Tuyển sinh: Lộ trình ổn định, tăng trách nhiệm trường đại học
Đại diện các cơ sở GDĐH ghi nhận, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, đúng hướng, giúp giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị
Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GDĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng của từng trường.
Cùng với điều chỉnh kịp thời và chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT, sự chủ động của các cơ sở GDĐH, sự phối hợp của các cơ sở GDĐH với các địa phương, công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2020 đã vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, đạt kết quả tốt, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt khi xét tuyển đợt 1 đã sử dụng kết quả gộp chung của cả 2 lần thi THPT.
Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, các cơ sở GDĐH cùng mong muốn công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, tin cậy, minh bạch. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục đóng vai trò quan trọng được các trường sử dụng làm cơ sở xét tuyển.
“Định hướng này là đúng đắn vì chuyển đổi cần nhiều thời gian. Các kỳ thi vừa qua đang ổn định và ngày càng tốt hơn. Nếu chúng ta làm tốt hơn nữa sẽ là sự đảm bảo cho tuyển sinh của các trường trong những năm tới”, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đánh giá.
Đồng thuận với chỉ đạo của Bộ GDĐT trong thời gian qua, PGS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cũng bày tỏ sự tin tưởng vào công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của các địa phương, đồng thời mong muốn tăng cường công tác giám sát để đảm bảo chất lượng kết quả kỳ thi.
Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại Hội nghị
Chủ trương trên cũng là nhấn mạnh của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trong kết luận Hội nghị. Thứ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở GDĐH, đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ GDĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các trường cần tăng cường công tác tư vấn truyền thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực, nhất quán đối với thí sinh.
Yêu cầu quan trọng trong tự chủ đại học
Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống GDĐH, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, theo quy định, một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường.
Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Khoá XII đã nhấn mạnh chủ trương nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường.
Mặc dù toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, số liệu báo cáo tới ngày 27/11 cho thấy, vẫn còn 50% cơ sở GDĐH công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới.
Vì vậy, Bộ GDĐT yêu cầu tất cả các cơ sở GDĐH khẩn trương thành lập và kiện toàn HĐT theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020-2021; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.
Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị
Về kiểm định chất lượng, công tác này đã nhận được sự quan tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong GDĐH. Trong năm 2021 và những năm tới, khi tự chủ đại học được mở rộng, khi tự chủ đại học được mở rộng, các trường phải thực hiện tốt trách nhiệm giải trình với toàn xã hội về chất lượng đào tạo và hiệu quả các hoạt động. Vì vậy, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần được quan tâm đặc biệt.
Các cơ sở GDĐH cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội. Đặc biệt, cần tăng số lượng các cơ sở đào tạo đạt kiểm định, đặc biệt phải tăng nhanh số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện Học viện Ngân hàng đánh giá, quá trình kiểm định chất lượng là hoạt động hết sức cần thiết, Bộ GDĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều năm qua đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đại diện Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn về kiểm định cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế để thuận lợi cho các trường trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản, chính sách, nhất là bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn chương trình. Tăng cường giám sát hoạt động kiểm định chất lượng, xây dựng đề án phát triển hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, mức độ đạt được về kiểm định chất lượng cần được sử dụng làm tiêu chí đánh giá quan trọng trong xác định mức độ tự chủ của các cơ sở GDĐH cũng như là tiêu chí ưu tiên đầu tư của Nhà nước.
Chuyển đổi số phải là nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở GDĐH
Thảo luận tại Hội nghị, PGS Trần Diệp Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP HCM chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo y dược. PGS Tuấn cho biết, trường đã đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với phương thức đào tạo và học liệu e-Learning, khai thác nhiều hình thức dạy trực tuyến; sử dụng phần mềm cho việc thi, đánh giá, quản lý, quản trị nhà trường…
Tuy nhiên, với đặc thù về kỹ năng lâm sàng, thực nghiệm nên vẫn phải triển khai thực hành, dạy học trực tiếp. PGS Tuấn đề nghị cần có tiêu chí xác định mức độ ứng dụng CNTT để các trường tham chiếu, định hướng và phấn đấu phát triển chuyển đổi số của mình.
Không chỉ Trường ĐH Y Dược TP HCM, mà hầu hết các trường ĐH đã và đang bày tỏ tinh thần tích cực, sẵn sàng triển khai chuyển đổi số.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GDĐT xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả GDĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số GDĐT.
Ngay trong năm 2021, toàn ngành cần đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong ngành GDĐT. “Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở GDĐH, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học, mang lại lợi ích tốt hơn cho người học”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, bậc GDĐH tập trung vào một số định hướng chủ yếu: Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH; Phát triển và khai thác các nền tảng học liệu, môi trường học tập số; Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Bộ GDĐT tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong GDĐT; hướng dẫn các trường triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia.
Các cơ sở GDĐH cần phải hợp tác chặt chẽ, cùng xây dựng, chia sẻ, sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số, hệ thống quản trị quản lý nhà trường; tăng quy mô đào tạo các ngành CNTT; khuyến khích mở các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành phục vụ chuyển đổi số trong cách lĩnh vực khác nhau.
Một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số GDĐT là cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng đối với công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở GDĐH thực hiện trách nhiệm giải trình, đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước về GDĐH.
Thực hiện Luật 34, Bộ GDĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho GDĐH, phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở GDĐH đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống.
Thứ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu, trong năm 2021, cần cơ bản hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH trong khuôn khổ dự án SAHEP. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, các cơ sở GDĐH phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT để triển khai cập nhật dữ liệu, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Tác giả bài viết: Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Nguồn tin: moet.gov.vn