Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Đài Loan và Trung Quốc với đề tài “Phân tích trắc lượng thư mục các nghiên cứu về lớp học đảo ngược đăng tải trên Web of Science Core Collection từ năm 2000 đến 2019” (Bibliometric analysis of flipped classroom publications from the Web of Science Core Collection published from 2000 to 2019).
Trong thời gian gần đây, mô hình lớp học đảo ngược đang ngày càng trở nên phổ biến tại các cơ sở giáo dục khắp thế giới, đặc biệt là bậc đại học và sau đại học, thay thế mô hình dạy - học truyền thống. Theo đó, “đảo ngược” chính là sự hoán đổi vai trò giữa giáo viên và sinh viên, đề cao tính chủ động của sinh viên trong việc tìm tòi, khám phá và giải quyết vấn đề. Mặc dù đang ngày càng được nhiều nhà trường và giáo viên triển khai, ứng dụng, song hiện vẫn còn khá ít nghiên cứu thực tiễn về tính hiệu quả và nhất quán của mô hình lớp học đảo ngược. Và đây cũng là chủ đề được nhóm tác giả đề cập đến trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Editing (thuộc nhà xuất bản Korean Council of Science Editors, Q3 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Communication và Medicine Health Informatics) (https://doi.org/10.6087/kcse.212).
Hình 1. Ảnh chụp bài báo trên tạp chí Science Editing
Nhóm tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục (bibliometric analysis) trên nguồn thông tin lấy từ các cơ sở dữ liệu các nghiên cứu khoa học, cụ thể là từ nguồn tài liệu lõi của trang Web of Science, tập trung khai thác các từ khoá “flipped classroom” (lớp học đảo ngược) và “inverted learning” (học tập đảo ngược). Nhóm đã thu thập được 645 bài báo của 1938 tác giả, đăng tải trên 210 tạp chí để làm cơ sở cho đề tài.
Thông qua phân tích các nguồn tư liệu, các tác giả nhận thấy số lượng nghiên cứu về lớp học đảo ngược đã tăng dần kể từ năm 2015 và đặc biệt, đã gia tăng đáng kể trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay - trong đó, khoảng thời gian từ năm 2017-2018 chứng kiến số lượng nghiên cứu về mô hình học tập này lớn nhất. Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số bài báo, số lượt trích dẫn, sức mạnh liên kết (link strength) và khả năng liên kết nghiên cứu với các quốc gia khác. Mỹ cũng là quốc gia có hợp tác quốc tế sâu rộng với 8 quốc gia khác về lĩnh vực này (trong đó có 3 nước châu Á, 3 nước châu Âu, Canada và Australia). Đài Loan xếp thứ hai về yếu tố sức mạnh liên kết, tiếp đó là Trung Quốc, Australia và Tây Ban Nha. Trong số 10 cơ sở nghiên cứu có số lượng đề tài về lớp học đảo ngược lớn nhất, có 3 cơ sở ở châu Á, 1 cơ sở ở Tây Ban Nha và 6 cơ sở ở Mỹ. Cụ thể, về số lượt trích dẫn, Đại học North Carolina (Mỹ) dẫn đầu, xếp sau là Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan và Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan. Đại học North Carolina cũng dẫn đầu về chỉ số sức mạnh liên kết.
Hình 2. 10 cơ sở nghiên cứu có số lượng đề tài về lớp học đảo ngược lớn nhất
Khi nghiên cứu các yếu tố tác động tới mô hình lớp học đảo ngược, các nhà nghiên cứu hướng đến cải thiện sự chủ động của người học thông qua các phương pháp học tập tích cực. Trong năm 2013, các nhà nghiên cứu sử dụng các nghiên cứu trường hợp với các chuyên ngành, môn học khác nhau (như hoá học, thống kê, điều dưỡng…) để chứng minh các tác động tích cực của phương pháp học tập đảo ngược trong việc nâng cao hiệu quả học tập và sự tương tác của sinh viên. Sang năm 2014, các nghiên cứu cho thấy mô hình lớp học đảo ngược và việc thiết kế lại chương trình môn học giúp cải thiện việc học tập của sinh viên như thế nào. Các bài báo xuất bản năm 2015 tập trung làm rõ nhận thức của học sinh về mô hình lớp học đảo ngược và động lực để họ triển khai, áp dụng phương pháp này vào việc học tập của bản thân. Đến năm 2016, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lại chuyển từ hiệu quả học tập “bề ngoài” của người học sang những vấn đề cốt lõi hơn, chẳng hạn như mức độ sẵn sàng với việc tự học của sinh viên.
Tựu trung lại, kết quả của nghiên cứu cho thấy, Mỹ là quốc gia có số lượng nghiên cứu về mô hình lớp học đảo ngược nhiều nhất, cả về số lượt trích dẫn, số lượng tác giả và một số yếu tố khác. Các chủ đề chính được các nghiên cứu này đề cập bao gồm ứng dụng các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm trong mô hình lớp học đảo ngược, tính khả thi tổng thể của thiết kế khoá học và mô hình thực tiễn, kết quả học tập và kết quả học tập thông qua các phương pháp tự học (học tập chủ động) của sinh viên. Đây cũng chính là những yếu tố cần được chú trọng khi triển khai mô hình này trong thời gian tới. Nhóm tác giả cho rằng, “lớp học đảo ngược” không phải là một phương pháp “vạn năng”, tức là nó không thực sự phù hợp với tất cả các đối tượng giảng viên, sinh viên. Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất tiến hành những nghiên cứu cụ thể hơn về tính hiệu quả của các “lớp học đảo ngược”, thực hiện những đánh giá mang tính hệ thống nhằm lập nên bức tranh toàn cảnh về phương pháp này nói chung, từ đó góp phần hỗ trợ các hoạt động học thuật trong tương lai và đặc biệt là việc tiếp tục triển khai phương pháp “lớp học đảo ngược” một cách rộng rãi hơn trong thời gian tới./.
Tài liệu tham khảo
Hsin-Luen Tsai, Jia-Fen Wu (2020). Bibliometric analysis of flipped classroom publications from the Web of Science Core Collection published from 2000 to 2019. Science Editing, 7(2), 163-168. DOI: https://doi.org/10.6087/kcse.212.
Tác giả bài viết: Vân An