Lần đầu ở Việt Nam mô hình đào tạo giáo viên phổ thông được triển khai theo mô hình tiếp nối - đan xen (3+1) trong đại học đa ngành đa lĩnh vực như ĐHQGHN. Mô hình nhấn mạnh sự uyên bác về chuyên môn dạy học của người giáo viên, bao gồm khoa học cơ bản và nghiệp vụ dạy học; Chương trình đào tạo hướng kết quả đầu ra tiếp cận chuẩn quốc tế; đồng thời từ góc độ kinh tế học giáo dục mô hình này giải quyết vấn đề khủng hoảng thừa hoặc thiếu giáo viên, tránh được sự lãng phí lớn trong đào tạo giáo viên.
Mô hình được đề xuất năm 2000 và được thể nghiệm trong giai đoạn 2000 - 2005 tại Khoa Sư phạm, nay là Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN. Trong giai đoạn này, đào tạo giáo viên được tổ chức theo mô hình tiếp nối – đan xen (3+1). Trong đó, 3 năm đầu dành chủ yếu cho giảng dạy khối kiến thức chung, khối kiến thức khoa học cơ bản (tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn). Khối kiến thức khoa học giáo dục – sư phạm được giảng dạy ngay từ năm thứ nhất với thời lượng tăng dần một cách hợp lý. Năm thứ tư dành chủ yếu cho khối kiến thức khoa học giáo dục – sư phạm.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm - Trường ĐH Giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm triển khai đào tạo giáo viên theo mô hình tiếp nối (a+b) của Trường ĐH Giáo dục tại Hội thảo khoa học Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp (a+b) do Tiểu Ban Giáo dục Đại học - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức
tại ĐHQGHN ngày 9/1/2021
Sang đến giai đoạn 2006 – 2012, công tác đào tạo giáo viên được tổ chức theo mô hình tiếp nối 3+1. Trong 3 năm đầu sinh viên sư phạm được quản lý và đào tạo toàn bộ khối kiến thức khoa học cơ bản cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản tương ứng (tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn). Đến năm thứ tư, sinh viên sư phạm cùng kết quả học tập của 3 năm đầu được chuyển về Trường ĐH Giáo dục và tiếp tục quản lý, đào tạo phần kiến thức đặc thù của đào tạo cử nhân sư phạm, khối kiến thức khoa học giáo dục, khoa học sư phạm, thực hành sư phạm, kiến tập, thực tập và khóa luận tốt nghiệp.
Từ năm 2013 cho đến nay, việc đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Giáo dục được triển khai thực hiện theo mô hình kết hợp – tiếp nối (a+b) trên cơ sở Quy định đào tạo đại học nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi phương thức đào tạo sang học chế tín chỉ. Việc tổ chức đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Giáo dục được triển khai trong đó phần kiến thức a (tương đương với 102-103 tín chỉ); sinh viên sư phạm được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản tương ứng (tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – đơn vị kết hợp đào tạo) và học phần kiến thức b với 36 tín chỉ. Sinh viên được đào tạo khối kiến thức đặc thù sư phạm, kiến thức khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm, thực hành, kiến tập, thực tập sư phạm, khóa luận/thi tốt nghiệp do giảng viên của Trường ĐH Giáo dục đảm nhiệm (đơn vị quản lý chương trình đào tạo và cấp bằng). Để thực hiện, chương trình đào tạo được phân định theo 5 khối kiến thức (M1-M5). Với mô hình (a+b) của ĐHQGHN thì đây là chương trình có chuyên môn sâu với số lượng tín chỉ lớn (khoảng 140 tín chỉ).
Mô hình đào tạo cử nhân sư phạm tại ĐHQGHN qua các giai đoạn
Chương trình đào tạo là yếu tố quan trọng, điều kiện tiên quyết để triển khai đào tạo giáo viên theo mô hình (a+b). Với cách thiết kế chương trình đào tạo này, sinh viên sư phạm được đào tạo cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản, được tăng cường trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp. Bắt đầu tư năm học 2017-2018, Trường ĐH Giáo dục tổ chức cho sinh viên được nhúng trong môi trường thực tiễn, tham gia vào thực hành nghề ngay từ năm thứ 2 của chương trình đào tạo để hình thành kỹ năng sư phạm, lòng yêu nghề giáo; mặt khác, tạo ra sự gắn kết giữa các bên tham gia đào tạo cử nhân sư phạm là giảng viên ở trường đại học và giáo viên phổ thông.
Những ưu việt cơ bản của mô hình này cho thấy: đây là mô hình mở, liên thông, mềm dẻo, dễ điều chỉnh từ đào tạo cử nhân khoa học cơ bản sang đào tạo cử nhân sư phạm và ngược lại; chất lượng đào tạo cao bởi sử dụng đội ngũ giảng viên giảng viên chuyên môn, giáo sư đầu ngành khoa học cơ bản tham gia vào đào tạo sư phạm; triết lý đào tạo 3 trong 1: nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà quản lý giáo dục.
Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình đào tạo giáo viên này đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Các thế hệ sinh viên sư phạm trưởng thành tại Nhà trường đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và giáo dục, được xã hội công nhận và tôn vinh.
Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay cơ cấu tổ chức của Trường ĐH Giáo dục bao gồm 07 Phòng, 05 Khoa, 05 Trung tâm trực thuộc và Trường THPT Khoa học Giáo dục. Nhà trường đang triển khai đào tạo 31 ngành/chuyên ngành gồm: 16 ngành đào tạo cử nhân, 11 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, trong đó có 3 ngành mới đào tạo cử nhân là: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Lịch sử - Địa lý và 01 chuyên ngành mới là đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận, phương pháp và Công nghệ dạy học dự kiến tuyển sinh trong năm 2020. Ngoài đào tạo các ngành cử nhân sư phạm truyền thống, Trường ĐH Giáo dục chú trọng đào tạo các ngành/chuyên ngành mới về khoa học giáo dục như: Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục, Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ Giáo dục, Đo lường và đánh giá trong giáo dục... Trường ĐH Giáo dục là một trong những đơn vị có tỷ lệ giảng viên có chức danh khoa học cao trong nhiều năm gần đây. Trường luôn giữ vững tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên trong tổng số giảng viên cơ hữu của Trường là 83%, trong đó tỷ lệ cán bộ khoa học có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư là 30%. Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm trung bình đạt 95%. Nhiều đề tài dự án cấp Nhà nước, đề tài quỹ NAFOSTED, đề tài cấp Bộ, tỉnh/thành và đề án hợp tác nghiên cứu quốc tế với các tổ chức song phương và đa phương được triển khai thực hiện. Các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Giáo dục đã tham gia tư vấn chính sách cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương về các vấn đề chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển giáo dục, kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học – công nghệ. Thành tích nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên liên tiếp gia tăng thể hiện ở số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế. Trường có mạng lưới liên kết quốc tế rộng khắp về nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học sư phạm, góp tiếng nói chung của các nhà giáo dục vào sự phát triển của giáo dục nước nhà. Hoạt động đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng đào tạo được Trường ĐH Giáo dục xem như là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng của Nhà trường. Năm 2016, Trường ĐH Giáo dục thực hiện đợt đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD&ĐT và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với tỷ lệ số tiêu chí đạt yêu cầu cao. Ở cấp chương trình đào tạo, Trường ĐH Giáo dục có 02 chương trình đào tạo cử nhân và 02 chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định và đạt chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, 02 chương trình được đánh giá nội bộ theo chuẩn của AUN. |
Nguồn: Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội