Một nghiên cứu về Tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam

Nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang trả tiền cho các nhà khoa học khi công bố bài báo. Tuy nhiên, khảo sát gần đây về chính sách mới của Nam Phi cho thấy một thực tiễn đáng báo động về cơ chế này.

Trong xu thế hình thành và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cùng bối cảnh cạnh tranh diễn ra ở khắp mọi lĩnh vực trên toàn cầu đòi hỏi các lĩnh vực phải không ngừng phát triển, giáo dục đào tạo cũng không nằm ngoài phạm vi biến đổi ấy. Để đáp ứng những mục tiêu và yêu cầu của xã hội hiện thời, nền giáo dục đại học ở Việt Nam nói chung và mỗi trường đại học nói riêng sẽ phải không ngừng đổi mới trên mọi phương diện, bởi vậy họ rất cần một mô hình giúp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy giáo dục đại học phát triển bền vững trong xu hướng hội nhập quốc tế, đồng thời cung cấp cho xã hội những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Theo đó, mô hình tự chủ là một phương thức tất yếu mà giáo dục cần áp dụng. Và đây cũng là chủ đề được nhóm tác giả đề cập đến trong bài viết được công bố trên tạp chí Higher Education Research & Development (thuộc nhà xuất bản Taylor and Francis Ltd, Q1 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Education, https://doi.org/10.1080/07294360601166828).

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả Martin Hayden và Lam Quang Thiep với đề tài “Quyền tự chủ thể chế trong giáo dục đại học Việt Nam" (Institutional autonomy for higher education in Vietnam).

Nghiên cứu được thực hiện thông qua các dữ liệu được phân tích dựa trên bối cảnh của tác giả, vào năm 2005. Các dữ liệu này chủ yếu là các bảng khảo sát, bản phỏng vấn đối với nhiều nhóm các nhà quản lý có năng lực từ khắp hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Về mặt nội dung, bước đầu nhóm tác giả cung cấp một cái nhìn tổng quan về các đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, đặc biệt là tham chiếu đến quản trị của hệ thống. Sau đó, nghiên cứu trình bày một bản tóm tắt về các cải cách đã được lên kế hoạch đối với hệ thống. Tiếp đến là thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo quyền tự chủ thể chế và phương hướng ứng dụng chúng vào hệ thống một cách hợp lý.

Mặc dù đây là một giải pháp tất yếu và cần thiết, tác giả đã cho thấy có rất nhiều thách thức mà các tổ chức, cá nhân sẽ phải đối mặt liên quan đến việc nhà nước trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Một mặt, các nhà lập pháp sẽ phải miễn cưỡng từ bỏ quyền kiểm soát trực tiếp quan liêu với một lĩnh vực quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn là một nguồn cung cấp kiến thức mới, kiến thức chuyên môn, đồng thời cũng là một động lực quan trọng giúp nảy sinh các ý tưởng mới. Mặt khác, nhiều cá nhân trong ngành còn chưa chắc chắn về quyền tự chủ thể chế thực sự có ý nghĩa gì, và cách thức để có thể quản lý nó một cách hợp lý. Bởi lẽ đó, yêu cầu được đặt ra cho nghiên cứu này là phải đưa ra một hệ giải pháp nhằm hỗ trợ việc ứng dụng mô hình tự chủ mang đến nhiều hiệu quả nhất cho các tổ chức giáo dục đại học ở Việt Nam.

Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang Taylor & Francis Online

Để đưa mô hình tự chủ vào cơ chế hoạt động của hệ thống, đầu tiên nghiên cứu cho rằng cần phải ban hành luật công nhận quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, một khuôn khổ pháp lý phù hợp với quyền này cũng cần được thiết lập. Thứ hai, là giải quyết vấn đề ai quyết định học phí. Hiện nay, tối thiểu là đối với tất cả chương trình giáo dục đại học toàn thời gian thông thường, Nhà nước là tổ chức quy định mức học phí, bao gồm cả mức trần học phí do các cơ sở tư nhân thu. Tuy nhiên, trong điều kiện tự chủ thể chế, các nhà quản lý có thể mong đợi tiếng nói lớn hơn trong việc ấn định học phí cho các các cơ sở giáo dục của họ.

Thêm vào đó, quyền tự chủ còn đòi hỏi chuyên môn đáng kể về quản lý và lãnh đạo ở các cấp thể chế, cũng như một cơ sở hạ tầng hành chính có khả năng cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động, tài chính, quản lý của nhà trường.

Cuối cùng, nhóm tác giả nhận định tự chủ về thể chế đòi hỏi các điều kiện về lòng tin và sự tin cậy. Nếu Nhà nước muốn tiến hành nhanh chóng việc trao quyền tự chủ, thì Nhà nước phải có niềm tin vào sự quyết định của các cơ sở giáo dục đại học, khả năng của những người ra quyết định, sự liêm khiết của môi trường ra quyết định cũng như sự đúng đắn của các quy trình đánh giá chất lượng./.

Tài liệu tham khảo

Hayden, Martin; Thiep, Lam Quang (2007). Institutional autonomy for higher education in Vietnam. Higher Education Research & Development26(1), 73–85. DOI: 10.1080/07294360601166828.

Tác giả bài viết: Vân An

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về Tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn