.

Hình 1. Các vi phạm trung bình của tạp chí nằm trong danh sách đen của Cabells (màu đỏ: vi phạm nghiêm trọng, màu vàng: vi phạm vừa, màu xanh: vi phạm nhỏ)

Điều này đặt ra câu hỏi về việc xác định ranh giới giữa xuất bản học thuật trung thực và nguỵ tạo như thế nào. Vấn đề phức tạp hơn nữa là có nhiều loại hình và cách thức kết hợp khác nhau của sự nguỵ tạo. Hình 2 minh họa một mạng lưới các vi phạm cùng xảy ra trong danh sách đen của Cabells, cho thấy có nhiều hình thức vi phạm khác nhau kết hợp trong nền xuất bản học thuật hiện đại. Sự đa dạng và phức tạp về mức độ và loại hình xuất bản nguỵ tạo khiến việc xác định ranh giới theo kinh nghiệm và các quy chuẩn trở thành một thách thức đáng kể.

Hình 2. Mạng lưới các vi phạm xảy ra đồng thời ở các tạp chí nằm trong danh sách đen của NXB Cabells

Những phát hiện này làm nổi bật mức độ mơ hồ lớn trong lĩnh vực xuất bản học thuật, bởi lẽ sự bất bình đẳng có thể tồn tại cả trong nội bộ một tổ chức xuất bản và giữa các tổ chức xuất bản khác nhau, nơi cho ra lò những tạp chí có chất lượng và tính chuẩn mực khác nhau, và giữa các tạp chí xuất bản các bài báo có chất lượng chuyên môn tốt và các tạp chí chuyên đăng tải các công trình “nguỵ tạo”.

Khắc phục sự mơ hồ

Xuất bản học thuật vừa là hoạt động chuyên môn, vừa là hoạt động kinh tế; sự trung thực về chuyên môn của các công trình nghiên cứu được củng cố bằng cách cân bằng một cách hợp lý giữa hai khía cạnh thường cạnh tranh này. Để đảm bảo tính trung thực của xuất bản học thuật, trong mọi hoàn cảnh, các chức năng học thuật không thể bị hy sinh vì các lợi ích kinh tế.

Vai trò của quy trình phản biện là chìa khóa cho vấn đề này. Mặc dù là yếu tố cần thiết đối với chất lượng của một tạp chí, phản biện thường là một quy trình không rõ ràng, trong đó bản thân thương hiệu của tạp chí đóng vai trò như một minh chứng về chất lượng và độ tin cậy của các công trình đăng tải trên đó. Và để khiến cho vấn đề trở nên phức tạp thêm, một số tạp chí “nguỵ tạo” cũng tiến hành một số bước phản biện, trong khi số khác thì không. Ngoài ra, còn có sự nhầm lẫn về các tiêu chuẩn phản biện khác nhau được các nhà xuất bản quyền truy cập mở quy mô lớn áp dụng.

Cả các học giả và các nhà xuất bản đều được hưởng lợi nếu có một định nghĩa rõ ràng về các “tạp chí nguỵ tạo”. Đối với các học giả và cơ sở nghiên cứu, những định nghĩa như vậy mang lại tính hợp pháp về trí tuệ và uy tín nghề nghiệp cho các nhà nghiên cứu, phục vụ việc tuyển dụng và bổ nhiệm. Trong khi đó, cả các nhà xuất bản mới nổi và lâu năm đều phải cạnh tranh để giành thị phần trong ngành xuất bản học thuật trị giá hàng tỷ USD.

Việc đánh giá các trường hợp nguỵ tạo trắng - đen rõ ràng là một điều tương đối đơn giản. Vấn đề là làm thế nào các học giả, nhân viên thư viện và các cơ sở nghiên cứu “xử lý” những mảng màu xám - những vấn đề chưa rõ ràng - và vạch ra ranh giới kinh tế và chuyên môn giữa “trung thực” và “giả mạo” trong nền xuất bản hiện đại sẽ là một thách thức lớn hơn và sâu sắc hơn nhiều.

Vân An lược dịch

Nguồn

Kyle Siler (2020). There is no black and white definition of predatory publishing. The London school of Economics and Political Sciences. 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Không có ranh giới "trắng - đen" trong xuất bản khoa học nguỵ tạo tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn