Logic kinh doanh toàn cầu hoá trong phương thức quản lý chuyên nghiệp ở Việt Nam

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của tác giả Mai Trang Vu với đề tài "Trường đại học của thế giới" hay logic kinh doanh toàn cầu hoá trong phương thức quản lý chuyên nghiệp ở Việt Nam (University of the world’ or the globalised, entrepreneurial logic of professionalism management in the Vietnam context).

Bài viết được công bố trên tạp chí Quality in Higher Education (thuộc nhà xuất bản Routledge, Q1 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Education) vào tháng 11 năm 2019.

VanAn 0812 01

Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang Taylor & Francis Online
(https://doi.org/10.1080/13538322.2019.1684653)

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu trường hợp nhúng (embedded case study) với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau: tài liệu chính sách, phỏng vấn và điều tra thực địa.

Trường đại học được lựa chọn trong nghiên cứu này là trường có truyền thống lâu đời trong nỗ lực đổi mới chất lượng, trong những trường lớn nhất về kỹ thuật tại Việt Nam, đây cũng là trường đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Nguồn dữ liệu được khai thác để phục vụ đề tài này chủ yếu là các chính sách thể chế của trường đại học, bao gồm năm tài liệu chính: tuyên bố sứ mệnh, tuyên bố tầm nhìn, hai bài phát biểu của Hiệu trưởng và một chính sách quản lý nhân viên. Lý do các tài liệu này được chọn bởi vì chúng thể hiện rõ các mục tiêu, ưu tiên và thực tiễn quản lý chính của trường đại học. Các tài liệu liên quan khác (ví dụ: trang giới thiệu trường đại học, kế hoạch hàng năm, thông báo tuyển dụng) được dùng làm dữ liệu bổ sung.

Nguồn dữ liệu thứ hai là các cuộc phỏng vấn đối với ba nhà quản lý tại một bộ phận nhằm khai thác ý kiến, quan điểm của họ về cơ chế quản lý nhân viên của trường đại học.

Nguồn dữ liệu thứ ba bao gồm biên bản cuộc họp, quan sát hoạt động trong trường và các cuộc trò chuyện.

Thông qua phân tích và sử dụng các công cụ xử lý nguồn tư liệu, nghiên cứu đã cho thấy những những kiến thức sâu về việc thực hành sự chuyên nghiệp theo từng cấp thẩm quyền. Dữ liệu chỉ ra rằng tính chuyên nghiệp được thể hiện trong một mạng lưới các diễn ngôn lớn hơn, đáng chú ý nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Những điều kiện mới này đòi hỏi những đối tượng có liên quan, bao gồm tổ chức trường đại học và đội ngũ giáo viên, phải cho thấy những cam kết mạnh mẽ hơn trong phản hồi và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. Nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của quyền lực: bên cạnh những nỗ lực kiểm soát công việc của những người làm trong ngành giáo dục, rất cần những nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp và nâng cao chất lượng của giáo viên.

Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của tổ chức được mô tả trong nghiên cứu này nhìn chung bị chi phối bởi khả năng đo lường, chức năng và năng suất dưới áp lực của chủ nghĩa quản lý và toàn cầu hóa. Để phù hợp với việc "hội nhập quốc tế" trong một "mô hình kết hợp giữa quản lý đại học-tập đoàn", tính chuyên nghiệp, theo quan niệm thông thường của tổ chức trường đại học, cần tuân theo các logic quản lý về "quy tắc ứng xử và quy định quốc tế". Các nguyên tắc của chủ nghĩa quản lý về thị trường hóa, các chỉ số quản lý dựa trên kết quả và giám sát được ứng dụng và triển khai trong thực tiễn.

Để duy trì và tiếp tục phát huy những thế mạnh của phương thức quản lý chuyên nghiệp, những cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm cần nhận thức rõ logic của sự chuyên nghiệp. Bởi vậy, tác giả đặt ra câu hỏi, chủ yếu liên quan đến ý nghĩa, giá trị và hệ tư tưởng của tất cả các bên: ‘Chủ nghĩa độc quyền, chủ nghĩa xác tín, và chủ nghĩa tinh hoa có phải là bản chất của tính chuyên nghiệp, nhất là trên khía cạnh phúc lợi công cộng không? Có nên thay thế tất cả các dấu vết của sự chuyên nghiệp trong các nền kinh tế chính trị ngày nay bằng thị trường tự do hay cơ chế quan liêu hợp lý? Hay sự chuyên nghiệp đó nên tiếp tục được củng cố, phát huy?"

Do đó, câu hỏi về khả năng ứng dụng của các giá trị mà giới chuyên nghiệp đương đại đang triển khai là rất cần thiết. Một mặt, những kỳ vọng đối với các cán bộ giảng dạy, chẳng hạn, sự linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội và toàn cầu hóa, có nhiều công bố khoa học được xuất bản hơn và trình độ học vấn cao hơn, có thể phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam - những cải cách trong nền giáo dục đại học của đất nước, sự chuyên nghiệp hóa giáo viên đại học và quốc tế hoá. Mặt khác, nếu những kỳ vọng này được triển khai trong thực tế với những công cụ và tính chất chủ nghĩa quản lý - tức là ưu tiên các hoạt động, đòi hỏi sự kiểm soát đến từng chi tiết nhỏ - thì, theo nhiều cách, những điều này đi ngược lại với các giá trị và mục đích của giáo dục đại học.

Cuối cùng, nghiên cứu trình bày quan điểm về việc triển khai phương thức quản lý chuyên nghiệp ở trường đại học. Cụ thể, không được để xảy ra tình trạng các yếu tố khác nhau chống đối, cạnh tranh và phủ nhận lẫn nhau; hay đúng hơn, các yếu tố nên có sự tương quan và phối hợp tốt nhằm xây dựng và hoàn thành mục tiêu đã đặt ra về sự chuyên nghiệp trong quản trị nhà trường.

Tài liệu tham khảo

Mai Trang Vu (2019). 'University of the world’ or the globalised, entrepreneurial logic of professionalism management in the Vietnam context. Quality in Higher Education25(3), 324-339, DOI: https://doi.org/10.1080/13538322.2019.1684653.

Tác giả bài viết: Vân An

Bạn đang đọc bài viết Logic kinh doanh toàn cầu hoá trong phương thức quản lý chuyên nghiệp ở Việt Nam tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19