Năm học 2019-2020: những đổi mới toàn diện và thách thức của ngành Giáo dục

Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục (Phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục, ngày 31/10/2020)

Trong năm học 2019-2020, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, học viên của mỗi cơ sở giáo dục đều đã nỗ lực, chăm chỉ và sáng tạo thông qua những hoạt động cụ thể, hàng ngày nhằm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, trong quản lí và chỉ đạo.

Có thể nói, về cơ bản, nhóm 5 giải pháp của ngành đã được thực hiện toàn diện, sáng tạo phù hợp với các điều kiện có thể hoặc không thể tiên lượng trước trong năm học vừa qua, nhằm góp phần thực hiện và đạt được ở mức tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đặt ra của năm học 2019-2020.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, có thể điểm lại một số kết quả quan trọng của ngành Giáo dục cũng như chỉ ra một số thách thức trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, chủ động vượt qua đại dịch Covid-19. Cùng với cả nước ứng phó với những biến đổi trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, ngành Giáo dục đã chỉ đạo, triển khai những hoạt động đồng bộ, toàn diện và được đánh giá là thành công nổi bật trong công tác này. Thông qua đại dịch, có thể thấy sự chủ động, sáng tạo của toàn ngành, cũng như sự phối hợp của phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Đội ngũ giáo viên, các nhà trường đã có những biện pháp chủ động nhằm cố gắng duy trì ở mức cao nhất việc học cho học sinh trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cùng với sự chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai các hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá qua mạng internet, qua truyền hình, đã từng bước diễn ra, triển khai và ngày càng mạnh mẽ. Giáo viên cả nước đã tự mình thay đổi giáo án, thiết kế lại giáo án, tự học và bồi dưỡng cho nhau kĩ năng sử dụng một số phần mềm, hệ thống hỗ trợ dạy và học trực tuyến để dạy cho học sinh trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh đó, không xét tới những khó khăn chung của điều kiện kinh tế và công nghệ, có thể thấy được sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, các nhà trường và cả phụ huynh là rất lớn. Đặc biệt là, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức kì thi THPT quốc rất thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đạt được những thành công đó, và được xã hội ghi nhận, nhưng cũng giống như nhiều nước trên thế giới, ngành Giáo dục cũng đang và sẽ đứng trước những thách thức lớn như: sự khó khăn về tài chính cho giáo dục trong bối cảnh khó khăn chung về tài chính của tất cả các quốc gia trước đại dịch; việc tổ chức dạy học trước nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch; sự khác biệt về điều kiện công nghệ ở các vùng miền, cần có những đổi mới như thế nào đối với quan niệm và chỉ đạo, hành lang pháp lí, cơ chế, chính sách cho việc dạy và học online,…

Thứ hai, thực thi Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, nâng cao và yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, tạo động lực cho sự sáng tạo và phát triển. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm xây dựng hành lang pháp lí cho việc đổi mới giáo dục, tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển.

Thứ ba, dạy và học dựa trên chương trình mới (từ lớp 1) trong bối cảnh cả nước có nhiều bộ sách giáo khoa. Việc dạy và học theo chương trình mới, với những yêu cầu mới về mục tiêu, nội dung và do đó là cách thức tổ chức dạy học và quản lí. Bước đầu, về cơ bản, các bộ sách giáo khoa đảm bảo được các mục tiêu của chương trình, được biên soạn sinh động, khoa học, có tính tương tác cao, hiện đại và đẹp, và được sự đón nhận tốt từ phía giáo viên và học sinh. Tuy chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai trong bối cảnh và tâm thế sẵn sàng đổi mới, với sự tích cực và trách nhiệm của toàn ngành, những thách thức và một số vấn đề nảy sinh cũng cần phải giải quyết, dù có thể trong đó, một số vấn đề đã được lường trước. Chẳng hạn như vấn đề chi phí xã hội cho sách giáo khoa phải tăng lên, giá sách phải tăng lên khi số lượng in cho mỗi bộ sách giảm đi so với trước đây (cả nước chỉ có một bộ sách); những thách thức đến từ việc triển khai sách giáo khoa vào nhà trường (như sự phù hợp về cơ sở vật chất hiện tại với mục tiêu và yêu cầu, sự kịp thời và khả năng đổi mới của giáo viên, và ngay cả cơ chế quản lí cho sự triển khai, rà soát, góp ý, điều chỉnh (nếu cần) cho những tồn tại của từng cuốn sách giáo khoa, …

Thứ tư, giáo dục đại học có những chuyển mình rõ rệt. Sự chuyển mình này xuất phát từ hai phía: chính sách và từ chính các đại học, thể hiện qua những vấn đề được ghi nhận, quan tâm như tự chủ đại học, xếp hạng đại học, kiểm định, hội nhập quốc tế, công bố quốc tế, tiêu chuẩn chức danh, quy chế đào tạo tiến sĩ,... Sự chuyển mình này là kết quả của một quá trình, một giai đoạn, đánh dấu bằng luật và các thông tư, và những hiệu ứng chính sách mà nó mang lại, tạo ra một hành lang pháp lí cho việc đổi mới giáo dục đại học. Còn quá nhiều việc để làm cho các đại học, và thách thức đến với họ là tự chủ, tự khẳng định để tồn tại, để phát triển bền vững dựa trên nền tảng nguồn lực con người, khoa học, công nghệ và hợp tác (quốc tế); còn những khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc triển khai mô hình quản trị đại học mới, chẳng hạn như vai trò của đảng uỷ, ban giám hiệu, hội đồng trường; vấn đề tự chủ, quản trị đại học còn cần phải tiếp tục nghiên cứu và có những lộ trình, hướng dẫn thực hiện trong những thời điểm quan trọng; chính sách về khoa học công nghệ tổng thể (không chỉ của ngành giáo dục) cần phải được quan tâm hơn nữa nhằm xây dựng được môi trường học thuật chất lượng cao, hội nhập với các tiêu chuẩn chất lượng và liêm chính quốc tế; những khó khăn tài chính toàn ngành, toàn xã hội sẽ là một thách thức đối với toàn ngành và của cả xã hội trong bối cảnh cần phải đầu tư, đổi mới giáo dục. Hi vọng rằng, trong bối cảnh đổi mới, có những bước đi kiểu “tìm đường” hay “đột phá” bởi chính các lãnh đạo đại học.

Thứ năm, công tác bồi dưỡng giáo viên, đào tạo giáo viên và sự kết nối giữa các trường sư phạm với các Sở, phòng giáo dục: toàn diện, thiết thực. Hoạt động này đã đáp ứng được và nhằm giúp đội ngũ giáo viên thực hiện các nhiệm vụ ngay, nhanh để thực hiện hay tiếp cận những tư duy đổi mới từ chương trình và sách giáo khoa, ngay cả với những khối lớp không dạy theo chương trình mới, sách mới. Việc quan tâm đổi mới này phải bắt đầu từ giáo viên nhưng cũng phải bắt đầu từ các nôi đào tạo giáo viên, là các trường sư phạm và các trường có đào tạo sư phạm. Cách thức chỉ đạo, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm, yêu cầu và kết nối họ với các sở giáo dục trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, đào tạo giáo viên là một cách kết nối giữa “người đào tạo” và “người sử dụng” nhằm tạo ra, thúc đẩy tạo ra, bồi dưỡng được những giáo viên, giáo viên tương lai sẵn sàng đổi mới, thực hiện được đổi mới và trước mắt là đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tuy vậy, một số thách thức có thể gặp phải là lực lượng giáo viên có số lượng rất lớn, nhiều địa bàn khó khăn và tất cả họ đều cần phải được bồi dưỡng; cơ chế nào cho sự tiến hành các hoạt động đổi mới hàng ngày, trong bối cảnh còn quá nhiều khó khăn như hiện nay, trong bối cảnh chưa có điều kiện tăng lương cho giáo viên; thói quen sử dụng sách giáo khoa trong dạy học (mà ít sự quan tâm nghiên cứu chương trình của giáo viên) sẽ gây áp lực cho việc bồi dưỡng giáo viên đối với những khối lớp chưa có sách giáo khoa mới; các trường sư phạm có kịp thời đổi mới cách đào tạo giáo viên, có quan tâm đến việc năng lực phân tích chương trình, năng lực triển khai chương trình cho những giáo viên tương lai, … Tuy nhiên, cũng đã có những dấu hiệu đáng mừng về công tác đào tạo giáo viên như vấn đề chỉ tiêu, yêu cầu chất lượng, hỗ trợ tài chính và phát triển các trường sư phạm trọng điểm.

Có thể nói, năm học 2019-2020 là năm bản lề, đánh dấu một giai đoạn quan trọng của phong trào thi đua yêu nước toàn Ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020. Đổi mới, sáng tạo là những cụm từ không chỉ được nhắc tới, triển khai trong dạy và học mà còn cả ở trong quản lí. Nhiều mô hình quản lí mới thành công, nhiều tấm gương giáo viên đổi mới, sáng tạo được vinh danh, nhiều mô hình phát triển đại học, mô hình hợp tác công-tư, xã hội hoá trong dạy học, đào tạo, nghiên cứu … đã xuất hiện. Rõ ràng, trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn, sự đổi mới có cơ hội, được tạo điều kiện để hình thành, phát triển. Đó là những tín hiệu cụ thể, đáng mừng, cần được nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng cho những nơi khác, trong giai đoạn sắp tới.

Một số bài viết liên quan:

https://giaoducthoidai.vn/tuong-thuat/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-nganh-giao-duc-nam-2020-8RR1jepGg.html

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Hoi-nghi-toan-quoc-nganh-giao-duc-6-ket-qua-noi-bat-con-van-de-buc-xuc/412605.vgp

https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien/dai-dich-covid-19-nhung-van-de-cu-voi-giao-duc-toan-cau-tro-nen-moi-unesco-598.html

Bạn đang đọc bài viết Năm học 2019-2020: những đổi mới toàn diện và thách thức của ngành Giáo dục tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19