Kĩ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Đặt vấn đề (Introduction)

Cấu trúc 5 nội dung và “theo hình phễu” của một phần Đặt vấn đề tốt: bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương.

Đặt vấn đề (Introduction) là phần chính đầu tiên của một bài báo khoa học. Đây là phần bạn giải thích với độc giả tại sao bài viết của bạn, vấn đề nghiên cứu của bạn thực sự thú vị và đáng để đọc. Đặt vấn đề đóng vai trò định hướng cho độc giả, cung cấp những khía cạnh ban đầu họ cần biết để từ đó có thể hiểu được những thông tin chi tiết sẽ được thảo luận đến ở những phần sau. Mục đích chính của phần Đặt vấn đề là cung cấp đủ thông tin cho độc giả để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu và những lập luận của bạn (Belcher, 2019).

Có nhiều cách để viết phần Đặt vấn đề. Tuy nhiên, cách tiếp cận triển khai phần Đặt vấn đề theo hình phễu (funnel-shaped introduction, Hình 1) được cho là hợp lý và được nhiều người sử dụng. Theo cách này thì những khía cạch chung nhất liên quan đến nghiên cứu sẽ được trình bày trước. Tiếp đó, qua từng câu và từng đoạn văn, nội dung thông tin sẽ được trình bày hẹp dần và chi tiết hơn.

Hình 1. Cấu trúc hình phễu phần Đặt vấn đề trong bài báo khoa học

Cấu trúc phần Đặt vấn đề gồm 5 nội dung/ thành tố (component) được nhiều người áp dụng. Cụ thể:

- Nội dung 1: Trình bày thông tin chung về lĩnh vực hoặc chủ đề nghiên cứu (broad theme or topic of the study) hoặc trình bày về bối cảnh nghiên cứu (background).

- Nội dung 2: Trích dẫn những thông tin cụ thể hơn của các nghiên cứu trước đây liên quan đến nghiên cứu của bạn (cite the most important previous studies that are relevant to your research). 

- Nội dung 3:  Chỉ ra những khoảng trống (gap) hay những điểm, những vấn đề mà các nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến hoặc những điều cần nghiên cứu thêm. Từ đó, trình bày đóng góp chính (main contribution) mà nghiên cứu của bạn hướng đến.

- Nội dung 4: Trình bày rõ ràng những điểm sau: (1) vấn đề hoặc câu hỏi nghiên cứu trọng tâm (core research problem/question); (2) những mục tiêu nghiên cứu cụ thể (specific research objectives); và (3) bối cảnh (context) mà trong đó nghiên cứu được triển khai.

- Nội dung 5 (có thể không cần): Trình bày phác thảo những nội dung chính các phần tiếp theo của bài báo (outline the structure of the rest of the paper).

Tất nhiên không phải phần Đặt vấn đề nào cũng thể hiện rõ và tách biệt được 5 nội dung trên. Các nội dung này có thể nằm đan xem nhau hoặc hai nội dung có thể được tích hợp với nhau.

Lưu ý là phần Đặt vấn đề thường chiếm 1/8 bài báo. Như vậy, với các bài viết có độ dài 4000 – 8000 từ thì phần Đặt vấn đề có thể có độ dài 500 – 1000 từ tương ứng.

Tài liệu tham khảo

Belcher, W. L. (2019). Writing Your Article in 12 Weeks: A Guide to Academic Publishing Success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

 

Bạn đang đọc bài viết Kĩ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Đặt vấn đề (Introduction) tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn