Khoảng cách số - “thảm hoạ" đối với nhiều sinh viên

Phát biểu tại lễ kỉ niệm Ngày Thế giới tiếp cận giáo dục đại học lần thứ 3, Roberta Malee Bassett (lãnh đạo Global Tertiary, chuyên gia giáo dục cấp cao của World Bank) đã đề cập đến vấn đề khoảng cách số (digital divide). Bassett gọi khoảng cách số là một “thảm họa” đối với nhiều nhóm sinh viên trên toàn thế giới, nó vẫn diễn ra một cách may rủi bên trong các trường đại học tùy thuộc vào các bối cảnh khác nhau ngay cả với các quốc gia giàu mạnh.

Ngày 17 tháng 11 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới tiếp cận giáo dục đại học. Đây là ngày hành động toàn cầu tập trung vào việc tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia giáo dục đại học cho những người có thu nhập thấp và các nhóm yếu thế khác, được tổ chức bởi Mạng lưới cơ hội giáo dục Quốc gia (National Education Opportunities Network - NEON).

Năm nay, trong dịp kỷ niệm Ngày Thế giới tiếp cận giáo dục đại học lần thứ 3, NEON đã tổ chức hội thảo trực tuyến Eropean chủ yếu tập trung mạnh vào các khía cạnh tác động của COVID-19 đối với sự bất bình đẳng.

Các diễn giả tham gia phiên khai mạc này bao gồm các đại diện của chính phủ Áo, liên đoàn sinh viên Châu Âu, World Bank, Hiệp hội các Trường Đại học khối thịnh vượng chung, NEON và một từ Đại học Dublin.

Phát biểu tại hội nghị, Roberta Malee Bassett (lãnh đạo Global Tertiary, chuyên gia giáo dục cấp cao của World Bank) đã đề cập đến vấn đề khoảng cách số (digital divide). Bassett gọi khoảng cách số là một “thảm họa” đối với nhiều nhóm sinh viên trên toàn thế giới, nó vẫn diễn ra một cách may rủi bên trong các trường đại học tùy thuộc vào các bối cảnh khác nhau ngay cả với các quốc gia giàu mạnh.

 Bassett cho biết đã có những vấn đề liên quan đến bình đẳng phát sinh từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với giáo dục đại học. Cuộc sống sinh viên đã bị gián đoạn. Khi sinh viên theo học bậc cao hơn, họ [có thể] chuyển cả gia đình và toàn bộ cuộc sống của họ đến đó. Nhưng khi các khu học xá đóng cửa, đặc biệt là những sinh viên đang dựa vào sự cung cấp nơi ở từ các cơ sở giáo dục, họ phải gánh chịu nhiều tác động liên quan tới sự bình đẳng.

 

Tình hình tài chính nguy cấp

Graeme Atherton, giám đốc của Mạng lưới cơ hội giáo dục Quốc gia (National Education Opportunities Network - NEON) tại Anh, cho biết thêm: “Tác động tức thì của COVID-19 đối với thu nhập và tình trạng tài chính của sinh viên cho thấy nhiều sinh viên đang sống trong tình trạng tài chính bấp bênh và chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng đủ khiến họ rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn".

Ông cũng cho biết thêm rằng hội thảo trực tuyến này được kết nối tới các khu vực khác nhau trên toàn thế giới trong cùng một ngày, những người tham dự bao gồm từ các nhà hoạch định chính sách đến các học giả, đại diện của các tổ chức và sinh viên.

Ý tưởng đằng sau hội thảo chính là để thấy được “những gì có thể đạt được khi chúng ta làm việc cùng nhau. Cách mà chúng ta có thể vượt qua giai đoạn tồi tệ này trong lịch sử toàn cầu. Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi nó với kết quả tích cực như những gì chúng ta đã làm được sau các cuộc xung đột toàn cầu lớn trước đây?”

Atherton cho biết câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng ta trở thành một cộng đồng? Bởi vì chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng bình đẳng phải là nền tảng cho giáo dục đại học, hãy đảm bảo nó là một phần của chương trình nghị sự sắp tới"

Ông cho rằng việc tập trung xây dựng và giải quyết các vấn đề về công bằng đóng vai trò to lớn tuy nhiên gần như chưa có đủ nghiên cứu và dữ liệu. Ông đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập những cam kết về công bằng trong các khuôn khổ chính sách quốc gia.

Ngoài ra, Atherton cho biết, một trong những mục tiêu của WAHED là thúc đẩy cá nhân các trường đại học phải “có mục tiêu cụ thể về sinh viên mà họ nhận vào." Ông cũng chia sẻ mong muốn đưa vấn đề bình đẳng vào các cuộc tranh luận lớn hơn về đại dịch, trong và ngoài phạm vi giáo dục.

Thiếu chiến lược phục hồi

Bassett cho hay, ngay cả trước cuộc khủng hoảng, dữ liệu cho thấy cả năng tiếp cận và bình đẳng vẫn là những thách thức lớn đối với giáo dục đại học, đặc biệt là liên quan đến việc phân bổ tài nguyên trên toàn cầu, trong đó Châu Phi hạ Sahara ngày càng tụt hậu so với các khu vực khác. Vào năm 2018, tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học ở Châu Phi hạ Sahara đạt trung bình 9% rất thấp so với tỉ lệ 70% tại châu Âu và châu Á. 

“Cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã chỉ ra rằng các hệ thống và thể chế đã thiếu mất chiến lược, kế hoạch phục hồi và không được trang bị kỹ thuật số 1 cách bình đẳng", Bassett chia sẻ. Việc may rủi trong việc quay trở lại trường đã khiến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn dễ rơi vào hoàn cảnh buộc phải thôi học.

“Tỷ lệ sinh viên duy trì có khả năng giảm", Barrett dự đoán, “và sẽ không công bằng cho những sinh viên vốn hạn chế về mặt lợi thế lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Khoảng cách số đã trở thành một trong những phân phối kinh tế tương tự như bất kỳ các yếu tố khác. 

Có những nơi tỷ lệ sử dụng internet chỉ đạt 30%, và những sinh viên trở về nhà tại những vùng không có khả năng truy cập đã phải dừng học. Đây là một thảm hoạ đối với nhiều nhóm sinh viên trên khắp thế giới. 

Vì sự giới hạn vận hành của các công nghệ mới, nên thực sự cần phải sử dụng công nghệ cũ ở nhiều khu vực, chẳng hạn như tài liệu in ấn. Thêm vào đó, cán bộ công nhân viên không được đào tạo kịp thời để cung cấp phương pháp học từ xa trong bối cảnh này. 

Joanna Newman, tổng thư ký của Hiệp hội các Trường Đại học khối thịnh vượng chung, cho biết COVID-19 đã cho thấy “sự khác biệt rõ rệt về khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng" trên toàn cầu.

“Điều mà COVID làm nổi lên rõ hơn bao giờ hết là sự tồn tại một khác biệt lớn về chất lượng trong việc tiếp cận với giáo dục đại học trên toàn thế giới, đặc biệt là khoảng cách số". 

Bà cho biết cuộc khảo sát riêng của Hiệp hội các Trường Đại học khối thịnh vượng chung không chỉ cho thấy nhiều trường đại học không thể truy cập vào cơ sở hạ tầng dữ liệu mà còn nhiều sinh thậm chí không thể sử dụng thiết bị cầm tay vì thiếu dữ liệu.

“Nó thậm chí còn bị phân chia ngay bên trong các tổ chức". “Ở các cấp cao hơn có rất nhiều khả năng truy cập tốt, nhưng đối với các nhân viên cấp dưới, khả năng tiếp cận đối với các thiết bị như vậy rất kém.”

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng nhiều điều có thể được thực hiện khi các chính phủ làm việc với các đối tác độc lập và trường đại học để cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn vào lần tiếp theo khi có nhu cầu về kỹ thuật số. 

Ví dụ về đổi mới 

Joanna Newman chia sẻ về những ví dụ điển hình cho sự đổi mới. Chẳng hạn, phó hiệu trưởng của Đại học South Pacific đã làm việc với các trung tâm mua sắm để cung cấp quyền truy cập mạng khi các trường đại học trên hòn đảo bị đóng cửa. Và ở Ghana, một nhà cung cấp tư nhân đã cấp cho tất cả học sinh quyền truy cập mạng.

Newman cho rằng cũng có một sự chia cách trong giáo dục quốc tế, với rất nhiều lý do khiến sinh viên không thể du học, bao gồm không muốn rời xa gia đình, không có đủ tài chính và không có sự tự tin.

Các trường đại học đã nhận thấy rằng tính di động ảo mang lại cho sinh viên sự tự tin để đi và trải nghiệm thực tế ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vấn đề tương tự nhau đó là liệu họ có kết nối internet để làm điều đó hay không. 

Martina Darmanin, điều phối viên nhân quyền và đoàn kết của Liên hiệp sinh viên châu Âu (ESU), cho biết ESU đang thúc đẩy một quỹ khẩn cấp để giúp đỡ các sinh viên bị mất việc làm bán thời gian và chú trọng hơn vào các khoản trợ cấp cho sinh viên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, hoặc những trường hợp chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương. 

“Những sinh viên bị mất việc làm phần lớn đều đến từ những nhóm thiệt thòi đó, vậy cần xây dựng một đặc quyền hơn là một quyền cho sinh viên tiếp cận giáo dục đại học”, Darmanin nhấn mạnh.

Bà đã chủ trương xem xét và điều chỉnh chính sách học phí. “Chúng ta nên kéo dài thời gian đóng học phí, đưa ra các chương trình trả góp, giảm mức học phí, hoặc tốt nhất là miễn học phí, vì giáo dục đại học là hàng hoá công và do đó nên được duy trì bởi cộng đồng". 

Vân An lược dịch 

Nguồn

 Brendan O’Malley. (November 21, 2020). Digital divide ‘catastrophic’ for many students – World Bank. University World News

 

Bạn đang đọc bài viết Khoảng cách số - “thảm hoạ" đối với nhiều sinh viên tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19