Vì sao các nhà nghiên cứu không tự sửa chữa những sai sót của mình trong hồ sơ khoa học?

Bình luận về dự án ‘Loss-of-Confidence’, một nghiên cứu về sự tự điều chỉnh của các nhà tâm lý học, Julia M. Rohrer cho rằng trên thực tế, việc tự điều chỉnh trong nghiên cứu đã xuất bản diễn ra không thường xuyên và còn mất một khoản cho ‘chi phí’ danh tiếng.

Sửa chữa những sai lầm dựa trên dữ liệu mới và cập nhật những phát hiện mới thường được coi là đặc điểm chính của nghiên cứu khoa học. Bình luận về dự án ‘Loss-of-Confidence’ (Mất tự tin), một nghiên cứu về sự tự điều chỉnh của các nhà tâm lý học, Julia M. Rohrer cho rằng trên thực tế, việc tự điều chỉnh trong nghiên cứu đã xuất bản diễn ra không thường xuyên.

Cuộc khủng hoảng nhân bản đã làm lung lay sự hiểu biết của chúng ta về những nghiên cứu nghiêm ngặt trong khoa học xã hội. Các thực tiễn đã từng phổ biến - chẳng hạn như lấy mẫu nhỏ, hoặc phân tích lại dữ liệu trên diện rộng cho đến khi đạt được hiệu quả đáng kể - giờ đây đã bị loại bỏ. Nhưng, điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà nghiên cứu độc lập đang đối mặt với những sai sót trong hồ sơ nghiên cứu của chính họ? Trong lĩnh vực tâm lý học, nhiều tác giả đã quyết định giữ im lặng. Các nghiên cứu mới có thể được tiến hành theo các tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhưng những gì đã xảy ra trong quá khứ vẫn là quá khứ.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không phải là trở ngại cho sự tự điều chỉnh, mà còn có thể diễn ra với quy mô tập thể ngay cả khi các tác giả giữ im lặng về các vấn đề liên quan tới các cuộc điều tra trong quá khứ, và ngay cả khi họ cố chấp bám vào những phát hiện trước đó có vấn đề. Việc tự điều chỉnh trong khoa học có thể hiệu quả hơn nhiều nếu các tác giả sẵn sàng thảo luận cởi mở các vấn đề với các nghiên cứu trước đây của họ. Ví dụ: nếu ai đó tiết lộ rằng một phát hiện đã xuất bản được chọn từ một số lượng lớn các phép so sánh thống kê, thì điều này có thể thông báo cho những người khác đang có kế hoạch xây dựng nghiên cứu này hoặc những người dự định khai thác nhân rộng nó. Nhưng liệu các nhà tâm lý học có sẵn sàng tiết lộ những thông tin như vậy không?

Nhóm nghiên cứu đã khởi động một trang web mà trên đó chúng tôi mời các nhà nghiên cứu gửi một báo cáo mô tả cách họ cảm thấy ‘mất niềm tin’ vào một trong những phát hiện được công bố của chính họ. Kết quả là đa số không có tác giả nào cho rằng họ thực sự mất niềm tin. Quá trình thực hiện diễn ra rất chậm và sau nhiều lần trưng cầu, chúng tôi chỉ thu thập được 13 bản trong suốt hơn một năm. Một cuộc khảo sát ẩn danh tiếp tục được thực hiện nhằm truy vấn các nhà nghiên cứu dựa trên lĩnh vực của họ. Gần một nửa số người được hỏi đã mất niềm tin vào một phát hiện đã được công bố trước đây, và trong số này, khoảng một nửa tin rằng điều này là do sai lầm hoặc thiếu sót trong nhận định của bản thân các nhà nghiên cứu.

Đa số cho rằng họ mất tự tin không liên quan đến việc có được công chúng ghi nhận, mà lý do rất đa dạng. Hơn một nửa số người được hỏi không chắc chắn về chủ đề sẽ tiếp tục dưới bất kỳ hình thức nào; gần một nửa tin rằng việc tiết lộ công khai là không cần thiết vì phát hiện của họ không thu hút được nhiều sự chú ý; nhiều người lại lo lắng về cảm xúc của đồng tác giả. Nhìn chung, có vẻ như sự mất niềm tin xảy ra thường xuyên, nhưng hiếm khi được báo cáo do không chắc chắn về cả vấn đề cơ bản và cách tốt nhất để tiếp tục.

Danh tiếng cũng đóng một vai trò nhất định. Khoảng một phần tư số người trả lời khảo sát của chúng tôi cho biết lo ngại về cách thức công khai sự mất tự tin sẽ được nhìn nhận, phản ánh bản chất của việc tự sửa chữa là một vấn đề hành động tập thể, thay vì một cá nhân thất bại. Tuy nhiên, những lo lắng có thể bị phóng đại. Ví dụ, vẫn chưa rõ liệu việc tự rút lại hồ sơ có thực sự làm tổn hại đến danh tiếng của các nhà nghiên cứu hay không . Những trường hợp nổi tiếng gần đây về việc tự sửa chữa trong tâm lý học đã nhận được phản ứng tích cực từ bên trong cộng đồng tâm lý học và chúng tôi có thể cố gắng thúc đẩy một câu chuyện thay thế: các nhà khoa học mắc lỗi, việc tự sửa chữa bản thân là tín hiệu đáng tin cậy rằng một người quan tâm đến tính đúng đắn của hồ sơ khoa học .

Các tạp chí và nhà xuất bản thường miễn cưỡng đăng các bài đính chính và phê bình, ngay cả khi người yêu cầu là tác giả ban đầu. Hiện tại không có phương thức chuẩn hóa nào để một người khi phát hiện ra một sai lầm lớn trong tác phẩm đã xuất bản của mình có thể sửa chữa, đính chính. Rút bài là một lựa chọn theo đúng quy định hiện tại nhưng thường gắn liền với khái niệm gian lận. Các định nghĩa thay thế đã được đề xuất, mặc dù trong nhiều trường hợp, việc thêm vào hồ sơ nghiên cứu có thể là cách minh bạch và hiệu quả hơn trong tương lai. Hình thức của những sửa đổi đó có thể khác nhau, nhưng chúng sẽ chỉ được sử dụng nếu chúng được liên kết trực tiếp với tác phẩm gốc, có thể là trong cơ sở dữ liệu đã thiết lập (như PubMed) hoặc trực tiếp trên trang web của tạp chí. 

Vân An lược dịch

Nguồn

Julia Rohrer (2021). A self-correcting fallacy – Why don’t researchers correct their own errors in the scientific record?. The London school of Economics and Political Sciences.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao các nhà nghiên cứu không tự sửa chữa những sai sót của mình trong hồ sơ khoa học? tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn