Tạp chí truy cập mở eLife và chính sách mở “kì lạ"

Tạp chí cũng có kế hoạch đăng tải công khai các phản biện của từng bài viết - cả những bài đã được chấp thuận lẫn bị từ chối.

Tạp chí truy cập mở eLife đã tiết lộ kế hoạch giới thiệu một mô hình xuất bản mới. Bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, tạp chí đã áp dụng chính sách “xuất bản trước, phản biện sau", và sẽ đăng tải công khai tất cả các báo cáo phản biện của từng bài viết.

Theo chính sách mới được công bố ngày 1 tháng 12/ 2020, eLife sẽ chỉ phản biện và xuất bản các bài báo đã được đăng trên một trong các hệ thống máy chủ lưu trữ phiên bản tiền xuất bản (preprint servers), chẳng hạn như bioRxiv, medExiv hoặc arXiv. Các bài báo đã gửi nhưng chưa có trên máy chủ sơ bộ sẽ được đăng tải trên bioRxiv hoặc medRxiv.

Theo Peter Suber, giám đốc Văn phòng Truyền thông Học thuật Harvard tại Cambridge, Massachusetts và Dự án Truy cập Mở Harvard (Harvard Open Access Project), cho biết mô hình này góp phần “nhấn mạnh giá trị của việc đăng tải công trình sơ bộ (preprint)". “Elife đang cho thấy rằng lợi ích của preprint có thể gắn liền với lợi ích của quá trình phản biện truyền thống”.

Một trong những yếu tố thúc đẩy sự thay đổi này là một phân tích nội bộ, cho thấy khoảng 70% bài báo được eLife phản biện trong các tháng 5, 6 và 7 năm 2020 đã được đăng tải dưới dạng preprint. “Chúng tôi luôn biết rằng cộng đồng eLife rất ủng hộ quy trình preprint, nhưng chúng tôi hoàn toàn không nắm được một con số chính xác nào cho đến khi thực hiện một cuộc khảo sát cụ thể", Michael Eisen, nhà Sinh vật học công tác Đại học California, Berkeley, đồng thời là tổng biên tập của tạp chí eLife cho biết. Eisen còn tin rằng nguyên nhân khiến 30% số tác giả còn lại vẫn chưa đồng ý đăng tải bản thảo của họ dưới dạng preprint trước khi xuất bản là do “chậm chạp, chứ không hề có bất kỳ sự phản đối nào với ý tưởng này".

 

Nguồn: ua-foundation.org

Mô hình “xuất bản trước, phản biện sau" đã được nhiều tổ chức áp dụng. Ví dụ, nhà xuất bản F1000 Research có trụ sở tại London đã cung cấp các nền tảng để các học giả đăng tải bản thảo của họ trước khi nhận ý kiến phản biện; chỉ những bài viết đã được chấp thuận sau quá trình phản biện mới được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu như PubMed. Nhưng chính sách mới của eLife sẽ kết hợp ý tưởng này với hệ thống tạp chí thông thường: tạp chí sẽ chỉ đăng tải công khai các bản thảo đã vượt qua quá trình phản biện. Lợi ích của việc eLife áp dụng mô hình như vậy nằm ở việc các học giả sẽ không cần phải từ bỏ mô hình tạp chí khoa học truyền thống. Eisen nói, “Tôi nghĩ rằng đây là điều cần thiết, để giúp cộng đồng các nhà khoa học gắn bó với tạp chí của chúng tôi nhiều nhất có thể, chúng tôi không buộc mọi người rời khỏi mô hình (hiện có) để theo mô hình mới”.

Chính sách mới sẽ không có hiệu lực ngay lập tức tại thời điểm này. Trong vòng sáu tháng tới, các học giả sẽ có thể lựa chọn không đăng các bản thảo của họ dưới dạng preprint, nhưng sẽ được yêu cầu giải thích lý do.

 

Nguồn: Nature

Công khai các phản biện

eLife cũng có kế hoạch đăng tất cả các bài phản biện của mình trên các máy chủ lưu trữ sơ bộ (preprint servers), cho dù bài báo có được chấp nhận đăng hay không (mặc dù các tác giả có bản thảo bị từ chối sẽ được phép tạm “hoãn” việc đăng các ý kiến phản biện cho đến khi bài viết của họ được chấp nhận đăng ở tạp chí khác). Ngoài ra, tạp chí cũng đang phát triển một nền tảng mới với tên gọi - Sciety, để chia sẻ công khai các bài phản biện này.

Tác giả của các bài phản biện sẽ được giấu tên, theo ý kiến của các nhà khoa học trẻ và một số học giả khác, những người cho rằng họ sẽ không thể đưa ra những ý kiến phản biện thẳng thắn trong các bài phản biện được đăng tải công khai vì sợ bị “trả thù”.

Mặc dù hệ thống mà người phản biện được hoàn toàn ẩn danh không thực sự lý tưởng, nhưng eLife và các tạp chí khác có thể cung cấp “sự ẩn danh nhưng được xác thực”. “Đây là điều quan trọng mà các tổ chức như tạp chí cần phải làm -  cẩn trọng trong việc chọn ai làm người phản biện để đảm bảo rằng họ thực sự có chuyên môn phù hợp, không có mâu thuẫn và luôn đưa ra những ý kiến phản biện công tâm cũng như mang tính xây dựng cao. Hiện tại, eLife được trợ cấp một phần bởi các nhà tài trợ nghiên cứu tư nhân, tính phí 2.500 USD Mỹ để xuất bản một bài báo và khoản phí đó sẽ vẫn giữ nguyên trong khoảng thời gian này”,  Eisen cho biết thêm.

Ngoài ra, theo Bianca Kramer, thủ thư, đồng thời là nhà nghiên cứu Truyền thông học thuật tại Đại học Utrecht, Hà Lan, “Mô hình mới của eLife là một bước phát triển quan trọng trong việc đưa mô hình chia sẻ preprint, phản biện mở và việc mặc định đăng tải ý kiến phản biện của các bài báo đã được preprint, từ đó góp phần lớn vào sự thay đổi trong văn hoá xuất bản học thuật”. “Đồng thời, mô hình được triển khai hiện tại vẫn dựa vào tính chọn lọc của eLife với tư cách một tạp chí".

Eisen cũng cho rằng mô hình xuất bản sẽ bị coi là thiếu sót nếu nhìn nhận tạp chí mà một bài báo được xuất bản là thước đo chất lượng chính của bài báo đó. Thêm vào đó, ông còn chia sẻ khi eLife áp dụng chính sách đánh giá mới của mình, họ có cũng có kế hoạch phát triển các chỉ số đánh giá khác. “Giúp mọi người không coi quyết định đăng bài như một sự kiện “hiếm”, có thể sẽ quyết định giá trị của một tạp chí là điều chúng tôi hy vọng sẽ làm được".

Nguồn
Diana Kwon (15 December 2020). Open-access journal eLife announces ‘preprint first’ publishing model. Nature.

 Vân An lược dịch

*Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí truy cập mở eLife và chính sách mở “kì lạ" tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn