Đâu là “sự thật” trong bối cảnh tin giả tràn lan?

Những thông tin sai lệch hiện đang bủa vây chúng ta và xuất hiện dưới nhiều hình thức như trong những tin đồn chưa được kiểm chứng, quảng cáo bị thổi phồng quá mức, thậm chí ngay cả trong tin tức hằng ngày. Vậy làm thế nào để mọi người biết được nên hay không tin những thông tin gì? Đây cũng chính là vấn đề được đặt ra trong nghiên cứu của các tác giả Nadia và Elizabeth (Mỹ) với tiêu đề “Judging Truth”. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annual Review of Psychology (Q1 Scopus).

Theo Nadia và Elizabeth, những thông tin phản ánh đúng sự thật là sản phẩm của các suy luận rút ra từ ba loại thông tin: các đánh giá cơ sở của thông tin, cảm giác của người tiếp nhận và truyền bá thông tin và tính nhất quán của thông tin chúng ta lan truyền với những thông tin được chúng ta lưu trữ trong đầu.

Thứ nhất, con người thường có khuynh hướng chấp nhận các thông tin được truyền tới chúng ta, bởi đại đa số các thông tin được chuyển tới chúng ta từ môi trường là đúng sự thật. Thứ hai, con người thường cho rằng cảm xúc, chẳng hạn như cảm giác dễ dàng tiếp nhận một thông tin nào đó, là bằng chứng cho tính tin cậy của thông tin. Và thứ ba, mọi người có thể (nhưng không phải luôn luôn) phải cân nhắc liệu những nhận định của chúng ta có trùng khớp với các dữ kiện và nguồn thông tin được lưu trữ trong bộ nhớ của chúng ta hay không. Nghiên cứu dự đoán rằng một số thông tin mang tính chất “ảo tưởng”, “không có thật”, “huyễn hoặc” là những tác nhân chính dẫn đến sự bối rối trong tiếp nhận thông tin của con người, gợi ý một số phương pháp để sửa chữa một số quan niệm sai lầm nhưng tồn tại rất lâu trong nhận thức của mọi người, và chỉ ra tầm quan trọng của việc hội tụ các manh mối trong một thế giới “hậu sự thật”, nơi mà những tin tức giả dối lại có khả năng lan truyền xa hơn và nhanh hơn sự thật.

Có ước tính cho rằng mọi người trên thế giới sẽ “tiêu thụ” tin giả nhiều hơn tin thật vào năm 2022, một viễn cảnh đáng sợ nhưng rất phù hợp với những xu hướng đang diễn ra trên mạng xã hội hiện tại; các thông tin sai sự thật giờ đây đã “thắng thế” so với tin “đúng sự thật” trên mạng xã hội Twitter. Nhưng nếu ngay cả tin giả bây giờ cũng đem lại cảm giác “xuôi tai”, “dễ nghe” cho mọi người nữa, thì chúng ta sẽ chuyển sang sử dụng những dấu hiệu nào khác để đánh giá đâu là sự thật, đau là không? Các nhà tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu rất nhiều về sự “xuôi tai”, trôi chảy trong từ ngữ: Nó định hình những “sự thật” (theo nhận thức chủ quan của mỗi người) qua sự chậm trễ kéo dài trong việc cung cấp thông tin đúng sự thật. Và đó là lúc tin tức từ những nguồn không chính thống xuất hiện và chiếm ưu thế, ngay cả trong số những người được cho là “thông minh”, mặc dù có thể họ có những nền tảng kiến thức trái ngược nhau. Nhưng sự trôi chảy chỉ là một trong những phương pháp để suy luận đâu là sự thật; mọi người cũng rút ra suy luận từ các loại “cảm giác” khác, từ những thực tế cơ sở và dựa trên việc so sánh với những thông tin họ biết, nhớ và tin tưởng từ trước đó.

(Ảnh: sites.bu.edu)

Khung nghiên cứu rộng hơn như trên cho thấy sự cần thiết phải có thêm các mô hình giúp xác định “sự thật”. Các mô hình đa thức hiện tại đặt hai quá trình nhận thức chống lại nhau. Unkelbach & Stahl (2009) đã chứng minh rằng mọi người thường dựa vào sự trôi chảy để đánh giá tính chính xác của thông tin khi họ quên mất (hoặc không thể tiếp cận được) nguồn tin. Các tác giả cũng tập trung phân tích hai quy trình trong mô hình về “sự trôi chảy” có điều kiện và nhận thấy rằng con người thường tìm đến những kiến thức đã có trong bộ nhớ của mình khi họ gặp phải những thông tin mà họ cho là không trôi chảy, không “xuôi tai”. Mặc dù vậy, nhưng các mô hình này lại thường ít hiệu quả khi đánh giá các tình huống nơi có nhiều yếu tố cùng hội tụ và tác động đến nhận thức của chủ thể. Chẳng hạn, trong các đại lý ô tô, người mua có thể bắt gặp các câu khẩu hiểu quen thuộc như “Được thiết kế để di chuyển tinh thần con người” (sự trôi chảy) kèm theo ảnh minh hoạ (thực tế), các dữ liệu về khả năng tiết kiệm nhiên liệu (kiến thức), lưu ý rằng người bán hàng sẽ nhận được một khoản hoa hồng (nguồn thông tin), và việc bản thân họ cảm thấy hứng thú (sức ảnh hưởng). Làm thế nào để người tiêu dùng đánh giá liệu những lời quảng bá về một chiếc xe có đúng sự thật hay không và cuối cùng quyết định mua nó hay không? Khách hàng có thể cân nhắc tất cả năm yếu tố trên ngang nhau, hoặc so sánh các lý do khiến một thông tin dường như đúng hoặc sai. Hay nói cách khác, mọi người có thể “tận dụng thứ tốt nhất” từ các thông tin và bỏ qua các dấu hiệu khác (chẳng hạn như động cơ của người bán hàng). Giảm thiểu lượng thông tin tiếp nhận vào là điều cần thiết trong trường hợp người nào đó dễ bị phân tâm hoặc đối với những người lớn tuổi, những người thường có xu hướng cân nhắc ít yếu tố hơn và thích ít lựa chọn hơn khi đưa ra quyết định. Trong tương lai, lĩnh vực này cần phải xem xét các quá trình giao thoa giữa nhận thức, tình cảm và xã hội, những yếu tố khiến cho sự giả dối có thể tin vào một thế giới hậu sự thật.

Vân An lược dịch

Nguồn

Nadia, M. B. & Elizabeth, J. M. (2020). Judging Truth. Annual Review of Psychology. 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Đâu là “sự thật” trong bối cảnh tin giả tràn lan? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19