Chuyển đổi số trong giáo dục: xu hướng, lợi thế và thách thức

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Nga với đề tài “Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo" (Digital Transformation in Education).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động mạnh mẽ tới từng quốc gia trên mọi khía cạnh và lĩnh vực của đời sống trong đó có giáo dục. Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục dưới tác động cũng như yêu cầu của cuộc cách mạng này, các trường học buộc phải thay đổi, trường học nay ngoài chức năng văn hoá, còn là những trung tâm sáng tạo tri thức và chuyển giao công nghệ. Dựa trên nền tảng tiêu chí ấy, họ rất cần một mô hình giúp các giáo viên hay học sinh có thể khám phá khoa học, nâng cao hoàn thiện kiến thức, đồng thời giúp họ có thể học tập một cách linh hoạt ở bất cứ địa điểm nào khi không thể đến các cơ sở giáo dục do sự tác động của nhiều nguyên nhân khách quan. Theo đó, chuyển đổi số là một phương thức hiệu quả để đáp ứng những yêu cầu đã đặt ra trong bối cảnh hiện tại. Và đây cũng là chủ đề được nhóm tác giả đề cập đến ở nghiên cứu công bố trong loạt bài (series) Lecture Notes in Networks and Systems (thuộc nhà xuất bản Springer International Publishing AG, Thuỵ Sĩ).

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Nga với đề tài “Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo" (Digital Transformation in Education). Bài viết này được thực hiện nhằm mục đích mô tả những đặc trưng của giáo dục ứng dụng kỹ thuật số, tình trạng thực hiện, các kết quả mong đợi cũng như những mối quan tâm về khía cạnh này.

Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang Springer Link

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phương pháp phân tích tài liệu (xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển và ứng dụng công nghệ giảng dạy điện tử…), phương pháp thống kê...Bên cạnh đó, bài báo còn phân tích và tổng hợp các công trình thực nghiệm về việc sử dụng EER (electronic educational resources - tài nguyên giáo dục điện từ) trong các tiết dạy ngoại ngữ. (Quá trình thử nghiệm này được thực hiện ở Viện Naberezhnye Chelny, Đại học Liên bang Kazan).

Thông qua việc phân tích và sử dụng các công cụ xử lý nguồn tư liệu, các tác giả cho thấy  rằng chuyển đổi số vẫn còn tồn tại khá nhiều nhược điểm song song những ưu điểm trong giáo dục đào tạo. Về ưu điểm, công nghệ tạo cơ hội cho giáo viên thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy hơn và nhận được phản hồi tức thì; ứng dụng công nghệ cũng khiến học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập; giúp giáo viên biến các hoạt động “khô khan" trở nên sinh động và đơn giản hơn; đồng thời, cung cấp khả năng truy cập thông tin nhanh, nâng cao các kỹ năng quan trọng để có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau (âm nhạc, đồ hoạ…).

Về nhược điểm, việc học tập dựa trên nền tảng kỹ thuật số khiến kỹ năng viết của học sinh vì thế mà bị mai một, từ đó dẫn đến mất khả năng sáng tạo; các cá nhân cũng sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mất tập trung, suy giảm sự chú ý nếu quá lạm dụng công nghệ; bên cạnh đó, sự tương tác giữa các cá nhân và xã hội hay sức khoẻ con người cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng từ những tác động xấu của quá trình chuyển đổi số này.

Nghiên cứu cũng cho thấy những lợi thế trong việc sử dụng EER (tài nguyên giáo dục điện tử) trong việc giảng dạy. Thành công của thí nghiệm này được chứng minh dựa trên việc so sánh thành tích giữa nhóm được dạy bằng EER và nhóm được dạy bằng phương pháp truyền thống thông thường. Kết quả, nhóm được dạy bằng EER đạt được thành tích tốt hơn.

Ngoài ra, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo còn khiến học sinh mở mang kiến thức cũng như tầm hiểu biết của họ. Thêm vào đó, việc sử dụng hiệu quả công nghệ (điện thoại di động, internet…) giúp hình thành sự độc lập cho học sinh trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn thông tin và tham gia các dự án phát triển năng lực liên quan đến kỹ thuật số.

Cuối cùng, các tác giả khuyến nghị rằng nên kết hợp các đặc điểm của cả lớp truyền thống - trên lớp và lớp học trực tuyến để khỏa lấp những nhược điểm còn đang tồn tại từ đó tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên.

Tài liệu tham khảo:

A.A.Bilyalova, D.A.Salimova và T.I.Zelenina (2019). Digital Transformation in Education. Lecture Notes in Networks and Systems, 78, 265-276.

DOI: https://doi.org/10.1007/978-3-030-22493-6_24

Vân An lược dịch

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong giáo dục: xu hướng, lợi thế và thách thức tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19