Trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, Jay Van Bavel, một nhà tâm lý học công tác tại Đại học New York, muốn xác định các yếu tố xã hội nào có thể được sử dụng để dự đoán một cách hiệu quả nhất sự ủng hộ của một người nào đó đối với các biện pháp sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như biện pháp giãn cách xã hội hay đóng cửa tạm thời các nhà hàng. Ông đã đăng tải vài dòng mô tả về ý tưởng nghiên cứu này trên mạng xã hội Twitter vào tháng 4 vừa qua, đồng thời đưa ra lời mời các nhà nghiên cứu khác cùng tham gia. Hơn 200 nhà khoa học đến từ 67 quốc gia đã tham gia vào dự án này. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thu thập được dữ liệu của hơn 46.000 người. “Đó là một sự hợp tác lớn. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về tổng thể, những người coi trọng vai trò của bản sắc dân có tỉ lệ ủng hộ các chính sách y tế công cộng hơn,” ông tiết lộ. Nghiên cứu này hiện đang ở giai đoạn phản biện.
Đối với các nhà khoa học xã hội, đại dịch COVID-19 đã mang đến một cơ hội độc nhất vô nhị - một thí nghiệm tự nhiên “như một lát cắt ngang qua tất cả các nền văn hóa và các nhóm kinh tế xã hội”, Andreas Olsson, nhà tâm lý học công tác tại Viện Karolinska (Stockholm, Thuỵ Điển) cho biết. Mọi người đều đang phải đối mặt với những mối đe dọa về sức khỏe và sinh kế như nhau, “vì vậy chúng tôi có thể quan sát cách mọi người phản ứng với những vấn đề này khác nhau như thế nào tùy thuộc vào nền văn hóa, nhóm xã hội của mỗi người và sự khác biệt của từng cá nhân”, ông nói. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể so sánh hành vi của mọi người trước và sau khi có những thay đổi chính sách lớn, hoặc nghiên cứu về các luồng thông tin và sự tiếp nhận các thông tin sai lệch của mọi người.
Đại dịch này xảy ra trên quy mô toàn cầu, do đó đã giúp tụ họp các nhóm xã hội từ khắp nơi trên thế giới trong một bối cảnh chung, gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Và với một mối quan tâm chung, gần như đồng thời, các nhà nghiên cứu có thể thử nghiệm các ý tưởng và biện pháp can thiệp nhanh hơn so với trước đây. Đồng thời, đại dịch cũng buộc nhiều nhà khoa học xã hội phải điều chỉnh phương pháp nghiên cứu của họ trong thời điểm mà các cuộc phỏng vấn và thử nghiệm trực tiếp trên một số lượng lớn người dân gần như là không thể. Một số người kỳ vọng rằng những thay đổi do đại dịch mang lại có thể tồn tại lâu hơn sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc, và thậm chí có thể giúp thay đổi lĩnh vực này vĩnh viễn.
(Ảnh: sites.bu.edu)
Trước khi ý tưởng của Van Bavel nhận được sự ủng hộ và hợp tác rầm rộ của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, bản thân ông và một nhóm hơn 40 nhà nghiên cứu đã cùng nhau vạch ra những phương hướng mà các nghiên cứu hành vi có thể cung cấp thông tin và góp phần cải thiện cách chúng ta phản ứng với đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra, vào thời điểm mà tất cả mọi người đều đang sợ hãi, hoài nghi và bị “choáng ngợp” trước quá nhiều luồng thông tin. Các nhà khoa học đã tìm hiểu các công trình nghiên cứu tiến hành trước đây, nhất là những nghiên cứu thực sự đã có những tác động đến chính sách, sau đó xác định các dự án tiềm năng liên quan đến các chủ đề như: nhận thức về các mối đe dọa, ra quyết định và giao tiếp khoa học...
Nhiều nhà nghiên cứu rất kỳ vọng sớm được áp dụng các nghiên cứu của họ trong việc tìm hiểu phản ứng của công chúng đối với các biện pháp như giãn cách xã hội hay bắt buộc đeo khẩu trang. Trong cuộc khảo sát với hơn 46.000 người tham gia, Van Bavel và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện rằng những quốc gia nơi người dân ủng hộ nhất các biện pháp phòng ngừa Covid-19 thường cũng chính là những quốc gia nơi người dân có ý thức đoàn kết và gắn kết cộng đồng cao. Một số công trình nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc ai là người đưa ra thông điệp phòng chống dịch là điều thực sự quan trọng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng việc sắp xếp thông điệp với các giá trị của người nhận hoặc làm nổi bật sự chấp thuận của xã hội cũng có những ảnh hưởng nhất định. Michele Gelfand, nhà tâm lý học công tác tại Đại học Maryland (Mỹ), thuộc nhóm điều hành một 'giải đấu can thiệp' để xác định các phương thức truyền thông về việc đeo khẩu trang có sự khác biệt như thế nào giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ và tự do ở Hoa Kỳ.
Theo Katherine Milkman, nhà nghiên cứu hành vi tại Đại học Wharton: cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà nghiên cứu sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với nhau hơn. Và tốc độ xuất bản và thực hiện các nghiên cứu cũng đã tăng nhanh. “Tôi đã viết một bài báo khoa học về một số phát hiện của chúng tôi trong suốt một tuần, qua cả những ngày nghỉ lễ Giáng sinh,” cô nói và cho biết thêm rằng công việc này thông thường kéo dài tới mất vài tháng. Milkman cũng chia sẻ thêm rằng những hạn chế mà COVID-19 đem lại đã góp phần thúc đẩy chuyển biến trong khoa học xã hội theo hướng tích cực.
Vân An lược dịch
Nguồn
Christie Aschwanden (2021). How COVID is changing the study of human behaviour. Nature.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.