Một số tiêu chí lựa chọn công cụ kĩ thuật số trong dạy học Toán học

Trong bối cảnh hiện tại, mặc dù nhiều trường học đang triển khai học tập trực tuyến, hoặc đã quay trở lại với lớp học trực tiếp hay kết hợp cả hai thì việc sử dụng công cụ kỹ thuật số vẫn được cho là hết sức cần thiết, ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Để giúp cho việc giảng dạy Toán học hiệu quả, trong quá trình lựa chọn một số công cụ kỹ thuật số để đưa vào sử dụng, Nell McAnelly đã khuyến nghị các giáo viên cần phải xem xét và cân nhắc một số điểm sau đây khi lựa chọn các công cụ kĩ thuật số trong dạy học Toán.

Giá trị: Xác định rõ mục đích của công cụ kỹ thuật số trong các ngữ cảnh cụ thể. Nó sẽ được sử dụng để giới thiệu, khơi gợi sự tò mò, dạy bài mới, củng cố, hay đánh giá việc học? Công cụ có đưa ra cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề và nó có

cần thiết hay không? Chẳng hạn, giáo viên có thực sự cần một phần mềm để vẽ đồ thị cho việc dạy một bài toán số học đơn giản không?

Tính dễ sử dụng: Learning curve (đường cong học tập) là gì? Công cụ này có dễ sử dụng (cho cả giáo viên và học sinh) và có đáng tin cậy không? Nếu mất quá nhiều thời gian để đăng nhập hoặc nếu trang web bị lỗi do quá nhiều người dùng, thì có đáng để đầu tư thời gian (hoặc tài chính) không? Giáo viên và học sinh cần những công cụ giúp nâng cao việc giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn, không khó khăn và phức tạp.

Phục vụ mục tiêu học tập: Khi giáo viên lựa chọn công cụ, hãy cân nhắc xem công cụ này có phù hợp với chương trình học hay không, để tránh trường hợp học sinh phải tiếp thu nhiều thông tin không cần thiết. Ví dụ, việc sử dụng công cụ Cuisenaire rods với những thao tác đầy màu sắc được sử dụng trong việc dạy học phân số. Tuy nhiên, nếu chúng không nằm trong chương trình giảng dạy, việc sử dụng phiên bản ảo có thể gây nhầm lẫn cho sinh viên và gây ra nhiều rắc rối thay vì mang đến những giá trị hữu ích.

Công bằng: Khoảng cách kỹ thuật số là có thật, và việc dạy và học trong thời kỳ đại dịch bộc lộ sự bất bình đẳng sâu sắc giữa học sinh và các nguồn lực mà họ sẵn có. Do đó, nếu giáo viên giới thiệu các công cụ kỹ thuật số mà buộc học sinh phải truy cập chúng từ nhà cũng như trong lớp học, thì phải đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có quyền và có thể truy cập.

Chất lượng: Mỗi công cụ lại có những chất lượng khác nhau. Bởi vậy, trong quá trình lựa chọn công cụ, giáo viên nên cân nhắc một số câu hỏi sau:

- Công cụ có phù hợp về mặt phát triển không? Đôi khi phù hợp về mặt nội dung hoạt động nhưng cơ chế phân phối thì không. (Ví dụ, hãy tưởng tượng một bài tập toán yêu cầu một đứa trẻ nhỏ phải sử dụng kéo trong khi thực tế chúng chưa đủ sự khéo léo để làm điều đó.)

- Nó có cung cấp những nhiệm vụ có ý nghĩa thay vì bắt học sinh phải làm những công việc tẻ nhạt không?

- Nó có giúp cá nhân hóa việc học và cho phép học sinh làm việc thông qua các vấn đề không?

- Các câu trả lời và phản hồi có được điều chỉnh cho phù hợp với câu trả lời của học sinh và không được trình ra trước khi học sinh giải quyết xong vấn đề - tương tự như câu trả lời ở phía sau sách giáo khoa không?

- Người thuyết trình và người viết là ai?

- Công cụ đó có an toàn cho người sử dụng hay không?

Thế hệ học sinh đang đi học hiện nay đã lớn lên cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ. Nó đã tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ từ giải trí, giao tiếp đến học tập. Học tập kỹ thuật số có một vai trò quan trọng và các giáo viên cần có trách nhiệm quản lý các công cụ kỹ thuật số, cũng như tích hợp chúng một cách hiệu quả trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Cuối cùng, lưu ý rằng, công nghệ sẽ hỗ trợ giáo viên nhưng không phải thế chỗ của họ; giáo viên, học sinh vẫn là “trái tim” của lớp học. 

Vân An lược dịch

Nguồn

Nell McAnelly (2021). How to Select Effective Digital Math Tools. Edutopia.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một số tiêu chí lựa chọn công cụ kĩ thuật số trong dạy học Toán học tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn