Kỹ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Thảo luận (Discussion)

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương về viết phần Thảo luận (Discussion), phần có ý nghĩa nhất của một bài báo khoa học. Trong phần này, tác giả phải bàn luận kết quả nghiên cứu của mình trong sự tương quan và mối liên hệ với các nghiên cứu khác.

Thảo luận hay bàn luận (Discussion) là phần quan trọng nhất của một bài báo khoa học, và cũng được coi là phần khó viết nhất. Thông tin quan trọng nhất không phải là kết quả nghiên cứu chỉ ra điều gì mà là kết quả nghiên cứu có ý nghĩa như thế nào.

Mục đích của Thảo luận là để diễn giải và mô tả tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trong sự tương quan với những gì đã biết về vấn đề nghiên cứu và để giải thích những phát hiện mới từ nghiên cứu của bạn (Belcher, 2019; Omori, 2017).

Những nội dung chính được trình bày trong phần Thảo luận bao gồm:

- Trình bày những kết quả nghiên cứu chính.

- Giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của những kết quả nghiên cứu vừa nêu.

- So sánh những kết quả nghiên cứu này với những nghiên cứu trước đây (mỗi nhóm kết quả nghiên cứu chính + so sánh/kết nối với các nghiên cứu trước đây nên được trình bày trong một đoạn văn).

- Xem xét những cách giải thích khác kết quả nghiên cứu (có thể qua việc đưa ra mô hình mới hoặc giả thuyết mới) hoặc ở đây trình bày kết quả nghiên cứu mà các nghiên cứu trước chưa có hoặc phát hiện ra.

Ngoài ra, những nội dung dưới đây cũng có thể được trình bày trong phần Thảo luận. Cũng lưu ý là những nội dung này có thể đưa vào phần Kết luận – Conclusion) (Belcher, 2019; Omori, 2017).

- Trình bày các khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu (implications).

- Bàn qua những hạn chế của nghiên cứu (limitations).

- Đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai liên quan (future research).

Điều quan trọng nhất trong Thảo luận là bạn phải kết nối được kết quả nghiên cứu của bạn với những nghiên cứu trước đây (bao gồm cả việc chỉ ra những khám phá mới trong nghiên cứu của bạn mà các nghiên cứu trước chưa có) (Belcher, 2019). Nói cách khác, trong phần Thảo luận bạn cần làm rõ những kết quả từ nghiên cứu của bạn và sự diễn giải những kết quả này được hỗ trợ thế nào, phù hợp thế nào, hoặc liên quan thế nào với những kết quả của các nghiên cứu khác (Annesley, 2010).

Một điều bạn cần lưu ý là tránh viết phần Thảo luận như một phần Kết quả nghiên cứu mở rộng. Tức là bạn chỉ trình bày lại kết quả nghiên cứu hoặc diễn giải kết quả nghiên cứu mà không có sự kết nối nào với các nghiên cứu trước đây. Thay vì đó, bạn cần tập trung vào việc giải thích các kết quả nghiên cứu của bạn và ý nghĩa của chúng trong mối quan hệ với vấn đề nghiên cứu, với kết quả của các nghiên cứu khác chứ không phải bản thân dữ liệu.

Với tính chất quan trọng như vậy, phần Thảo luận thường chiếm ¼ (một phần tư) bài báo. Với bài viết có độ dài 4000-8000 từ thì phần Thảo luận có thể có độ dài tương ứng là 1000-2000 từ.

Tài liệu tham khảo

Annesley, T. M. (2010). The discussion section: Your closing argument. Clinical Chemistry, 56(11), 1671-1674.

Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: A guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

Omori, K. (2017). Writing a discussion section. In M Allen (Eds.), The SAGE encyclopedia of communication research methods (pp. 1884-1886). https://dx.doi.org/10.4135/9781483381411

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

 

Bạn đang đọc bài viết Kỹ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Thảo luận (Discussion) tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn