Để mở đầu cho một chuỗi các bài giới thiệu, hướng dẫn các nhà khoa học trẻ, các bạn quan tâm tới nghiên cứu và công bố quốc tế. Tạp chí Giáo dục sẽ mời các chuyên gia viết, giới thiệu, phổ biến một số kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu, hợp tác, công bố quốc tế về lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học xã hội. Các bài viết sẽ được biên tập và giới thiệu tới quý bạn đọc.
Dưới đây là bài viết đầu tiên: “Bài báo khoa học và các dạng bài báo khoa học chính” của TS. Nguyễn Hữu Cương.
Bài báo khoa học là gì?
Nghiên cứu khoa học ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học thuật. Khi nghiên cứu được triển khai thực hiện và có kết quả thì kết quả nghiên cứu đó cần được chia sẻ. Bài báo khoa học là một kênh chính thống để công bố và chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học. Vậy bài báo khoa học là gì?
Một cách ngắn gọn nhất, một bài báo khoa học là một báo cáo được viết và xuất bản trong một tạp chí có bình duyệt mô tả những kết quả nghiên cứu gốc [1]. Cụ thể hơn thì một bài báo khoa học (hay còn gọi là bài báo đăng trong tạp chí khoa học) là một thể loại bài viết học thuật và nó có những quy chuẩn chặt chẽ. Bài báo khoa học thường có độ dài từ 05 đến 40 trang (2.500 – 12.000 từ tiếng Anh), và có từ 05 đến 50 tài liệu tham khảo. Bài báo khoa học bàn luận về nghiên cứu của các nhà khoa học khác và được phản biện bởi các nhà khoa học khác (người bình duyệt) có cùng chuyên ngành [2].
Bài báo khoa học không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại “tiền tệ” (currency) của giới khoa học, bởi vì qua các bài báo khoa học người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu [3].
Các dạng bài báo khoa học
Nhà xuất bản uy tin quốc tế Springer liệt kê 05 loại bài báo khoa học chính, bao gồm: bài báo nghiên cứu gốc (original research article), bài báo ngắn (short report or letter), bài điểm báo (review article), báo cáo trường hợp (case study) và bài báo về phương pháp nghiên cứu (methodology or method) [4]. Ngoài ra còn có một số loại bài báo khác như bài điểm sách (book review), bài xã luận (editorial) và thư cho tòa soạn (letter to the editor). Trong bài viết này tôi trình bày 04 loại bài báo phổ biến nhất.
Thứ nhất là bài báo nghiên cứu gốc hay còn gọi là bài báo nguyên thủy (original article), hoặc đơn giản chỉ là bài báo nghiên cứu (research article). Đây là dạng bài báo khoa học phổ biến nhất. Mục đích của dạng bài báo này là báo cáo kết quả của một nghiên cứu dựa trên dữ liệu sơ cấp (primary data), tức là dữ liệu được nhà nghiên cứu thu thập từ các nguồn đầu tiên qua khảo sát, phỏng vấn, thí nghiệm, v.v. Bài báo nghiên cứu gốc phải có đầy đủ các phần như Đặt vấn đề (Introduction), Phương pháp (Methods), Kết quả (Results) và Bàn luận (Discussion). Một bài báo nghiên cứu thường có độ dài 3.000 – 8000 từ tiếng Anh, trường hợp đặc biệt có thể lên tới 10.000 từ hoặc thậm chí 12.000 từ.
Thứ hai là bài báo nghiên cứu ngắn hay đôi khi gọi là bài tin ngắn (brief communication), hoặc đơn giản bài báo ngắn (short paper/ letter). Lưu ý từ “letter” ở đây không phải là “chữ cái” hay “lá thư” mà là bài báo khoa học ngắn. Dạng bài báo này thông tin ngắn gọn nhưng quan trọng một hoặc một vài kết quả của nghiên cứu gốc. Đây có thể coi là một dạng rút gọn của bài báo nghiên cứu gốc. Một bài báo nghiên cứu ngắn thường có độ dài 600 – 1000 từ, trường hợp đặc biệt có thể lên tới trên 2.000 từ, nhưng không vượt quá 3.000 từ.
Thứ ba là bài điểm báo hay thường gọi là bài báo nghiên cứu tổng thuật (literature review). Loại bài báo này cung cấp thông tin toàn diện về một chủ đề nghiên cứu nhất định thông qua phân tích tài liệu sơ cấp (primary data). Các khoảng trống nghiên cứu (research gap) trong lĩnh vực tổng thuật cũng thường được trình bày ở bài điểm báo. Dạng bài này thường được viết bởi các nhà nhiên cứu đầu ngành hoặc có uy tín trong một lĩnh vực cụ thể sau khi được biên tập viên hoặc tổng biên tập của một tạp chí mời. Bài điểm báo thường trích dẫn một số lượng bài báo khá lớn, mức trung bình khoảng 100 bài. Một bài điểm báo thường có độ dài như một bài báo nghiên cứu gốc với khoảng 3.000 – 5000 từ, trường hợp đặc biệt có thể lên tới 10.000 từ.
Thứ tư là bài điểm sách. Đây là một loại bài báo ngắn viết nhận xét về một cuốn sách chuyên khảo mới xuất bản hoặc được nhiều người quan tâm. Bài điểm sách thường bắt đầu với việc tóm tắt nội dung cuốn sách. Trong bài điểm sách, tác giả nhận xét, bình luận về những đóng góp của cuốn sách. Ngoài ra, tác giả cũng chỉ ra những điểm mà cuốn sách chưa đề cập đến hoặc mong muốn được đọc. Bài điểm sách thường không được coi là một bài báo nghiên cứu khoa học vì không chứa nhiều giá trị học thuật. Một bài điểm báo thường có độ dài từ 600 – 2.000 từ, và mức độ thường thấy là 1.000 từ.
Nắm rõ khái niệm về bài báo khoa học và các dạng bài báo chính là điều cần thiết để các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh chuẩn bị cho việc viết bài và xuất bản bài báo khoa học.
Tài liệu tham khảo
Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: a guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.
Gastel, B. & Day, R. (2016). How to write and publish a scientific (8th ed.). Santa Barbara, CA: Greenwood.
Nguyễn Văn Tuấn. (2005). Cách viết bài báo khoa học cho các tập san quốc tế. http://vietsciences.free.fr/khaocuu/nguyenvantuan/cachvietbaocaokhoahoc.htm
Springer. (n.d.). Types of journal articles. https://www.springer.com/gp/authors-editors/authorandreviewertutorials/writing-a-journal-manuscript/types-of-journal-articles/10285504
TS. Nguyễn Hữu Cương - Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Email: nguyenhuucuong@tdtu.edu.vn